Đồng đô la vĩ đại (Phần hai)
Truyện ngắn của Lê Minh Khuê
>>Đồng đô la vĩ đại (Phần một)

Khi Lân về tới huyện, tất cả các đề tài của các cuộc trò chuyện là dành nói về Lân. Cô Cẩn nổi lên trong đám con gái đang thèm thuồng ánh hào quang tỏa ra từ đống nồi xoong Lân đã nhịn nhục nhịn thèm ki cóp mấy năm mới mang về được. Cô Cẩn nổi bật nhờ cái miệng ngọt ngào thớ lợ và hai bàn tay không từ một việc gì. Lân nghĩ lấy cô Cẩn, đống hàng của Lân không bị mai một mà sẽ nhân lên nữa. Cô Cẩn đi bên Lân như quả núi đè xuống cái cây bị sét đánh, nhưng cô lại cho mình là đại phúc lấy được chồng giàu. Cô mở cửa hàng ở ngay chợ, dân tình các xã xa xôi về chợ huyện thể nào cũng phải qua hàng cô. Cứ hai tuần một lần cô đi cất hàng trên tỉnh. Lâu dần cô không phải đi nữa mà có xe tải chở tận nơi.
Trải qua hàng chục lần kiểm tra hành chính, mở rồi đóng, cửa hàng cô vẫn đắt. Cô vẫn giỏi giang giữ được vốn cho chồng mà còn xây được nhà hai tầng. Một lần không hiểu có cái chỉ thị gì mà đám nhà báo trên tỉnh về chụp ảnh nhà cô, chụp rất lâu cái bồn tắm xây gạch men kính, đó là cái bồn tắm xây gạch men đầu tiên trong tỉnh. Nghe mấy tay nhà báo nói thế. Cái nhà có cái bồn tắm men kính của cô được trưng lên báo tỉnh với lời phê là “sống như tư sản”. Cô tỉnh bơ cho đến khi người ta chỉ thị trưng dụng một tầng nhà cô cho cơ quan thì cô nổi điên thực sự. Dạo ấy, cô thấy những chuyện ngang ngược xảy ra chung quanh cô nhiều vô kể mà chả ai làm gì, hầu như cái gì cũng được phép làm nên cô đâm nhờn, cô cởi truồng bôi cứt trâu đầy người nằm giẫy đành đạch trước sân cho đến khi người ta đến cùm tay cô giải lên tỉnh với tội đầu cơ buôn lậu, làm giàu bất chính và chống lại nhà chức trách. Cô lĩnh mười tám tháng tù cho hưởng án treo. Cuối cùng cơ quan tiểu thủ công nghiệp huyện dọn đến làm việc tầng trên nhà cô. Cô ghét lắm, làm luôn cầu thang cho đi lối khác. Còn lại tầng nhà dưới, cô vừa ở vừa để hàng chật cứng. Cô xin lại được môn bài bán hàng đứng tên chồng và lại tiếp tục nhân vốn cũ lên, hối hả hơn để đuổi kịp số hàng bị mất.
Cô gái giáp cô Cẩn tên là Trang. Trang tính tình nhuần nhị nhất nhà, là người duy nhất trong nhà học hết phổ thông trung học. Người cô cao quá khổ, những mét bảy nhăm. Ở xứ này đàn bà cao vồng đến mét bảy nhăm cầm chắc như ế chồng. Đã thế mắt cô lại xếch, hai gò má cao như đẽo bằng đá. Ở xứ này đàn bà như thế là xấu. Suốt thời kỳ đi học, đám con trai thị trấn ẻo lả như dưa héo không một lần đi chung với cô. Chưa hề có một lời hoa hòe hoa sói dành cho cô, không một ánh mắt liếc xéo. Trang tủi thân, tủi phận. Học xong cô ở nhà làm thợ may. Hết chiến tranh rồi, nghề thợ may có vẻ đắc dụng.
Trong nhà cô ít tiếng nói cười, Khang, An, Cẩn đều có cơ ngơi riêng. Trang ở với bố mẹ và thằng Nghẽo tàn tật trong cái nhà cũ, từ khi lão Trương đi buôn tàu Bắc Nam, cái nhà được xây gạch, đổ mái bằng, cho giống nhà cửa trong Nam mà lão nhìn thấy. Rộng rãi như vậy nhưng lúc nào cũng có tiếng chửi. Lão Trương càng già càng lầm lì ít nói. Thỉnh thoảng lão nhìn con gái chằm chằm rồi rít lên: “Đồ mặt dày kia, đi vào chùa xin sư cụ một chân quét chùa. Chó dái nó lấy mày mà cứ ở đấy chờ, ngứa cả mắt ông!”
Rồi lão cười hô hố nghe thô bỉ, nhưng nhìn kỹ mắt lão lại thấy có nước... Mụ Trương già thì càng ngày càng ngoa ngoắt... Mụ gầy quắt nhưng tiếng chửi nghe sang sảng như tiếng chuông đồng. Mụ tỉnh lắm. Khi nào muốn chửi là mụ tìm cớ. Mụ chửi từ cái chổi để vướng lối đi cho đến cái rổ cô Trang không móc lên đinh mà lại để trên bàn. Bất cứ chuyện gì cũng khiến mụ có cớ chửi cái ngày xưa của lão Trương. Cái ngày mà lão Trương đi đi về về mặt mũi hí hửng trước cảnh khốn khổ của vợ con. Cái ngày mụ phải đi mò cua bắt ốc nuôi Khang, An còn lão Trương lại rủ rỉ bên tai mụ: Mình chịu khó, cả nước vất vả cho thế giới đại đồng chứ đâu phải một mình mình! Thế rồi lão tếch đi với cái đài to tổ bố của lão, cho đến thứ bảy sau. Chủ nhật về nhà lão ăn như hùm ăn, đố mang cho con được cái kẹo. Khi đi còn móc túi mụ lấy hai hào. Lúc nào trong túi mụ cũng chỉ có hai hào, thế mà lão móc mất. Có lần lão còn lấy trộm tấm vải may áo của con đi bán... Nhà thì dột như trút nước. Con Cẩn đẻ ra phải húp cháo muối, thằng Khang thằng An lội trong nước dột bốc cả cứt ăn... mà lương thì không bõ cho vợ thằng An nó nhai ô mai. Rõ là đồ chó dái...
Mụ cứ cái đà đó mụ hát. Mỗi lần như thế, lão Trương lại nổi xung. Lão bạ cái gì ném cái ấy.
Dạo đó vào tháng bảy mưa ngâu. Mưa ngâu chả bõ bèn gì với cái nhà mái bằng lão Trương làm được khi tỉnh cơn mê, đi buôn trên tàu Bắc Nam. Trời đất bên ngoài ảm đạm. Thằng Trọng lê ra hè rồi ngồi nghịch nước mưa. Tiếng máy may của cô Trang nghe đều đều não nuột. Mụ vợ lão Trương túm được cái giỏ khâu của cô Trang để dưới gậm giường: “Giỏ khâu đem để gầm giường! Con đĩ kia! Thằng chó dái bố mày một thời ăn phải bùa mê thuốc lú nên đẻ ra mày cũng là con đoảng. Bom đạn nó thả xuống ầm ầm, đánh điện cho lão về lão không về. Bom ném sập nhà, mụ này phải một tay túm con Cẩn, một tay cậy đống gạch lôi ra được thùng gạo, không thì lấy cái gì ném vào mồm lũ chó con? Trông cái mặt đẹp chưa? Thật không đáng liếm gót cho con vợ thằng Khang, tay trắng nó vẩy nên cơ đồ...”
Lão Trương đang uống rượu. Sẵn cái chai hết rượu, lão mím chặt môi vung về phía vợ. Mụ Trương kêu ối một tiếng rồi ngã vật xuống. Mảnh chai vụn dính vào óc sao đó. Ở bệnh viện ra, về nhà mụ sốt lên sốt xuống âm ỉ hàng tháng trời, lúc chết còn tức tưởi... Hai tháng sau lão Trương cũng chết vì say rượu nhảy xuống ao tắm. Khi cô Trang đi tìm, thấy bố nằm sấp mặt trong đám bèo, người cứng đờ như cây gỗ.
Ma chay cho bố mẹ xong, đám con cái nhà Trương lại hùng hục mỗi người một nơi đi kiếm tiền. Cái nhà cuối thị trấn của lão Trương đã vắng lại càng vắng. Cô Trang may xành xạch suốt ngày. Thằng Trọng ngoẹo đầu nghịch dãi nhớt. Có khi nó cởi truồng tồng ngồng đi ra chỗ bố chết đuối, ngâm hai chân xuống nước.
Năm gần ba mươi tuổi, cô Trang trông càng thô càng xấu. Cô Cánh bán tương ớt bên cạnh nhà bàn với cô Trang đi “xin” một đứa con. Vốn hiền lành, ít giao tiếp, nghe điều đó cô đỏ mặt tía tai rồi mắng bạn: “Đồ rồ dại”. Cô Cánh mắng lại: “Chịu để chết già hay sao, đồ nỡm! Báu lắm đấy mà giữ!”. Cô Trang khóc tấm tức.
Đột nhiên cái thị trấn buồn tẻ của cô nhộn nhạo hẳn lên như sắp có hát tuồng. Nhà máy xi măng trong chân núi xưa nay nhỏ tý, âm thầm bây giờ người ta mở rộng và đón chuyên gia, công nhân của một nước tận đẩu tận đâu sang giúp. Con đường qua thị trấn mở rộng, đổ nhựa láng bóng. Từng đoàn xe tải khổng lồ chở vật liệu xây dựng chạy qua nhà cô Trang vào chân núi, làm cô cứ thấy bồn chồn thấp thỏm, mấy hôm may vá chả ra thế nào. Cô cũng bắt chước các nhà hàng trong thị trấn tân trang lại hiệu may. Cô mua một cái tủ kính bày thêm hàng mỹ phẩm, vì nghe nói các ông Tây sang đây có đưa theo các bà đầm. Rồi cô đi học tiếng Anh do giáo viên trường huyện dạy, để sau này buôn bán cho dễ. Đêm đêm cô ngồi đọc oeo oeo, thằng Nghẽo thấy lạ cứ ngửa mặt lên trời cười. Cô Trang sáng dạ nhất nhà, giống như một ngôi sao lạc vào bầu trời tối tăm của nhà lão Trương. Cô học tiếng Anh khá nhanh, nói chuẩn lắm - tay giáo viên tiếng Anh nhận xét như vậy và lần đầu tiên hạ cố nhìn cô gái cao hơn gã từ ngực trở lên.
Các ông Tây bà đầm đến nhà máy khi khu biệt thự của họ xây xong gần chân núi - xây nhanh thế. Có đô la rót vào cũng khác. Xây nhanh, lại đẹp hết ý - thợ tận Sài Gòn ra. Chưa gì mà hoa trong các bồn ở sân đã khoe hương khoe sắc. Khu rào sắt chung quanh cũng đã có dây xanh leo lên, trông bên ngoài đã thấy mê. Khí hậu nhiệt đới chắc chả mùi mẽ gì với người ngủ trong kia, máy lạnh chạy ro ro. Những đứa trẻ thị trấn đi chung quanh nhòm ngó, nhưng cũng như thói quen ngàn đời của cha mẹ, hễ thấy nơi nào của Tây là người của ta không được vào, nên chúng cũng đứng xa xa nhìn... Một buổi sáng người phố huyện trông thấy trong hàng rào sắt, ở cái sân lát gạch sang trọng, một người đàn ông mặc soóc, lông lá xồm xoàm đang một mình chơi với quả bóng. Ông già làm vườn kính nể đứng xem.
Chung quanh đây không có nơi nào giải trí, các “ông Tây” đã thỉnh thoảng đi dạo ra thị trấn. Thị trấn quá ngắn ngủi đối với những con người sinh trưởng ở vùng Bắc âu xa xôi. Nhưng họ thích vì ở đây yên tĩnh, có một hàng cây xà cừ lâu năm, có cái giếng thời cổ bây giờ phủ đầy bèo nhưng hàng gạch tròn xây chung quanh còn đẹp lắm. Mọi thứ còn lại thì y hệt các thị trấn khác. Cũng hàng tạp hóa, hiệu sửa xe, cửa hàng mậu dịch, những khẩu hiệu chăng khắp nơi, cái đỏ lòm, cái trắng lốp. Họ đi dạo thong thả, nhìn ngắm thú vị. Trẻ con chạy rào rào theo sau y như bầy ruồi nhiệt đới thấy miếng pho mát lạ. Hễ miếng pho mát quay nhìn, bầy ruồi lại vù vù bay lên, rồi lại xúm tới... Thỉnh thoảng các ông Tây nhìn cái tủ kính của cô Trang nhưng ít mua. Cô Trang đã có dịp dùng thứ tiếng Anh nửa mùa học ở phố huyện để đối đáp với họ, thấy họ cũng hiểu và cô cũng hiểu họ nói gì... Chủ nhật ấy, cô Trang mặc cái áo pun Thái mua trong Sài Gòn, tóc cô gội buổi sáng nên cô xõa xuống cho chóng khô, và cô thoa một ít son lên môi. Cái thứ son phấn kể cũng lạ, nó làm cho chính người dùng nó cảm thấy tự tin hơn vì biết mình đỡ xấu. Cô soi gương rồi ngồi nhìn ra, hài lòng lắm.
Khoảng gần trưa có một người đàn ông ở khu biệt thự đi ra thị trấn. Ông ta đi giữa nắng nên chỉ có vài “con ruồi” bám theo. Ông này ít đi đâu, hôm nay mới thấy ông ra phố. Ông mặc quần soóc và mặt mũi khó chịu trước cái nắng nhiệt đới đang dội xuống. Ông vào hiệu cô Trang mua hai bánh xà phòng và một lọ nước hoa Pháp. Ông nói ở bên nhà ông vẫn hay dùng thứ này. Khi cô Trang đứng lên để lấy tiền trả lại cho ông, ông chăm chú nhìn cái thân thể mét bảy nhăm mà ở xứ này không ai nhìn lọt. Ông nhìn kín đáo nơi thắt lưng, sững sờ thấy một thân thể lý tưởng. Hai cánh tay để trần màu nâu, mái tóc dài cũng là thứ rất ưa nhìn. Đôi mắt xanh của ông nheo lại thú vị. Cô Trang chào ông, mời ông lần sau lại đến mua hàng. Ông ta bảo ông ta sẽ tới nữa và thành thật thốt lên: Cô đẹp quá!
Ba mươi năm trời ở xứ này chưa một lần nào cô Trang được nghe ai khen cô đẹp. Người đàn ông khác chủng tộc lại khen cô bằng tiếng Anh. Cô nhất định cho là mình nghe nhầm, hoặc mình không hiểu nên không để ý, không ngờ hôm sau ông ta lại đến sau giờ làm việc. Ông mua khăn mùi xoa, khi về ông lại khen: Cô rất đẹp!
Cô Trang vội chạy sang nhà cô Cánh bán tương ớt. Hai cô cùng giở từ điển xem lại. Đúng là ông ta khen: Rất đẹp! Ông ta thật thà hay lỡm mình nhỉ? Hai cô tần ngần nhìn nhau!
Từ hôm đó, như có ngọn lửa cháy rực bên trong, khuôn mặt góc cạnh với đôi mắt xếch của cô Trang biến đổi hẳn. Cô chăm dùng son phấn, mặc quần côn, áo pun và tóc lúc nào cũng để xõa xuống lưng. Ông Tây đã mua gần hết cái tủ kính của cô Trang. Hàng phố xung quanh đã quen với sự có mặt của ông mỗi buổi chiều. Ông có cái tên rất khó đọc. Cô Trang đã nhiều lần nói với mọi người mà không ai nhắc lại được, chỉ nhớ một chữ Xen ở cuối nên người ta thường gọi ông là ông Xen. Ông thường ngồi ở ghế cạnh tủ hàng của cô Trang, có lần ông uống nước chè xanh của cô Trang nấu và lúc nào về cũng xin phép hôn tay cô Trang. Hôm ông hôn tay lần đầu, cô Trang sợ tái xanh cả mặt vì nó cứ lạ lẫm thế nào ấy. Rồi ông ngỏ lời cầu hôn. Ông nói ông đã năm mươi ba tuổi, có hai con trai. Con trai đầu của ông đã ba mươi tuổi. Ông đã có cháu nhưng vợ ông mất rồi. Ông buồn nên ông đi sang đây. Ông là kỹ sư chuyên về xây dựng, ông qua đây thời hạn ngắn, có sáu tháng vì ông đang có việc ở bên nhà. Ông muốn khi về nước sẽ có cô Trang cùng đi... Cô Trang thấy thương ông. Nhìn bề ngoài họ no đủ, tưởng là họ sung sướng, hóa ra họ cũng buồn. Có người cũng khổ, như ông Xen này, vợ chết, con cái ở riêng, thui thủi một mình. Âu cũng là cái số trời sắp đặt. Nhận lời ông Xen xong đêm đó cô Trang không ngủ được. Cô nằm khóc thương bố mẹ không còn sống để thấy cô gặp may, thương thằng Nghẽo tàn tật, thương cả cô Hương hàng xóm xinh đẹp là thế, đàn ông con trai chạy theo hàng đàn thế mà từ khi lấy chồng đến giờ thằng thợ khóa nó cứ cho cô mỗi ngày một trận...