Đông Kinh nghĩa thục và cải cách giáo dục hiện nay

- Thứ Ba, 25/09/2012, 08:20 - Chia sẻ
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm Minh Triết thì nghiên cứu nghiêm túc về Đông Kinh nghĩa thục sẽ thấy hiện ra nhiều giá trị lấp lánh mà các bậc sỹ phu và cả một phong trào canh tân đất nước thời ấy để lại, trong đó nhiều bài học về triết lý giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục còn nguyên giá trị cho tới ngày hôm nay.

Đông Kinh nghĩa thục được thành lập tại Hà Nội và hoạt động từ tháng 3.1907. Đúng như tên gọi của nó, đây trước hết là một trường học, một trường học tư và hoàn toàn bất vụ lợi, được lập ra vì một nghĩa lớn. Nghĩa lớn ấy nằm chính trong tôn chỉ sáng láng của phong trào Duy Tân: “Khai dân trí”, mở mang và nâng cao dân trí, để từ đó đi đến “Chấn dân khí”, tạo nên sinh khí mới cho dân tộc, và “Hậu dân sinh”, đưa đất nước đến phát triển phồn vinh cùng năm châu bốn biển. Về thực chất, Đông Kinh nghĩa thục chính là một cuộc vận động và thực hành cải cách giáo dục rộng lớn, sâu sắc, cơ bản và sớm một cách đáng kinh ngạc.

Tại buổi tọa đàm Đông Kinh nghĩa thục và cải cách giáo dục hiện nay vừa diễn ra tại Hà Nội, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhấn mạnh: Đông Kinh nghĩa thục đề cao chủ nghĩa mở trí khôn cho nhân dân, coi giáo dục là quốc sách hàng đầu; đem tư tưởng của người xưa kết hợp với kiến thức hiện đại làm cho thật sự có kết quả, phổ cập giáo dục làm cho cả nước văn minh. Mục tiêu giáo dục theo lý chung là để có ích cho bản thân và cho quốc gia, xã hội... Đông Kinh nghĩa thục còn chủ trương bỏ lối học khoa cử vì hư danh và để làm quan; cổ vũ giáo dục thực nghiệp, học và thi cử gắn với công việc, để cho cái mà học sinh học và thi không trái với công việc thực tế họ phải làm; đề cao một phương pháp học tập thật văn minh, tiến bộ: “đặt đề mà hỏi. Cho phép học trò bàn bạc tha hồ, đối đáp tự do...”. Nhà trường không khép kín, nhà trường mở ra với những nhiệm vụ và hoạt động cứu nước, chấn hưng văn hóa và xã hội...

PGs, Ts Chương Thâu - chuyên gia nghiên cứu về Phan Bội Châu cho rằng, Đông Kinh nghĩa thục là một kiểu trường học chưa từng có trong lịch sử nước ta - trường học của toàn dân, không phân biệt già trẻ gái trai. Học viên chủ yếu học tinh thần yêu nước, học chữ Quốc ngữ, học các kiến thức mới về luân lý đạo đức, lịch sử, địa lý nước nhà, học lối sống mới hợp vệ sinh, học khoa học, công nghệ, kinh tế, chính trị, quyền công dân... Tóm lại là trường đào tạo công dân, để cho một nước Việt Nam mới hướng tới độc lập, dân chủ tự do, thoát ra khỏi tình trạng nô lệ lạc hậu.

Có thể tìm thấy ở minh triết giáo dục của Đông Kinh nghĩa thục những vấn đề cơ bản và thậm chí còn nóng hổi cho sự nghiệp giáo dục của chúng ta ngày nay, từ triết lý giáo dục, mục tiêu đào tạo con người từ đó là mục tiêu xây dựng xã hội mới - nội dung giáo dục, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục, các mối quan hệ nội tại và với xã hội của giáo dục... đến cách thức tổ chức nền giáo dục kiểu mới. Đặc biệt, chủ trương cải cách giáo dục đó được đặt trong một hệ thống rộng lớn, bao quát hơn, gắn liền và là động lực quan trọng để chuyển động hệ thống ấy: cải tạo có tính cách mạng toàn bộ xã hội.

Thế nhưng, chủ trương đó đến tận ngày nay giáo dục Việt Nam vẫn đang loay hoay đi tìm và nỗ lực cải cách. Các nhà Đông Kinh nghĩa thục đã trăn trở về chủ đề này 105 năm trước. Thành quả là “đường lối giáo dục quốc dân”, kế thừa tư tưởng của các nho sỹ bình dân thời phong kiến thế kỷ XIX và tư tưởng dân quyền, dân chủ và khoa học của phương Tây đã có ngày hôm nay. Theo Gs, Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, đường lối giáo dục này là mẫu mực của sự đổi mới “căn bản và toàn diện”, một cụm từ hiện nay đã trở thành phổ biến của ngành giáo dục. Nguyên Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình, cháu ngoại chí sỹ Phan Chu Trinh, thích cụm từâ “cải cách giáo dục” của Đông Kinh nghĩa thục. Với phong trào Đông Kinh nghĩa thục, “căn bản và toàn diện” không hề mập mờ, khó hiểu như cách dùng hiện nay. “Căn bản” nghĩa là tận gốc, từ bỏ triết lý “giáo dục tĩnh” của Nho giáo, vốn chỉ tạo ra những thần dân bù nhìn, chuyển sang “giáo dục động”, kết hợp Đông (đạo Nho nhân bản, văn hóa dân tộc) và Tây (giáo dục Pháp). “Toàn diện” bao gồm đủ các quá trình: mục tiêu, nội dung, phương pháp; không lấy phương pháp mới để dạy nội dung cũ như hiện nay, dẫn đến càng cải càng rối.

Mục tiêu “học là để có ích cho bản thân mình và cho quốc gia, xã hội...” của Đông Kinh nghĩa thục cũng là một tư tưởng có tính thời sự đối với nền giáo dục hiện nay. Ông Nguyễn Đông Hải, em trai bà Nguyễn Thị Bình, tóm gọn mục tiêu đào tạo của Đông Kinh nghĩa thục trong mấy từ: “Người học thực học, người dạy thực dạy, học trò học xong có thực tài và cuối cùng, thực cống hiến cho đất nước”...

“Tư tưởng giáo dục tiến bộ của Đông Kinh nghĩa thục dù đã trải qua 105 năm nhưng vẫn có giá trị đối với nền giáo dục Việt Nam hiện nay. Đó quả thật là một hiện tượng đặc sắc, một tỉnh ngộ anh minh và dũng cảm khác thường, một nhận thức mới có tính chất chuyển thời đại, còn mới mẻ và thiết thực cho đến tận ngày nay” - nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai nhận định.

Hương Sen