Ở chuyên đề số 12, Kỹ năng giám sát quản lý nhà nước về an sinh xã hội ở cấp huyện, cấp xã TS. Đặng Thị Minh chia sẻ, các giảng viên báo cáo viện cần có định hướng và làm rõ các khai niệm về an sinh xã hội, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội và trách nhiệm của chính quyền địa phương ở huyện, xã trong quản lý nhà nước về an sinh xã hội. Việc nắm bắt được quy trình vận động của hệ thống, cơ quan chịu trách nghiệm với các vấn đề an sinh xã hội và các mặt cần theo dõi là khâu đầu tiên để một đại biểu có thể giám sát một hay nhiều vấn đề.
Về kỹ năng giám sát đối với an sinh xã hội, các đại biểu sẽ giám sát và theo dõi sự quản lý nhà nước của địa phương ở 4 mảng lớn, thứ nhất là giám sát thực hiện chính sách trợ giúp xã hội; thứ hai cần giám sát việc địa phương, UBND cùng cấp hoặc cấp dưới thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, cuộc sống của cử tri phải bảo đảm các dịch vụ xã hội cơ bản; thứ ba là giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi người có công; thứ tư là giám sát các chính sách còn lại như chính sách việc làm, thu nhập, trợ giúp người có hoàn cảnh khó khăn, hệ thống cung cấp dịch vụ công về an sinh xã hội thông qua công tác xã hội chuyên nghiệp hay cụ thể nhất hiện nay là hộ trợ người lao động, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong thời gian qua.
“Ở các phần này các giảng viên nên sử dụng các phương pháp thuyết trình, hỏi đáp, trao đổi, thảo luận nhóm hoặc thiết kế một số tình huống để giúp bài giảng sinh động và để đại biểu thao luận tự tìm ra các điểm hạn chế trong các lĩnh vực về an sinh xã hội, giáo dục, y tế...Các thầy cô cũng cần cung cấp các văn bản pháp lý giành cho đại biểu ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội tại địa phương”, TS. Đặng Thị Minh đưa ra những lời khuyên về phương pháp giảng dạy.
Đối với chuyên đề giám sát quản lý nhà nước ở các vấn đề văn hóa, giáo dục, y tế ở cấp huyện, cấp xã, các giảng viên cần phải khẳng định được vai trò của các vấn đề này đối sự phát triển của địa phương. Các chính sách này nếu được thực hiện tốt sẽ góp phần che chắn, bảo vệ các thành viên trong cộng đồng giúp họ có điều kiện để vươn lên trong cuộc sống. Cùng với đó, các chính sách này cũng giúp địa phương thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, tạo động lực để địa phương phát triển bền vững.
Khi đại biểu nhận diện tầm quan trọng của các hoạt động an sinh xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế sẽ giúp họ chủ động hơn trong nghiên cứu, lựa chọn các vấn đề giám sát. Ngoài ra việc am hiểu về lĩnh vực mình theo dõi sẽ làm cho hoạt động giám sát của đại biểu có chất lượng cao hơn, sát với thực tế hơn, đưa ra được giải pháp để nâng cao nâng lực quản lý của nhà nước trong mọi lĩnh vực của đời sống.
TS. Đặng Thị Minh cho rằng, cần chỉ dẫn để đại biểu nhận diện các sai phạm trong quản lý nhà nước về văn hóa, giáo dục, y tế, an sinh xã hội. Ví dụ như việc trục lợi chính sách giảm nghèo, người có công, trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, hay việc trục lợi quỹ BHXH, phân chia nguồn quỹ an sinh xã hội chưa đúng đối tượng, chưa đồng đều. Trong y tế là những hoạt động như sai phạm của các cơ sở trong hành nghề y dược trên địa phương, sai phạm về sử dụng quỹ BHYT, chăm sóc sức khỏe các đối tượng yếu thế, sai phạm trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hay các sai phạm trong văn hóa như, trong bảo tồn di tích lịch sử, bảo vệ môi trường trong và bên ngoài khu di tích, bài trừ các hủ tục gây cản trở sự phát triển của địa phương...
Kết thúc bài giảng, TS. Đặng Thị Minh cho rằng, để làm tốt công tác giám sát trong các lĩnh vực văn hóa, an sinh xã hội, giáo dục, y tế, ngoài các kỹ năng cơ bản tại lớp học, đại biểu cần đi sâu, tìm tòi, nhận diện những bất cập tại địa phương. Đồng thời, đại biểu cũng cần thể hiện rõ trách nhiệm của mình khi phát hiện các sai phạm, đặc biệt là trục lợi chính sách an sinh xã hội nhằm bảo vệ người dân - những người bỏ lá phiếu bầu ra mình.