Đồng cỏ nở hoa (Phần cuối)
Truyện ngắn của Ma Văn Kháng

31/12/2009 00:00

>> Đồng cỏ nở hoa (Phần 1)

Đã thế nào thì nay lại vẫn thế! Đúng là vậy. Bống lại vẽ. Lại sống, học tập, và vẽ hồn nhiên như xưa rày vẫn thế! Tuy nhiên lúc này, nhờ học tập, khiếu năng bẩm sinh của Bống đã phát triển thành một tài năng hội họa thật sự. Và kết quả là năm thứ hai, thứ ba, thứ tư, mỗi năm tài năng một phát lộ thêm, Bống lại bớt đi một số bạn bè. Còn đến năm cuối cùng, Bống đỗ thủ khoa, đội mũ mặc áo khoác cử nhân tuấn tú ở Văn Miếu Quốc Tử Giám, với tác phẩm tốt nghiệp là bức sơn dầu Thiếu nữ kéo vĩ cầm được trưng bày ở Triển lãm Toàn quốc, một vinh dự với cả họa sĩ chuyên nghiệp lâu năm; hơn nữa, sau đó bức tranh còn được lưu giữ ở bảo tàng, thì chẳng còn một mống bạn bè nào đến chúc mừng Bống nữa. Thế đấy, tài năng đi liền với cô đơn như hình với bóng là vậy!

 - Thôi, quên bọn bạn bè đại học đi, Bống. Bác nghiệm ra, bạn bè thân thiết vô tư chỉ có ở thời còn học phổ thông thôi. Vả lại, bây giờ cháu đã ra trường. Vấn đề bây giờ là kiếm công ăn việc làm để tự nuôi sốëng mình và để phát triển tài năng, hiểu chưa!

Bác Lan nói. Mẹ Bống nhìn bác Lan khấp kha khấp khởi:

-Vâng, bây giờ trăm sự em nhờ bác. Công ăn việc làm là thứ nhất. Có nó thì mới tính chuyện chồng con được. Sau nữa mới là chuyện tài năng. Cả nhà này, em thì có cũng như không. Bố Tít cháu thì thế, dùi đục chấm mắm cáy, biết gì. Cô Phương thì chỉ giỏi trang điểm cô dâu. Cô Lanh chỉ biết buôn bán áo quần. Quen biết rộng rãi chỉ còn bác. Bác thương cháu, dắt dìu cháu từ lúc nó tập tọng biết vẽ. Giờ, bác cầm tay chỉ đường cho cháu, em mang ơn bác suốt đời!

*

Tổng biên tập báo Văn hóa Thủ đô bạn học cũ từ thời phổ thông với bác Lan, tuổi năm mươi, đầu hói như quả dừa, nọng thịt ở cằm đùn một vệt, nheo nheo mắt ngắm bức vẽ minh họa của Bống, chưa để bác Lan trình bày đã gật gật đầu khen: “Có hồn lắm! Có tinh thần lắm! Tinh tế lắm! Óng chuốt lắm!” Và nhổm ngay dậy, nhấc điện thoại bàn, bấm số: “Al ố a lồ. Mời chị Mấn Thị Rào lên gặp tôi nhé!”

Người đàn bà tên Rào cao lêu đêu, tóc uốn điện xoăn bụt ốc, mặt thười thưỡi như cái lưỡi cày, vai rộng, tướng đàn ông, khoác cái áo thổ cẩm Chàm, thêu hoa xanh đỏ tím vàng rờ rợ, bước vào.

 - Chị Rào! Đúng là báo ta đang thiếu họa sĩ. Chị nhận cho cháu Đinh Minh Yên về phòng chị nhé. Sau một tháng, nếu làm tốt thì cho ký hợp đồng dài hạn sáu tháng.

Tổng biên tập nói thản nhiên rồi quay sang Bống và bác Lan:

- Giới thiệu với cô Lan và cháu, chị Mấn Thị Rào trưởng phòng hành chính - trị sự. Từ nay, cháu Minh Yên là nhân viên thuộc phòng cô Rào nhé!

Mặt người phụ nữ tên Rào lì lì vô cảm. Hai gò má cao nổi lấm tấm những nốt tàn nhang. Nhận tập hồ sơ của Bống từ tay tổng biên tập, bà quay lại, hất hàm vào Bống ra hiệu hãy theo tôi, rồi lắp xắp bước ra cửa phòng.

Bác Lan thở phào, nhẹ nhõm, cám ơn tổng biên tập rối rít, rồi ra về. Ở nhà, mẹ Bống đang ngóng, thấy bác Lan mặt mày tươi rờn, hổn hển chạy lại, hỏi liên tiếp, có được không, có mất nhiều tiền không, bác; rồi nhe răng cười phớn phở: đấy, bác là tay thầy thước thợ, em biết ngay mà. Bố Bống đang ngồi trước chai rượu, lèm bèm: đ. mẹ! Không đi làm thì ở nhà chạy chợ với mẹ, lo đ. gì!

Bống đi làm ở báo Văn hóa Thủ đô. Tháng sáu nóng như nung qua, bác Lan hỏi: đã ký hợp đồng chưa? Bống lắc đầu. Hai tháng qua. Trời đã phảng phất vẻ thu. Bác Lan hỏi, Bống cũng vẫn lắc đầu. Bác Lan bảo: chắc người ta bận bịu quá!

Cho đến một sáng, mẹ Phít đùng đùng chạy tới đập cửa nhà bác Lan. Bác Lan vội nhảo sang.

- Sao không dậy đi làm, Bống? Ốm à?

Vừa hỏi bác vừa sờ đầu Bống. Bống chống tay ngồi dậy uể oải:

- Từ hôm nay cháu không đi làm nữa!

- Sao thế?

- Cháu không đi làm nữa!

- Nhưng mà tại sao cơ chứ?

- Chán lắm!

- Ô hay, mày nói gì mà lạ thế!

- Bà mặc áo thổ cẩm bà ấy nói: Làm ở đây phải có xe máy đi!

Mẹ Bống giẫy nảy:

- Khổ quá, bà mặc áo thổ cẩm là bà nào?

Bác Lan nói: Là bà trưởng phòng của nó. Rồi vỗ nhẹ vai Bống:

- Thì mẹ mày sẽ sắm xe máy cho! Đi làm đi!

- Không!

- Sao lại thế?

- Đến chỉ rửa ấm chén, quét nhà thôi.

- Ô hay! Sao lại thế được?

- Có ai cho vẽ đâu mà làm!

 Ngoài cửa, cô Phương, cô Lanh đã tới. Bố Lít đứng ở cửa buồng, làu bàu: Tao đã bảo rồi, nhà này làm đ. gì có mả làm nghệ thuật!

Cô Phương ngọt nhạt:

 - Bống ơi, sao cháu dại thế? Bây giờ chưa được vẽ thì sau này sẽ được. Lúc này, xin được vào cơ quan nhà nước có dễ đâu. May mà có bác Lan, chứ không phải tiền tấn đấy, cháu ạ!

Cô Lanh riết róng:

 - Sao mày ăn phải cái gì mà ngu thế! Cốt là vào được cái biên chế đã. Còn nó bảo hót cứt cũng làm, hiểu chưa? Mày có biết biên chế là thế nào không? Là có lương xướng suốt đời. Về già nghỉ hưu cũng có lương. Còn như tao với cô Phương bây giờ là lo hôm nay, còn lo cả ngày mai về già nữa. Ngu vừa vừa chứ ngu thế thì ai chịu được!

Bống vẫn im bằn bặt. Cho tới lúc mẹ Bống xoa đầu con, ngọt ngào: “Thôi, nghe lời bác và hai cô đi! Với lại con còn phải nghĩ tới chuyện lấy chồng nữa chứ!” Thì Bống vụt đứng dậy, mếu xệch miệng, khóc òa:

- Các người có hiểu cho tôi không? Cái người đàn bà mặc áo thổ cẩm ấy là cai ngục! Là kẻ giam hãm, đọa đầy tôi. Đến ngủ mê cũng thấy cái mặt lưỡi cày nanh ác của mụ. Các người có biết hôm qua mụ ấy nói thế nào không? Mụ ấy nghiến răng kèn kẹt, chỉ tay vào mặt tôi, rủa: “Con kia! Tao căm thù mày! Mày là đứa cướp cơm chim của tao. Chỗ của mày lẽ ra là của con tao. Tháng này nó tốt nghiệp trường Mỹ thuật Công nghiệp. Tao đã dấm sẵn chỗ cho nó. Vậy mà mày đến tranh phần của nó! Tao phải vạch vôi vào cái mặt bất lương của mày!”

*

Nghỉ việc ở tòa soạn, tất nhiên, sau đó ít lâu nhờ sự quen biết và tài giao tiếp của bác Lan, Bống cũng đã lại đi làm. Bống là họa sĩ vẽ bìa sách ở Nhà xuất bản Trí Tuệ. Rồi tiếp đó làm họa sĩ trình bày ở báo Hoa Phượng đỏ. Báo Khăn hồng. Tạp chí Bầu trời. Tập san Thủy tiên… Nhưng ở đâu cũng chỉ được dăm bữa nửa tháng. Cùng lắm là một quý. Và thế là một thời kỳ long đong của Bống đã lại bắt đầu. Ác hại chưa, vì theo luật định, cứ tới lúc các cơ quan sử dụng lao động phải xem xét để ký hợp đồng dài hạn với Bống là công việc y như rằng bị... tắc tị. Tắc tị vì nhiều lý do không tiện nói ra. Có nơi lý do y xì như ở tờ báo có mụ đàn bà mặc áo thổ cẩm giữ chức trưởng phòng. Còn các nơi khác thì lý do đơn giản hơn, nhưng xem ra càng khó nói hơn. Các họa sĩ chủ trì ở những nơi đó khi xem lý lịch và bản sao tác phẩm tốt nghiệp của Bống đều tái nhợt mặt mày.Thì ra họ đều là các họa sĩ tốt nghiệp ở các trường mỹ thuật trung cấp, chứ đâu có được như Bống học hành đến nơi đến chốn ở ngôi trường đại học mỹ thuật danh tiếng nọ. âËy là chưa kể có được tác phẩm tham dự Triển lãm Toàn quốc và sau đó lại còn được Bảo tàng Mỹ thuật mua lại như Bống thì đó là mơ ước của cả đời họ. Nhận Bống vào, Bống tỏa sáng thì họ hóa thành than à!

Bống chẳng được nhận vào một cơ quan nào hết. Cơ hội xem chừng càng lúc càng hiếm hoi.Vì liên tiếp các năm sau, tiếp tục phát tiết anh hoa, Bống vẽ như đồìng cỏ đến kỳ nở hoa, hoàn thành thêm hai bức sơn dầu Thiếu nữ Hà NộiMùa hoa phượng được trưng bày, sau đó được bán đấu giá ở Triển lãm Mỹ thuật để lấy tiền ủng hộ nạn nhân nhiễm chất độc da cam.

Bống chẳng được nhận vào biên chế một cơ quan nào. Giờ đây, Bống là họa sĩ tự do, hàng ngày cộng tác từng vụ việc với các tờ báo nhỏ may mà ở thời kỳ này đang nảy nở rất nhiều. Bống chẳng được tiếp nhận vào làm việc chính thức ở một cơ quan văn hóa, báo chí nhà nước danh tiếng nào hết. Và điều đó giờ đây đã trở nên một trở ngại cho việc hôn nhân của Bống. Bống đã hăm ba tuổi.

Người lo lắng cho Bống lúc này không phải mẹ Bống, càng không phải bố Bống. Mà vẫn lại là bác Lan. Và thế là cuối cùng bác Lan đành phải cầu cứu ông Phan, họa sĩ già có tầm kiến văn sâu rộng, đã bốn chục năm trong nghề hóa trang của đoàn cải lương.

Họa sĩ Phan tới nhà Bống thăm Bống, rồi sang nhà bác Lan:

 - Cô Lan à. Ông họa sĩ già nói. Thôi được, để tôi tìm chỗ làm cho cháu. Nhưng điều tôi cứ hay lẩn thẩn suy nghĩ là thế này. Cô Lan đã có khi nào nghe nói tới sa mạc Acatama ở Chilê là nơi khô hạn nhất thế giới không?
 - Dạ, chưa ạ.

 - Ở đó, tức là ở cái sa mạc Acatama thuộc nước Chilê ấy, từ năm 1570 đến năm 1971, suốt 400 năm không hề có một hạt mưa nào. Nóng khô hơn cả sa mạc Gôbi, sa mạc Sahara. Vì ở hai nơi nọ, dù sao cũng còn cây xương rồng gai và loài thằn lằn thân trắng, mào đỏ sinh sống. Còn ở Acatama thì hoàn toàn không có sự sống. Vậy mà…

Dừng lại một lát, họa sĩ già nhìn bác Lan, tiếp:

- Vậy mà đến một ngày nọ, cả hoang mạc Acatama bỗng biến thành một đồng cỏ tưng bừng hoa tươi.

- Biến thành một đồng cỏ tưng bừng hoa tươi!

- Đúng thế! Và cô Lan có biết là vì làm sao không? Có một hải lưu đổi dòng chảy qua bờ biển, nơi có hoang mạc ấy, và hiện tượng Elninô đã xảy ra, mưa bão liên tiếp đổ vào hoang mạc. Mưa bão liên tiếp đổ vào hoang mạc! Và thế là các hạt giống ủ trong lòng cát sâu từ bao năm nay không chết, đã bật dậy mầm sống. Đã bật dậy mầm sống, như những tài năng thực sự, như đồng cỏ đến kỳ nở hoa. Như đồng cỏ đến kỳ nở hoa! Chà, tài năng sinh ra trong khó khăn, nhưng tài năng thực sự là bất diệt, bất diệt! Bất diệt! Cô Lan à.

 Cuối tháng ấy, họa sĩ Phan về hưu. Trước khi nghỉ việc, ông đã giới thiệu và bảo đảm cho Bống vào làm ở đoàn cải lương, thế chân ông.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đồng cỏ nở hoa (Phần cuối)<BR><I>Truyện ngắn của Ma Văn Kháng</I>
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO