Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Đồng hành trong sứ mệnh “phục vụ Nhân dân”

- Thứ Hai, 21/06/2021, 08:01 - Chia sẻ
Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21.6.1925 - 21.6.2021), Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội BÙI VĂN CƯỜNG gửi tới đội ngũ những người làm báo cả nước và những người làm báo về Quốc hội tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Trân trọng sự đóng góp của báo chí trong việc nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội thời gian qua, Tổng Thư ký Quốc hội mong muốn, báo chí tiếp tục đồng hành với Quốc hội thực hiện tốt sứ mệnh “phục vụ Nhân dân”, là phương tiện đắc lực nhất truyền tải đầy đủ, kịp thời “ý dân, lòng dân” đến nghị trường, đưa nghị quyết của Đảng, các quyết sách của Quốc hội đi vào cuộc sống, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân và vì dân.

Công khai, dân chủ, đổi mới - yêu cầu tự thân của Quốc hội

- Ông đánh giá như thế nào về vai trò của báo chí đối với hoạt động của Quốc hội trong thời gian qua?

Ảnh: Phạm Thúy

- Ngày nay, báo chí có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, là kênh thông tin hữu hiệu kết nối hai chiều giữa nhà nước với người dân. Cũng như Quốc hội các nước, Quốc hội Việt Nam do Nhân dân trực tiếp bầu ra và Nhân dân thực thi quyền lực của mình thông qua Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Trên thực tế, báo chí và Quốc hội có mối quan hệ biện chứng, gắn bó mật thiết với nhau. Báo chí là cầu nối quan trọng chuyển tải thông tin từ Quốc hội tới người dân và kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng, ý chí của người dân tới Quốc hội, bảo đảm nguyên tắc hoạt động công khai, dân chủ của Quốc hội.

Trong các nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, tham gia đưa tin về kỳ họp Quốc hội có hàng trăm cơ quan thông tấn, báo chí trong nước và nước ngoài, với gần 500 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, bảo đảm phản ánh sinh động, kịp thời “hơi thở” của nghị trường đến với người dân và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, trong thời gian giữa hai kỳ họp, báo chí cũng đã phản ánh kịp thời về hoạt động của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên tất cả các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và công tác đối ngoại của Quốc hội. Những đổi mới trong tổ chức, hoạt động của Quốc hội, tinh thần trách nhiệm, sự công khai, minh bạch và dân chủ trong từng nội dung thảo luận, quyết đáp của Quốc hội, cả những trăn trở, cân nhắc thấu đáo phía sau mỗi quyết định trên nghị trường đều được các cơ quan thông tấn báo chí nói chung và 2 cơ quan báo chí của Quốc hội là Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam chuyển tải kịp thời, đầy đủ tới cử tri và người dân cả nước.

Có thể thấy rằng, các cơ quan báo chí, các nhà báo viết về Quốc hội đã không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức thông tin, tuyên truyền; các nội dung được truyền tải bằng nhiều cách thức sinh động, thông tin nhanh chóng, kịp thời; có nhiều bài viết phân tích chuyên sâu về những chính sách được Quốc hội thảo luận, xem xét, từ đó đã giúp cử tri và người dân hiểu rõ hơn, ủng hộ và đồng thuận để đưa các quyếp đáp của Quốc hội nhanh chóng đi vào cuộc sống.

Đặc biệt, trong ngày bầu cử 23.5 vừa qua, trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19 nhưng báo chí cả nước đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Báo chí không chỉ phản ánh không khí cử tri nô nức đi bầu tại các điểm bầu cử; về tiến độ bỏ phiếu trong cả nước mà còn lan tỏa những thông điệp hết sức ý nghĩa của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những hình ảnh giản dị mà xúc động về những cán bộ ở tuyến đầu, trong tâm dịch khi lần đầu tiên họ vừa thực hiện quyền và trách nhiệm công dân, vừa thực hiện nhiệm vụ chống dịch, vừa trực tiếp tham gia tổ chức bầu cử tại các cơ sở y tế, các khu cách ly để bảo đảm quyền bầu cử cho mọi cử tri…

Rất nhiều hình ảnh đẹp trong Ngày bầu cử, những hình ảnh có lẽ chỉ có ở Việt Nam khi cán bộ ở cơ sở đạp xe chở thùng phiếu đến tận nhà cử tri, các y bác sĩ mang thùng phiếu đến tận phòng bệnh, giường bệnh… đã được báo chí ghi nhận và truyền tải rộng khắp. Đó không chỉ là không khí của Ngày hội non sông mà hơn hết chính là niềm tin, niềm tự hào, sức mạnh đoàn kết dân tộc và đúng như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ đã chia sẻ, thành công của cuộc bầu cử lần này khẳng định sức mạnh “trùng trùng điệp điệp” của Nhân dân ta.

- Tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với lãnh đạo các cơ quan báo chí gần đây, nhiều ý kiến cho rằng, Quốc hội đã tạo cảm hứng, đi đầu và từ đó thúc đẩy nhiều vấn đề quan trọng trong đời sống xã hội như: ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và hoạt động; tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch, sự tranh luận, phản biện… Ông có suy nghĩ như thế nào về những vấn đề này?

- Dân chủ, công khai, minh bạch và không ngừng đổi mới để thực hiện ngày càng hiệu quả hơn trọng trách mà Nhân dân giao cho là yêu cầu tự thân của Quốc hội. Hơn 75 năm qua, vị thế và hoạt động của Quốc hội ngày càng thực chất, hiệu quả và luôn nhận được sự quan tâm, ủng hộ của đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Rõ ràng, để sự dân chủ, công khai, minh bạch và đổi mới của Quốc hội lan tỏa sâu rộng ngoài xã hội, đến với Nhân dân và từ đó tác động tích cực đến xã hội có sự đóng góp quan trọng của báo chí. Các cơ quan báo chí không chỉ tham gia đưa tin, tuyên truyền tích cực, sáng tạo về hoạt động của Quốc hội mà còn tạo diễn đàn để người dân tham gia vào quy trình hoạch định chính sách của Quốc hội, góp phần nâng cao hiệu quả công tác lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Ví dụ, tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội, tôi cho rằng, chính việc phát thanh truyền hình trực tiếp, hàng trăm nhà báo, phóng viên, biên tập viên liên tục cập nhật, phản ánh, bình luận về các nội dung chất vấn - trả lời giữa đại biểu Quốc hội với các “tư lệnh ngành” đã gia tăng hiệu quả, nhất là hiệu quả về mặt xã hội, về trách nhiệm chính trị của người chất vấn và người trả lời chất vấn. Như vậy, khi các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được truyền tải công khai, minh bạch trên báo chí để cử tri và Nhân dân giám sát thì đồng thời cũng tác động trở lại, thôi thúc Quốc hội, các đại biểu Quốc hội phải trách nhiệm, bản lĩnh và hoạt động hiệu quả hơn nữa.

- Cùng với những đóng góp tích cực như vậy, theo ông, hoạt động báo chí về Quốc hội còn có vấn đề gì đang đặt ra?

- Thông tin trên báo chí về cơ bản đã bảo đảm phản ánh trung thực, chính xác, kịp thời, sắc bén về hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên, hoạt động thông tin, tuyên truyền của các cơ quan báo chí vẫn còn một số hạn chế, như: liều lượng và chất lượng thông tin chưa đồng đều; vẫn còn hiện tượng giật tít, câu view phản ánh không đúng thực chất vấn đề; vẫn còn thiếu vắng những bài viết sắc sảo, chuyên sâu và những “phóng sự có lửa” đi đến tận cùng vấn đề, góp phần giải tỏa bức xúc của cử tri, tạo sự đồng thuận xã hội, ủng hộ các quyết sách của Quốc hội.

Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy, hiện nay các cơ quan báo chí mới chỉ tập trung phản ánh về kỳ họp Quốc hội và phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong đó, hai cơ quan báo chí của Quốc hội là Báo Đại biểu Nhân dân và Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã bảo đảm thông tin thường xuyên, toàn diện về hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Ở đây vẫn còn “khoảng trống” thông tin về Quốc hội bởi Quốc hội họp mỗi năm hai kỳ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp mỗi tháng một lần, nhưng các cơ quan - “công xưởng” của Quốc hội thì hoạt động liên tục, không có sự gián đoạn, ngừng nghỉ.

Câu chuyện đặt ra là công tác tổ chức cung cấp, định hướng thông tin về hoạt động các cơ quan của Quốc hội giữa hai kỳ họp cần chủ động, tổ chức bài bản hơn nữa. Do vậy, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch Quốc hội, thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tích cực hơn nữa trong công tác tham mưu, đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, xây dựng Chiến lược truyền thông về Quốc hội, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của Quốc hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Quốc hội trong tình hình mới; nâng cao nhận thức, sự quan tâm, ủng hộ của người dân, tạo đồng thuận trong xã hội đối với các quyết sách được ban hành, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội trong nhiệm kỳ Khóa XV.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ nghiên cứu xây dựng Giải báo chí viết về Quốc hội, HĐND và đại biểu dân cử, khôi phục hoạt động Câu lạc bộ Phóng viên nghị trường để tạo động lực, cơ hội tương tác với báo chí, góp phần làm cho công tác truyền thông được tốt hơn.

Truyền tải “ý dân, lòng dân” vào nghị trường

- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu báo chí phải đưa “hơi thở cuộc sống” vào nghị trường. Theo ông, từ yêu cầu này đặt ra những vấn đề gì với các cơ quan báo chí nói chung và với hai cơ quan báo chí của Quốc hội nói riêng? 

- Chúng ta hay nói báo chí là “cầu nối” giữa nghị trường và cuộc sống. Ở khía cạnh truyền tải thông tin nghị trường đến với cuộc sống, như tôi đã nói, những đóng góp của báo chí thời gian qua là rất tích cực. Nhưng ở chiều ngược lại, chúng tôi cũng mong muốn báo chí phải đưa được hơi thở cuộc sống vào nghị trường nhiều hơn nữa, làm sao để báo chí phải là phương tiện đắc lực nhất trong việc truyền tải “ý dân, lòng dân” đến với nghị trường.

Ví dụ trong hoạt động lập pháp, Quốc hội luôn phát huy dân chủ trong quá trình xem xét, thảo luận kỹ lưỡng về nội dung các dự án luật để khi bấm nút thông qua đạo luật đó sẽ đi vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất. Dù vậy, thực tế vừa qua cũng đã cho thấy có những điều luật thông qua nhưng không dễ dàng đi vào cuộc sống. Một trong những lý do là bởi điều luật đó chưa phản ánh đúng, trúng mong muốn, yêu cầu và đòi hỏi của Nhân dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp. Các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật đều rất coi trọng việc đánh giá tác động chính sách nhưng có thể cũng không bao trùm hết được. Vì thế, các cơ quan báo chí nói chung và nhất là Báo Đại biểu Nhân dân, Truyền hình Quốc hội Việt Nam nói riêng cần mở rộng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tạo các diễn đàn công khai, minh bạch để người dân, đối tượng chịu sự tác động, điều chỉnh của chính sách có điều kiện tham gia tìm hiểu, góp ý, hiến kế.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường và nguyên Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trao tặng Bằng khen về công tác báo chí nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV

Báo chí cần phát huy hiệu quả vai trò phản biện chính sách, tổ chức các tọa đàm, hội thảo chuyên sâu để cung cấp thông tin đa chiều cho Quốc hội, các đại biểu Quốc hội. Đặc biệt là các dự luật phức tạp, nhạy cảm, có tác động đa chiều đến nhiều nhóm đối tượng khác nhau thì vai trò của báo chí càng quan trọng: một mặt cần thông tin chính xác, đầy đủ về nội dung đang được Quốc hội xem xét để người dân, dư luận xã hội hiểu rõ hơn, đúng hơn; một mặt, phản ánh quan điểm, ý kiến của chuyên gia, của người dân, đo lường phản ứng của dư luận xã hội, có các bài viết phân tích sâu sắc để đóng góp cho đại biểu Quốc hội và Quốc hội.

- Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, với vai trò là Tổng Thư ký Quốc hội - người phát ngôn của Quốc hội, ông muốn gửi đến đội ngũ những người làm báo, nhất là những người làm báo về Quốc hội điều gì?

- Nhân kỷ niệm 96 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tôi xin gửi đến đội ngũ những người làm báo trong cả nước và những người làm báo về Quốc hội những tình cảm tốt đẹp nhất; trân trọng cảm ơn sự đóng góp của báo chí đối với Quốc hội trong thời gian qua. Là người phát ngôn của Quốc hội, tôi luôn sẵn sàng trao đổi, cung cấp kịp thời thông tin về hoạt động của Quốc hội tới báo chí; đồng thời lắng nghe, tổng hợp báo cáo Quốc hội nghiên cứu các ý kiến đóng góp, phản hồi của báo chí về những vấn đề Quốc hội đang xem xét, những vấn đề thực tiễn cuộc sống đang đặt ra.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị các cơ quan báo chí của Quốc hội tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên; có nhiều bài viết chính luận, chuyên sâu về đề tài Quốc hội, nâng cao chất lượng các bài viết, bảo đảm là cơ quan báo chí chủ lực của Quốc hội, góp phần định hướng các cơ quan báo chí khác tuyên truyền hiệu quả về hoạt động của Quốc hội. 

Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm xây dựng nền báo chí “cách mạng, hiện đại, chuyên nghiệp, nhân văn, hiệu quả, phục vụ Nhân dân”. Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học, công nghệ, sự bùng nổ thông tin trong thời đại ngày nay thì “hiện đại”, “chuyên nghiệp” là yêu cầu cốt lõi để báo chí giữ được vai trò, vị thế của mình trong dòng chảy thông tin của xã hội. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là tính “nhân văn”, “hiệu quả” và “phục vụ Nhân dân” của báo chí bởi điều này phụ thuộc rất lớn vào phẩm chất đạo đức và bản lĩnh của mỗi nhà báo.

Tôi mong rằng, các nhà báo sẽ luôn giữ được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn; tiếp tục đồng hành với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội để thực hiện hiệu quả sứ mệnh “phục vụ Nhân dân”.

 - Xin trân trọng cảm ơn ông!

Phạm Thúy thực hiện