Động lực tăng trưởng

- Thứ Hai, 02/11/2020, 06:38 - Chia sẻ

Sáng nay, 2.11, Quốc hội bắt đầu đợt 2 của Kỳ họp thứ Mười với trọng tâm nghị sự về đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2020, việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, các chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách giai đoạn 2016 - 2020. Quốc hội cũng sẽ xem xét, xác định các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của năm 2021 và thảo luận về những định hướng lớn cho 5 năm tới.

Sẽ có rất nhiều vấn đề được các đại biểu Quốc hội xem xét trong phiên họp tổ sáng nay và phiên họp toàn thể ngày mai. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn cần được dành ưu tiên bàn thảo là động lực tăng trưởng kinh tế trong những năm tới có thể dựa vào đâu?

Những thành tựu hết sức quan trọng của năm 2020, đặc biệt là việc duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, giữ được đà tăng trưởng dương trong khi hầu hết nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng âm sẽ giúp cho chặng đường tới đây của nước ta bớt đi nhiều chông gai. Các Hiệp định thương mại tự do, bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU đã đem lại những kết quả hết sức tích cực trong vài tháng qua chắc chắn cũng sẽ mở ra cơ hội lớn cho nền kinh tế nước ta.

Dù vậy, đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp ở các nước, nhất là các nước đối tác lớn của Việt Nam ở châu Âu. Ở trong nước, nguy cơ bùng phát dịch trở lại vẫn còn, trong khi đó, nền kinh tế và các doanh nghiệp đều đã bị tổn thất nặng nề bởi đại dịch từ đầu năm đến nay. Cùng với đó là bão lũ, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng bất thường và cực đoan... Tìm kiếm và khơi dậy được động lực tăng trưởng kinh tế mới trong bối cảnh “khó khăn chồng chất khó khăn” quả thực là một thách thức vô cùng lớn.

Trong bối cảnh như vậy, khu vực kinh tế tư nhân được nhiều chuyên gia đánh giá sẽ là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất và có khả năng tạo ra những bứt phá.

Từ Đại hội XII, Đảng ta đã xác định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Quốc hội, Chính phủ cũng đã nỗ lực “hoàn thiện cơ chế, chính sách, khuyến khích tạo thuận lợi phát triển mạnh kinh tế tư nhân ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế” theo đúng quan điểm đã được Đảng đề ra. 5 năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có những chuyển biến hết sức quan trọng cả về số lượng, chất lượng và sự đóng góp vào nền kinh tế quốc gia. Đã xuất hiện một số doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong đổi mới, sáng tạo và có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Tuy vậy, về tổng thể, theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, vẫn thiếu các cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư dài hạn, tạo dựng sản phẩm và thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Chúng ta vẫn chưa có những doanh nghiệp tư nhân lớn đóng vai trò nòng cốt, mũi nhọn dẫn dắt nền kinh tế mà đa phần vẫn là các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, còn yếu và thiếu cả về sức sáng tạo và năng lực cạnh tranh.

Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đang được lấy ý kiến nhân dân, đã xác định “khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất được hỗ trợ phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao”. Từ Văn kiện Đại hội XII đến Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII lần này, rõ ràng, tư duy và quan điểm của Đảng về kinh tế tư nhân đã có bước phát triển hết sức quan trọng.

Và như vậy, vừa là khắc phục những hạn chế, “điểm nghẽn” của hiện tại, vừa là chuẩn bị đón đầu cho việc thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Đại hội XIII tới, Quốc hội cần yêu cầu Chính phủ đánh giá và báo cáo chi tiết hơn về cơ chế, chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân vừa qua, những rào cản chủ yếu đến từ đâu và định hướng sắp tới như thế nào.

Trong đó, như Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ, cần tập trung đánh giá các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân có quy mô lớn; việc triển khai các chính sách theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội ban hành từ năm 2017; mức độ gia tăng giá trị gia tăng trong giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo; những rào cản thể chế trong khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực doanh nghiệp...

Ngay tại Kỳ họp này, có lẽ, Quốc hội cần có yêu cầu rõ ràng với Chính phủ về việc xây dựng và thực thi càng sớm càng tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực doanh nghiệp lớn, hình thành một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, có tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh và tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Hải Lam