Đồng đô la vĩ đại (Phần một)
Truyện ngắn của Lê Minh Khuê

25/03/2008 00:00

      Truyện ngắn này thuộc tuyển tập Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê, nhà văn mới được trao Giải thưởng Văn học Quốc tế Byeong-ju Lee của Hàn Quốc năm 2008. Xuất bản lần đầu năm 1993, Đồng đô la vĩ đại là nỗi buồn nhân thế đồng thời là một sự lay động lương tri của con người.

      Trận đánh nhau kinh trời động đất của anh em con nhà lão Trương bắt đầu từ ba giờ chiều. Trẻ con người lớn rầm rầm kéo nhau chạy về cuối thị trấn nhưng không ai dám liều mạng lại gần. Nhà ấy toàn dân dao búa, đứng gần không phải đầu cũng phải tai. Cho nên dân tình đứng túm năm tụm ba ở những chỗ khuất nẻo mà nhìn toàn cảnh, dĩ nhiên phải chuẩn bị cả chỗ rút lui an toàn.
      Bắt đầu từ mụ Qua, mụ vợ anh cả của mấy anh em con nhà lão Trương. Mụ là dân hàng thịt lâu năm. Có chửa đến tháng thứ bảy mà khỏe như vâm. Mụ vác cái bụng to nhẹ nhàng như vác túi bông, chạy đến nhà tay con thứ hai của lão Trương. Chồng mụ Qua tên là Khang, còn tay con thứ này tên là An. Khang, An. Chắc từ xưa lão Trương cũng muốn cho nhà mình có phúc phận nên đặt tên hai thằng con sinh đôi đầu lòng ý tứ ra phết... Mụ Qua đứng dạng một chân ra, đặt chân kia lên cái thềm xây bằng gạch hoa ở ngoài và bắt đầu “hát”. Dân hàng thịt lâu năm ở thị trấn này mà đã “hát” thì không có gì trên đời này sánh bằng. Đàn ông đứng nghe thì đỏ mặt tía tai, kể cả những tay “chai” nhất. Đàn bà thì đưa mắt nhìn nhau, ngượng với cánh đàn ông. Mụ Qua cho vợ lão An xơi đủ thứ nổi tiếng trên đời. Hai nàng dâu kình địch nhau từ thời mới bước chân về nhà lão Trương nên hễ có dịp là tặng nhau của quý ngay. Nhưng chưa lúc nào dân thị trấn lại thấy hai mụ hăng như hôm nay. Vợ An không phải tay vừa nhưng về mặt dao búa ắt phải thua dân hàng thịt. Mụ nép ở chái bếp gần chuồng lợn ném trả mụ chị dâu những thứ mụ Khang cho vợ chồng nhà này xơi một cách hào phóng. Thật là một bản hợp ca nhiều màu sắc. Lũ trẻ con thị trấn được dịp bồi dưỡng thêm ngôn ngữ dân dã, cứ túm nhau kêu rú lên vì thích thú.
      Khang và An chưa xuất quân vì dù sao cũng là anh em ruột, lại là hai thằng sinh đôi, chỉ khác nhau mỗi cái sẹo trên má. Sẹo không phải do lão Trương nặn mà do anh em trong tù tặng nhau. Hai gã thế thủ hai nơi. Khang ngồi ở hàng thịt chó lão Diêm què bên kia đường, mắt canh chừng cái bụng của vợ. An ngồi bên cái sập gụ gần chái bếp. Hai gã không để sót một lời nào của hai mụ vợ và máu trong người hai gã bắt đầu bốc lên, giống như được gây bằng men rượu.
      Đang lúc cao trào nhất thì cô Cẩn, em của Khang, An vừa đi chợ về. Cô dựng cái “cúp” màu đỏ bầm ngay ở ngoài đường. Dân thị trấn kính nể cô vì cô là người đàn bà đi cúp đầu tiên trong thị trấn, là người đầu tiên có cái cúp màu đỏ bầm, cái màu đáng nể. Cô mặc bộ xoa Pháp màu huyết dụ, móng tay móng chân cô bôi đỏ lòm. Trang phục của cô chính hiệu là thứ của dân bán tạp hóa trên chợ tỉnh. Cô có cửa hàng thầu đồ nhôm Liên Xô to nhất thị trấn này. To nhất, sáng trưng và đắt nhất ở phố huyện. Cô cũng là người đàn bà nổi tiếng nhất, dịu ngọt nhất mà cũng cay độc đến cỏ cũng phải lụi đi khi nghe cô chửi. Lúc này, cô không lồng lộn mà uyển chuyển bước vào cửa nhà An. Đứng giữa hai bà chị dâu và cất tiếng nói. Trong không khí hừng hực lửa căm hờn, cái giọng ngọt ngào của cô nghe lại thấy lạnh xương sống.
      - Thôi, hai chị cho em xin. Nhà em nó cũng vô phúc sẵn rồi.
      Rồi cô cao giọng:
      - Thằng Trọng đâu!
      Trọng là tên gọi trong giấy tờ và trong những dịp như thế này. Còn ngày thường, người trong nhà và dân hàng phố vẫn gọi là thằng Nghẽo. Trọng hiền lành ngớ ngẩn, bị tật bẩm sinh phải đi cà nhắc, hai tay không đưa lên quá đầu được vì thế dớt dãi không chùi, cứ tự do chảy xuống áo, Trọng đi ra, ngửa mặt lên cười. Trọng mặc sang. Bộ bò Thái có thêu chỉ vàng ở các đường khâu. Dãi của Trọng chảy ướt đầm bên ngực, phía trước túi có hình một cô đầm cởi truồng. Cô Cẩn túm lấy gáy gã em út khốn nạn, dúi đầu Trọng về phía vợ Khang rồi lại dúi về phía vợ An. 
      - Mời hai chị. Hai chị cứ róc đôi nó ra, mỗi người một nửa. Quý hóa quá. Đồ thừa thãi thế này bỗng nhiên được lên vua, ai cũng nâng niu yêu chiều. Thôi thì cứ róc đôi nó ra, chả ai kiện tụng gì vì nó sống cũng thế mà thôi. Hai chị em khỏi nhọc lòng lo cho em nó, thêm oải người ra, tội nghiệp...
      Vợ Khang giãy đành đạch, cái bụng chửa của mụ rung lên, có cảm giác thằng con trong bụng cũng máu lắm, đang tăng sức lực cho mụ. Mụ như vừa nói với em chồng vừa chửi vợ An.
      - Cô không phải chì chiết tôi. Cô biết thừa cái con mặt choắt kia rồi chứ. Nó là con của đồ chó đẻ. Con nhà chó đẻ nên tham. Tham gì mà tham thế. Nó giữ rịt thằng bé hai tháng rồi. Hai tháng, tiền đô để nó mua đầu chó về cúng ông bà tổ tiên bên nhà nó. Đến hôm nay phải cho thằng bé về bên tôi chứ. Nó lại giữ rịt lấy, quá nửa tháng rồi còn gì? Nay nhắn mai nhắn, mấy lần đến đón hẳn hoi mà nó đâu có nhả ra. Bà thì bà rạch mặt mày ra, bà tưới xăng đốt mẹ nó cả chồng mày, thằng đàn ông không biết dạy vợ, đang núp trong váy vợ kia... ăn gì mà ăn dày thế?
      Đến nước này có lẽ không ai chịu được nữa. Lão An từ trong nhà vọt ra. Con dao nhọn, loại dao biệt kích dùng thời chiến tranh, đâm một đường trúng phóc vào chỗ đứa con mụ Qua nằm. Có người sau còn nói phét là nghe tiếng đứa trẻ trong bụng khóc thét lên. Vợ Khang hực một tiếng. Cái bụng chửa đến tháng thứ bảy của mụ lăn xuống trước và mụ nằm úp mặt xuống bờ thềm. Người ta kịp giữ được Khang khi gã từ bên quán “Diêm què” phóng ra, tay cầm một thanh sắt dài một mét rưỡi. Khang chưa vội nâng vợ dậy. Khang điên dại lao theo thằng em nhưng người ta đã giữ được Khang lại. Cô Cẩn đờ cả người trước cái cảnh hãi hùng mà cô không ngờ lại trông thấy tận mắt. Máu từ dưới bụng vợ Khang chảy loang ra sân gạch. Cô Cẩn buông gáy thằng Trọng ra.
      Trọng không để ý đến cảnh huyên náo chung quanh mà ngớ ngẩn ọ ẹ cái gì trong cổ họng. Lát sau Trọng ra vại nước múc một gáo, uống rất khó nhọc. Nước cùng dãi dớt lại trút xuống một đống.

* * *

      Lão Trương già ngày xưa cũng làm một chân cán bộ thoát ly, làm việc ở tận trên tỉnh. Lão là nhân viên phòng tài vụ ở cơ quan công đoàn tỉnh. Nhưng ở thị trấn xa xôi này ai cũng cho là lão làm to lắm. Thời thị trấn chưa có điện, lão đã đeo cái đài Ôriôngtông to như cái thùng, lão đi đến đâu tiếng hát loang ra đến đấy, trẻ con chạy theo từng đoàn. Tối thứ bảy nào lão cũng đạp cái Phavôrít từ trên tỉnh về, mặt mũi mãn nguyện. Lão pha trà ngồi ngoài sân đàm đạo với các vị bô lão ở thị trấn về tình hình Đông Tây, về các thần tượng như ông Mao, ông Sít. Đố ai biết được lão sống trên tỉnh thế nào. Lão phải ngủ trên bàn làm việc. Cứ gần sáu giờ sáng là phải mò dậy thu dọn chăn chiếu cho vào tủ. Ăn cơm ba hào ở bếp tập thể, hôm nào có việc về muộn, con bé nhà ăn nó còn mắng như tát nước vào mặt. Lão giấu tất cả những cái ấy trước mặt vợ và dân thị trấn. Giấu cả chuyện có tháng phải bán cả tem phiếu thực phẩm để trả nợ, không được ăn cơm ở nhà ăn, phải nhai bánh mì với muối... Giấu cả chuyện đi khuya, về cơ quan, lão thường trực đã khóa cổng, đêm mưa dầm lão nằm dưới mái hiên bị cảm gió gần chết... Vợ con ở thị trấn khổ sở phụng sự lão. Cho tới khi đẻ đến thằng út Trọng, lão Trương bỗng chán nản, rồi lão tỉnh ra. Lão nói với mấy ông bạn trà là nghĩ cho cùng ông Sít, ông Mao mà lão thờ xưa nay cũng rứa cả thôi. Lão cần gì nữa! Và lão tỉnh. Đến khi tỉnh ra thì lão lại sống một cách tàn tệ. Hai thằng Khang, An sinh đôi vừa hai mươi tuổi, nhập ngũ được nửa năm thì giải phóng miền Nam. Lão xin cho hai thằng xuất ngũ không được thì lão xui chúng đào ngũ. Chuyến tàu khách Bắc Nam đi qua tỉnh hầu như không bao giờ vắng bóng ba bố con. Nhỏ người, nhanh thoăn thoắt, Khang, An trốn lủi tài tình, không chuyến nào thất bại. Đầu tiên là đồ lót của đàn bà con gái. Suốt bao năm, đàn bà xứ này có bao giờ mặc đồ lót bằng hàng ni lông, nên vớ được, đắt chừng nào họ cũng mua. Lão buôn tỏi khô, buôn hồi, buôn quế từ Bắc vào. Đến khi có vốn kha khá, lão huấn luyện cho lũ con buôn vàng. Lăn lóc trong đám buôn chuyến, chỉ nửa năm sau, anh em Khang, An đi đến đâu người ta lùi đến đấy. Đến bọn chó dữ thấy hai thằng con lão đi qua cũng kêu ăng ẳng và chuồn mất. Cho đến nay, trung bình mỗi thằng có ba cái tiền án. Nhưng mỗi lần bọn chúng ở tù ra lại thấy cái mặt chúng câng câng thêm. Đi ngoài đường nhỡ như có ai bị chúng đá phải thì lập tức nhún nhường xin lỗi chúng.
      Lão xây nhà cho hai thằng Khang, An. Lão chọn được con dâu xứng đáng cho hai thằng; Một đứa bán thịt, một đứa là chủ sòng. Được đứa con dâu chủ sòng này thật là đại lộc. Cả thị trấn bị hút vào sòng của nó, cho đến khi, vào cuối năm, công an huyện lần ra và túm sạch. Mất trắng mất trơn nhưng con dâu lão Trương rõ đáng mặt anh hùng. Không một giọt nước mắt khóc than, nó đi đưa cơm nuôi chồng một năm tù, bụng chửa vượt mặt. Sinh con xong nó mở hàng bia. Bao nhiêu năm rồi dân thị trấn có biết thế nào là ăn nhậu? Nó giàu lên trông thấy, nhưng có lần bố chồng đến vay nó nửa chỉ, đến khi trả nó đòi cả lãi, không bớt một trinh. Cái máu tham tiền của mấy cô con dâu đến lão Trương cũng phải gờm. Vợ Khang đến vay bố mẹ chồng hai cây gỗ lim để làm bếp. Khi bếp làm xong, nó mời lão Trương đến xem rồi ngọt ngào, tươi cười:
      - Thật may cho con quá, bố cho được mấy cây gỗ tốt chứ mua thì mất ối tiền lại không kiếm đâu ra thứ này.
      Lão bố chồng đắng ngắt trong họng mà không nói gì được. Dù sao lão cũng có mấy chục năm làm cán bộ thoát ly nên khi con dâu xử lỡm, lão vẫn còn tý chút sĩ trong người để không biết đối đáp với nó ra sao. Uất đến chết người vì nó cho rằng mình nghe nhầm, hóa ra là nó xin!
      Tiếp theo hai thằng Khang, An lão Trương đẻ liền hai cô con gái. Cô Cẩn giống tính hai thằng anh như hệt. Hình dạng bên ngoài thì khác hẳn. Sức vóc cô như trai cày, dạo chưa làm ăn được, cô không bao giờ được ăn một bữa no. Đi đứng huỳnh huỵch như thế, cô lại đồng ý lấy Lân, gã trai ốm nhom ốm nhách mới đi học ở nước ngoài về. Bên ấy Lân phạm tội buôn lậu với dân Ả rập nên bị chính phủ nước sở tại đuổi. Sứ quán Việt Nam cho Lân về nước mà không đòi  hỏi gì vì Lân có bà ngoại ngày xưa đã từng đưa cơm ra hầm bí mật cho ông gì bây giờ làm to lắm. Lân thi vào đại học đến bảy lần thì được đậu vớt và được đi Tây. Ở bên ấy mấy năm mà Lân không thể nói sõi được câu trao đổi thông thường ngoài cửa hiệu. ấy vậy mà Lân giàu lắm, Lân mang về nước bảy thùng hàng gồm hai ngàn cái bàn là, bốn ngàn cái chậu nhôm, ba cái tủ lạnh, một ngàn rưỡi cái ấm điện, một ngàn cái nồi áp suất và ty tỷ thứ linh tinh lặt vặt khác. Cái nào cũng có giá trị. Lân cõng đống hàng về thị trấn giữa thời buổi đang lưu hành bài “mười yêu” mới:
      Một yêu anh có may ô
      Hai yêu anh có cá khô ăn dần
      Ba yêu rửa mặt bằng khăn
      Bốn yêu có thuốc đánh răng hàng ngày
      Năm yêu anh có điếu cày...
      Thời đó bố vợ tương lai của Lân lẩy Kiều:
      Bắt cởi trần phải cởi trần
      Cho may ô mới được phần may ô...
      Em trai Lân đi cấp cứu, vì dùng phải thuốc đánh răng làm toàn bằng bột vôi. Còn ở cơ quan huyện, chỗ căng tin, một buổi sáng thông thường người qua lại dừng chân đọc thông báo hàng mới: “16 đồng chí nam được phân phối một quần đùi”.

      >>Đồng đô la vĩ đại (Phần hai)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đồng đô la vĩ đại (Phần một)<br><i>Truyện ngắn của Lê Minh Khuê
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO