Động lực giúp phụ nữ huyện đảo làm giàu

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 05:57 - Chia sẻ
Nhà Phật có câu: “Mỗi niệm đều tạo ra nhân duyên vô lượng. Mỗi tư tưởng đều tạo ra hậu quả vô cùng. Mỗi mắt xích đều quan trọng. Hãy quan tâm đến từng mắt xích của đời ta”. Nếu một người muốn thay đổi cuộc sống của mình thì điều đầu tiên cần phải thay đổi chính là tư duy - đó là cách mà những bà chủ nuôi cá lồng bè ở đảo Phú Quý đã thành công trong việc thoát ra khỏi vai nội trợ để trở thành người làm chủ gia đình, làm chủ cuộc đời mình…
Vốn tín dụng đã giúp chị Lành (ngoài cùng bên trái) và chị Nhung (ngoài cùng bên phải) thành bà chủ của các lồng bè nuôi cá

Khởi nghiệp với tín dụng chính sách

5 năm trước, tôi may mắn được ra Phú Quý khi huyện Đảo đang bước vào những ngày cuối cùng của kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. 5 năm sau, mối duyên lành một lần nữa cho tôi được trở lại hòn đảo xinh đẹp này để chứng kiến những giây phút đáng nhớ của “Ngày hội non sông” với sự trỗi dậy mạnh mẽ trên tất cả các mặt của đời sống kinh tế - xã hội.

Bà Huỳnh Thị Kim Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Phú Quý chia sẻ, một thời gian dài, nền kinh tế của huyện đảo hoàn toàn là tự cung, tự cấp nhưng nay, mọi thứ đã khác, Phú Quý đang dần thay da đổi thịt. Đặc biệt, những khó khăn của người dân trên đảo, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách đã và đang dần được hóa giải bằng các chương trình tín dụng ngày càng đa dạng và hạn mức vay sát với nhu cầu thực tế. Nhờ vay vốn ưu đãi, nhiều hộ dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống, nhận thức tốt hơn về cách thức sử dụng vốn vay sao cho có hiệu quả, vươn lên làm giàu chính đáng.

Đáng chú ý, thông qua tín dụng ưu đãi, đã hình thành một phong cách sống, làm việc mới trong giới trẻ và chị em phụ nữ. Họ đã trở nên năng động hơn, tự tin hơn và không cam chịu đói nghèo, lạc hậu. Chính nhờ tư duy, suy nghĩ tiến bộ này, Phú Quý trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Bình Thuận và huyện đảo thứ hai của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới vào đầu năm 2016.

Mọi sự thay đổi trên đảo nhỏ xinh đẹp Phú Quý dường như được thu gọn lại trong cuộc đời của chị Nguyễn Thị Lành, thôn Mỹ Khê, xã Tân Thanh. Sinh ra và lớn lên trên đảo, chị Lành tận mắt chứng kiến cuộc sống lam lũ của cha mẹ và người dân xung quanh. Suốt những năm thanh xuân, không ai chỉ cho chị phải làm gì, làm thế nào để thoát khỏi cảnh khó khăn, túng thiếu. Đến tận năm 2011, khi đã bước qua tuổi 30, chị Lành mới bắt đầu tư duy: Phụ nữ cũng có thể làm được kinh tế khi tiếp cận với những cán bộ tín dụng của NHCSXH huyện Phú Quý.

Vậy là từ một người chỉ quen công việc nội trợ, bếp núc; rồi hỗ trợ chồng bán các sản phẩm đánh bắt được sau mỗi chuyến biển… chị Lành đã tham gia làm Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và Vay vốn của NHCSXH huyện. Cũng từ đây, khát khao làm giàu và được làm chủ chính cuộc đời mình đã thôi thúc chị từng ngày, từng ngày. Song, đến tận năm 2019, chị mới bắt đầu khởi nghiệp với khoản vay 50 triệu đồng từ vốn vay giải quyết việc làm.

Từ một lồng cá 4m2, sau hơn 2 năm chị và nhóm bạn của mình đã sở hữu hơn 40 lồng bè cá đặc sản các loại. Mỗi năm xuất bán 2 - 4 lần, mỗi lần từ 5 - 7 tấn cá Mú, Bớp, Gáy, Chim... các loại. Với giá bán từ 400.000 đến 500.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm mang lại cho chị vài trăm triệu đồng tiền lãi.

Tổ vay vốn của chị Nguyễn Thị Lành hiện có 17 thành viên, đều là phụ nữ và có dư nợ trên 1 tỷ đồng. Các chị cùng chung một mong muốn: Được làm giàu trên chính quê hương Phú Quý và tại thời điểm này, đa phần trong số họ đã đạt được ước nguyện.

Tin vào ngày mai tươi sáng

Đến Phú Quý đúng vào dịp huyện Đảo chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Mọi sự giao lưu, buôn bán, nhất là dịch vụ du lịch gần như bị đứt gãy hoàn toàn. Thế nhưng, trong ánh mắt của những “bà chủ mới nổi” như Nguyễn Thị Lành, Trần Thị Mỹ Nhung... vẫn rạng ngời hy vọng.

Dọc hai khu neo tránh trú bão trên đảo, lượng tàu thuyền đậu kín đặc một vùng. Trên bờ không còn cảnh tấp nập kẻ mua, người bán mỗi khi chiều xuống hay khi bình minh hé rạng. Trên vài ba bè cá, thấp thoáng vài bóng người phụ nữ đang cho cá ăn… những hình ảnh mà chỉ khi Covid-19 ập đến mới xảy ra.

Chị Nguyễn Thị Lành cho biết, sở dĩ chị và những người nuôi cá lồng bè phất lên nhanh chóng là do phát triển du lịch trên đảo. Cùng với đó, việc kêu gọi, xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm của tỉnh đã khiến hải sản Phú Quý cũng như các thắng cảnh đẹp của đảo được nhiều người biết tới. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã làm cho các dòng hải sản, thương mại, dịch vụ của người dân Phú Quý bị đứt gãy không có đầu ra, tồn đọng hàng hóa, giá cả giảm thấp ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu nhập của bà con ngư dân, các doanh nghiệp.

Bản thân những người nuôi trồng thủy sản như chị Lành, chị Nhung cũng đang bị thiệt hại nặng nề. Chị Nhung cho hay, mỗi ngày vẫn phải tốn rất nhiều thức ăn cho cá; các lồng cá đến tuổi xuất bán nhưng không xuất được khiến các chị như ngồi trên đống lửa. “Lồng cá nào không thể để lâu hơn được, chúng tôi phải chế biến thành cá một nắng nhưng việc bảo quản và xuất bán ra ngoài không hề đơn giản và lời lãi cũng không đáng là bao. Nhưng chúng tôi cũng không bi quan!” - chị Lành tiếp lời.

Bởi lẽ, tất cả nhưng khó khăn, khúc mắc về vốn đều được cán bộ tín dụng NHCSXH huyện nắm bắt và tháo gỡ. Thành viên nào trong Tổ Tiết kiệm và Vay vốn bị ảnh hưởng do đại dịch đều được các cán bộ tín dụng thống kê đầy đủ, có biện pháp khoanh nợ, giãn nợ kịp thời. “Thậm chí, cán bộ NHCSXH còn là khách hàng giải cứu hải sản cho chúng tôi…” - chị Lành chia sẻ.

Quả thật, giữa muôn vàn khó khăn của dịch bệnh, vẫn thấy Phú Quý tương lai tươi sáng. Bởi tương lai đó có những người phụ nữ đầy bản lĩnh và tấm lòng nhiệt huyết, trách nhiệm của những người làm công tác tín dụng chính sách.

Thái Bình