Đồng hành với doanh nghiệp

- Thứ Tư, 29/09/2021, 05:58 - Chia sẻ
Trong bối cảnh hiện nay, cùng với việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tài khóa, tiền tệ như đẩy mạnh đầu tư công, giãn, hoãn nợ, hỗ trợ về lãi vay, miễn giảm thuế và các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, việc tăng cường cải cách thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục phiền hà nảy sinh trong quá trình thực hiện phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua là đặc biệt quan trọng.

Theo số liệu thống kê, 8 tháng qua, có tới hơn 85.500 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, chỉ tính riêng tác động của dịch Covid-19 tới nền kinh tế trong hơn 2 tháng trở lại đây, hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại đều có sự sụt giảm mạnh như sản xuất công nghiệp tháng 8 đã giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân cốt lõi được chỉ ra là do các điều kiện phòng, chống dịch tại một số địa phương còn quá cứng nhắc đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của doanh nghiệp và thị trường, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh.

Cụ thể, theo nhận định của Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn, công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của nhiều tỉnh đã “thụt lùi” bởi tác động của dịch Covid-19, thậm chí có rất nhiều thủ tục gây phiền hà, khiến doanh nghiệp đã khó khăn lại càng khó khăn thêm. Ví dụ như các quy định về phòng chống dịch tại doanh nghiệp, thực tế, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vì không áp dụng được phương án sản xuất “3 tại chỗ” do số lượng lao động lớn, quy mô, cơ sở vật chất thiếu thốn, chi phí tổ chức tăng..., trong khi điều kiện hàng đầu với doanh nghiệp là phải thông thương được hàng hóa lại có quá nhiều khó khăn.

Bởi vậy, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, đại diện cơ quan thường trực của Tiểu ban sản xuất và lưu thông hàng hóa thuộc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ, các địa phương cần thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành không quy định thêm “giấy phép con” để tăng rào cản, gây khó khăn thêm cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phải tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để các lực lượng thực thi phòng, chống dịch cũng như doanh nghiệp và người dân hiểu đúng chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành để lưu thông hàng hóa thông suốt, bảo đảm mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế…

Cần nhắc lại rằng, hồi cuối tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1447/QĐ-TTg thành lập Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, trong đó có nội dung lưu ý rà soát cắt bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, không tạo ra “giấy phép con” làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống, sinh hoạt của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Chỉ đạo, hướng dẫn, đồng hành với doanh nghiệp trong tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch Covid-19”, tăng tính chủ động, tự chủ và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp.

Đây là những cơ sở quan trọng để khi chuyển sang trạng thái "bình thường mới", doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn là các địa phương phải lắng nghe, thấu hiểu, đồng hành, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ninh Hà