Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020:

Đồng hành với doanh nghiệp vượt khó

- Thứ Hai, 13/07/2020, 07:08 - Chia sẻ
Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác thông qua tại Kỳ họp thứ Chín được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định là rất kịp thời, đầy tính nhân văn. Đây chính là giải pháp đồng hành với doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh Covid - 19.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ vốn sản xuất

Nội dung của nghị quyết hướng tới các doanh nghiệp khó khăn có quy mô nhỏ và vừa, có khả năng tiếp cận vốn hạn chế, doanh thu thấp, thị trường hẹp, ít lao động nhưng đang chiếm tỷ lệ lớn trong thị trường lao động, và nền tảng quản lý, công nghệ chưa phát triển, khả năng phục hồi sau dịch khó khăn hơn.

Nguồn: ITN

Tiêu chí xác định là doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng được giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Dự kiến ngân sách nhà nước năm 2020 sẽ giảm thu khoảng 23.000 tỷ đồng, tuy nhiên, theo nhiều ĐBQH, việc giảm thuế chính là giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích tụ vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh. Đồng thời, là tiền đề để các doanh nghiệp phát triển, chuyển đổi thành doanh nghiệp có quy mô lớn hơn, đóng góp cho ngân sách nhà nước trong thời gian tiếp theo.

Nhằm khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như bảo đảm sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, mới đây lãnh đạo Bộ Tài chính chia sẻ, bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế. Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế. Quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý thu hồi nợ thuế.

Đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện

​Triển khai Nghị quyết của Quốc hội, tại khoản 2, Điều 3, Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết này. Bộ Tài chính đã xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác để kịp trình Chính phủ cho ý kiến và ban hành.

Theo dự thảo Nghị định, "tổng doanh thu năm 2020" (không quá 200 tỷ đồng) làm căn cứ xác định đối tượng áp dụng được giảm thuế theo quy định là "tổng doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong năm 2020 của doanh nghiệp". 

Với quy định nêu trên thì việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng đối với toàn bộ thu nhập của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện giảm thuế quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết, không loại trừ các khoản thu nhập không được hưởng ưu đãi theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp như thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, chuyển nhượng vốn, thu nhập từ hoạt động khai thác khoáng sản, thu nhập từ kinh doanh dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt... Bởi việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ áp dụng cho thu nhập phát sinh trong năm 2020 của các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 200 tỷ đồng, là đối tượng dễ bị tổn thương trước tác động tiêu cực của nền kinh tế cần được hỗ trợ theo đúng quy định của Nghị quyết.

Đối với doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2020 để được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: “Nghị quyết quy định doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thuộc diện giảm thuế thu nhập doanh nghiệp”, được hiểu là tổng doanh thu của cả năm 2020 (đủ 12 tháng); do đó trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2020 (kỳ tính thuế năm 2020 không đủ 12 tháng) thì cần quy định phân bổ doanh thu theo thời gian thực tế doanh nghiệp hoạt động trong năm 2020.

Vì vậy, tại điểm a khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị định quy định: “Trường hợp doanh nghiệp mới thành lập trong năm 2020 không đủ 12 tháng thì tổng doanh thu năm 2020 được xác định bằng doanh thu thực tế của năm 2020 chia cho số tháng doanh nghiệp thực tế hoạt động trong năm 2020 sau đó nhân với 12 tháng. Trường hợp doanh nghiệp thành lập mới trong tháng thì tháng thành lập được tính đủ tháng”, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.

Đặc biệt, để không làm phát sinh thêm thủ tục mới mà vẫn khả thi trong thực hiện, dự thảo Nghị định còn quy định, khi lập tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp sau khi xác định số tiền thuế được giảm theo quy định thì thực hiện ghi vào chỉ tiêu 9.2 - số thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm không theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp của Tờ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp nội dung "số tiền thuế được giảm kèm chú thích giảm 30% số thuế phải nộp năm 2020 theo quy định của Nghị quyết của Quốc hội"...

Cũng liên quan đến vấn đề thủ tục giảm thuế, dự thảo Nghị định quy định, cơ quan thuế không phải thông báo cho doanh nghiệp về việc chấp nhận giảm thuế. Trường hợp trong thời gian giảm thuế, cơ quan thuế có cơ sở xác định doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm thuế thì cơ quan thuế có văn bản thông báo cho doanh nghiệp về việc không giảm thuế và doanh nghiệp phải nộp đủ số tiền thuế và tiền chậm nộp theo quy định vào ngân sách nhà nước. 

Trường hợp sau khi hết thời gian giảm thuế, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp không thuộc đối tượng được giảm thuế theo quy định tại Nghị định này hoặc số thuế đã kê khai để giảm lớn hơn số thuế được giảm theo quy định thì doanh nghiệp phải nộp lại số tiền thuế thiếu, tiền phạt và tiền chậm nộp do cơ quan thuế xác định lại vào ngân sách nhà nước.

Trường hợp sau khi hết thời gian giảm thuế, cơ quan thuế phát hiện qua thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp được giảm nhiều hơn số thuế đã kê khai giảm trước đó thì doanh nghiệp được khai bổ sung để tiếp tục hưởng số thuế được giảm theo mức mà cơ quan thuế xác định lại.

Hiện, dự thảo Nghị định đang được đưa ra lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... Đây là việc làm kịp thời nhằm khẩn trương đưa Nghị quyết của Quốc hội vào cuộc sống. Và có lẽ, đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa - đối tượng thụ hưởng Nghị quyết, thì mong muốn duy nhất lúc này là mọi thủ tục phải thật sự đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, để chính sách nhân văn của Quốc hội được hiện thực hóa, góp phần thực hiện mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế".

Ý Nhi