Bước chuyển mạnh mẽ
Để bảo đảm hiệu quả trong công tác chuyển đổi số, từ cuối năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Cần Thơ đã thực hiện thí điểm 2 mô hình chuyển đổi số theo Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ là “Thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chip” và “Triển khai hệ thống quản lý trường học” với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu riêng của ngành, cho phép xác thực thông tin giáo viên, học sinh; quản lý điểm, dữ liệu ngành, hỗ trợ hệ thống tiền học phí, thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tiện ích eNetViet.
Sở cũng đã triển khai thí điểm Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh phục vụ công tác quản lý, điều hành thông qua việc thiết lập hệ thống giám sát gồm 68 chỉ tiêu có liên quan của ngành giáo dục và đào tạo.
Tại các địa phương, ngành giáo dục cũng tăng cường chỉ đạo các cơ sở giáo dục đẩy mạnh triển khai nội dung chuyển đổi số để thực hiện các giải pháp quản trị trường học thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý học sinh, thống kê điểm số, học bạ và các thông tin liên quan đến học sinh như “Ứng dụng Microsoft teams trong quản lý và dạy học” của Trường THPT Châu Văn Liêm; “Phần mềm nhận diện gương mặt (điểm danh) của Trường THPT Nguyễn Việt Hồng…
Nhiều cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức các buổi họp, hội nghị, hội thảo tập huấn chuyên đề bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến thông qua các ứng dụng phổ biến như Google Meet, Zoom Cloud Meeting, hệ thống taphuan.csdl.edu.vn… bảo đảm tất cả cán bộ quản lý, giáo viên đều được tham dự để chia sẻ, tiếp cận nội dung.
Song song đó, Sở cũng đã phối hợp với một số doanh nghiệp công nghệ thông tin xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở giáo dục triển khai thí điểm việc tạo lập, sử dụng học bạ số; cung cấp chữ ký số cho 100% cán bộ quản lý và giáo viên trong các cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức đăng ký dự thi, tra cứu kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và triển khai tuyển sinh các lớp đầu cấp bằng hình trực tuyến. Đến cuối năm học 2023 - 2024, có 8/9 quận, huyện đã tổ chức thành công Hội thi “Xây dựng thiết bị dạy học số” cấp học mầm non.
Với những nỗ lực trong chuyển đổi số, đến nay toàn thành phố có 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai thanh toán học phí không dùng tiền mặt; 100% học sinh phổ thông, giáo dục thường xuyên có hồ sơ số về việc học tập cá nhân; 100% cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, THPT có tổ chức các hoạt động giáo dục STEM/STEAM và kỹ năng số phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
Thực chất, hiệu quả
Những nỗ lực và kết quả bước đầu trong chuyển đổi số đã góp phần quan trọng trong công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, ở nhiều địa phương hiện nay vẫn còn tình trạng kinh phí thực hiện các chương trình, nội dung có liên quan chuyển đổi số (kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, thư viện điện tử,…) chưa được bố trí kịp thời; công chức phụ trách chuyển đổi số kiêm nhiệm nên việc triển khai các nội dung có liên quan đến vấn đề này còn chậm. Bên cạnh đó, tình trạng một số trường học chưa được trang bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật số; khả năng tiếp cận công nghệ, kỹ năng sử dụng các thiết bị công nghệ trong giảng dạy của một bộ phận giáo viên còn hạn chế; năng lực quản lý và bảo mật dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số… Đây là những thách thức lớn mà ngành giáo dục thành phố đang đối diện.
Cùng với việc tạo điều kiện để cha mẹ học sinh, tổ chức, công dân và doanh nghiệp chủ động, tích cực góp ý, giám sát và sử dụng các dịch vụ, tiện ích do chuyển đổi số mang lại, ngành giáo dục cũng có kế hoạch triển khai các kênh hỗ trợ trực tiếp, trực tuyến (báo, tạp chí điện tử, phát thanh - truyền hình, mạng xã hội…) để hướng dẫn, hỗ trợ cha mẹ học sinh, học sinh, cộng đồng khi sử dụng các dịch vụ giáo dục trực tuyến.
Bước vào năm học mới năm học 2024 - 2025, cùng với việc xây dựng, triển khai nền tảng tích hợp cơ sở dữ liệu giáo dục toàn ngành, bảo đảm khả năng đồng bộ với các nền tảng chuyển đổi số, thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chủ động áp dụng các giải pháp phù hợp với nền tảng phát triển kỹ năng số quốc gia để tạo thuận lợi cho việc trao đổi tài nguyên học tập, tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng số trực tuyến ở mỗi cơ sở giáo dục, mỗi địa phương và toàn ngành. Đồng thời, chú trọng đầu tư phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; sử dụng các công nghệ và nền tảng số hóa để nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, chất lượng dạy và học; tiến tới hình thành hệ sinh thái giáo dục thông minh TP. Cần Thơ và hướng đến tích hợp với hệ sinh thái công dân điện tử của thành phố.