Đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý đất đai
Từ ngày 1/7/2025, tỉnh Đồng Nai có diện tích hơn 12,7 nghìn kilômét vuông. Để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong công tác quản lý đất đai, các cơ quan chức năng đã có quy định về tách, hợp thửa đất cũng như xây dựng quy trình công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động.
Sẽ sớm có quy định tách, hợp thửa đất
Tháng 6 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã có buổi làm việc với Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh và các địa phương báo cáo quy định liên quan tách thửa, hợp thửa đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi sáp nhập với tỉnh Bình Phước thành tỉnh Đồng Nai mới.
Theo báo cáo của Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất các nội dung liên quan đến việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực đất đai khi tỉnh Đồng Nai mới đi vào hoạt động, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh đã làm việc với Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Phước và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Bình Phước. Qua làm việc, các bên đã thống nhất một số nội dung để thực hiện.
Cụ thể, về hạn mức giao đất ở cho cá nhân tại các phường là 250m2, tại các xã ở đồng bằng là 300m2 và tại các xã ở miền núi là 400m2. Hạn mức công nhận đất ở đối với cá nhân, tùy theo phường, xã và khu vực dao động từ 250 - 400m2.

Về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân, hiện nay trên địa bàn 2 tỉnh đã quy định tương đồng như nhau, do đó thống nhất không thay đổi. Ngoài ra, các bên cũng thống nhất đề xuất điều kiện, diện tích tối thiểu tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất.
Cũng tại buổi làm việc này, các địa phương đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy định của tỉnh và Luật Đất đai năm 2024 về tách thửa, hợp thửa, cấp sổ. Trong đó, có vướng mắc điều kiện hợp thửa, các thửa đất hợp thửa phải bảo đảm có cùng mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất; trường hợp các thửa đất khác nhau về mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, hình thức trả tiền thuê đất thì phải thực hiện đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, chuyển hình thức trả tiền thuê đất để thống nhất theo một mục đích, một thời hạn sử dụng đất, một hình thức trả tiền thuê đất theo quy định của pháp luật.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng, tháng 10/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 63/2024/QĐ-UBND về việc ủy quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo Luật Đất đai năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Qua thời gian thực hiện, đã có hàng nghìn trường hợp được tách, hợp thửa, cấp sổ đỏ, góp phần bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất.
Để tiếp tục tạo điều kiện cho người dân và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiếp tục rà soát quy định tỉnh đã ban hành, đề xuất điều chỉnh cho phù hợp khi tỉnh Đồng Nai mới đi vào hoạt động. Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh rà soát để kiện toàn bộ máy của đơn vị và các chi nhánh văn phòng đăng ký khu vực. Chủ trương là các chi nhánh văn phòng đăng ký khu vực phụ trách theo địa bàn cấp huyện cũ nhưng có sự phân chia lại để bảo đảm hoạt động đều tay, giải quyết thủ tục nhanh và hiệu quả cho người dân.
Phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực đất đai
Vào cuối tháng 6 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà đã chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương để nghe báo cáo về quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị định số 151 của Chính phủ quy định về phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương 2 cấp, phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực đất đai.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, Nghị định số 151 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Trong đó, thực hiện việc phân cấp, phân quyền, nhiều nhiệm vụ trong quy trình thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư sẽ được phân cấp, phân quyền cho UBND cấp xã, Chủ tịch UBND xã như: chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều 86, Luật Đất đai; tổ chức thực hiện việc cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất, giải quyết khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật về khiếu nại; bảo đảm điều kiện, phương tiện cần thiết phục vụ cho việc cưỡng chế, bố trí kinh phí cưỡng chế thu hồi đất quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 89, Luật Đất đai; tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư quy định tại khoản 6, Điều 91 và khoản 1, Điều 110, Luật Đất đai…
Do đó, trên địa bàn tỉnh đã và đang xây dựng bộ quy trình, cơ chế phối hợp giữa UBND cấp xã với Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, khu vực để triển khai thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà nhấn mạnh, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tăng trưởng 2 con số, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án tái định cư là rất quan trọng. Do đó, công tác giải phóng mặt bằng được xác định phải đi trước một bước, là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà thống nhất thành lập tổ biên soạn bộ quy trình, quy chế phối hợp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trên địa bàn tỉnh. Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh là đơn vị chủ trì thực hiện, đến ngày 1/7 đã trình UBND tỉnh lấy ý kiến của các sở, ngành và 95 phường, xã trên địa bàn tỉnh.