Đồng hành cùng doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 07/01/2022, 11:47 - Chia sẻ
Hiện, Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán là 20 hiệp định thương mại. Trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) là những hiệp định thế hệ mới (FTA) với phạm vi cam kết rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực phi thương mại. Tuy nhiên, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép, áp dụng một số biện phòng vệ thương mại trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Như vậy, các FTA truyền thống và FTA thế hệ mới đều đã có điều khoản về phòng vệ thương mại.

Theo số liệu từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương, tính đến nay Việt Nam đã tiến hành điều tra phòng vệ thương mại 25 vụ việc. Trong đó là có 15 vụ việc chống bán phá giá, 6 vụ việc tự vệ, 1 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Riêng trong năm 2021, Cục Phòng vệ thương mại đã kết thúc và đưa ra kết luận điều tra đối với 5 vụ việc, tiếp tục thực hiện điều tra đối với 3 vụ việc, rà soát thường kỳ đối với 4 vụ việc; rà soát cuối kỳ đối với 2 vụ việc.

Biện pháp mà các doanh nghiệp Việt Nam sử dụng chủ yếu là tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá. Đây cũng là biện pháp chính mà nhiều nước khác sử dụng để xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh, nhằm bảo vệ nền sản xuất nội địa. Hiện, Việt Nam đang duy trì tổng cộng 16 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực. Trong đó, thép và các sản phẩm thép đang chiếm nhiều nhất các biện pháp phòng vệ thương mại. Ngoài ra còn có một số sản phẩm liên quan đến mặt hàng gỗ, nhôm, đường...

Đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, doanh nghiệp cũng đã quen dần với việc sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Nếu như những năm trước đây, hầu hết doanh nghiệp đều lo ngại và bỡ ngỡ khi phải đối diện với các vụ việc điều tra. Nhưng hiện nay, vấn đề này đã được cải thiện. Các doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực thủy sản, sắt thép, vật liệu xây dựng… đã quan tâm đến phòng vệ thương mại, thậm chí không ít doanh nghiệp có bộ phận phụ trách về phòng vệ thương mại.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, khả năng Việt Nam sẽ đạt đến con số 1.000 tỷ USD từ kim ngạch xuất nhập khẩu do tận dụng được rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực là một hiệp định thương mại tự do (RCEP) chiếm đến 30% tổng GDP toàn cầu. Điều này đồng nghĩa với việc có thể xuất hiện nhiều hơn các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Quá trình thực hiện các hiệp định thương mại cho thấy, thông qua các hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp đã “va chạm” với cả những biện pháp phòng vệ thương mại mà nước ngoài áp dụng với hàng hóa của Việt Nam. Từ đó họ có kiến thức và những hiểu biết về phòng vệ thương mại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Từ thực tế này, bên cạnh việc tiếp tục triển khai Quyết định số 824/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; rà soát văn bản quy phạm pháp luật về xuất xứ hàng hóa theo hướng bổ sung về phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ... thì các bộ, ngành liên quan, hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục đồng hành với doanh nghiệp trong việc cập nhật những thông tin liên quan đến pháp luật phòng vệ thương mại trong nước và thế giới, sẵn sang đồng hành cùng doanh nghiệp khi bị kiện hoặc kiện liên quan đến phòng vệ thương mại.

Phạm Hải