Đồng bộ giải pháp trước mắt và lâu dài

- Thứ Sáu, 22/10/2021, 08:42 - Chia sẻ
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo của Ủy ban Xã hội tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV là có tới 2.093 trẻ em mồ côi do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó riêng TP. Hồ Chí Minh có hơn 1.500 em. Việc này có thể gây ra những tác động lâu dài như khó khăn về vật chất, khủng hoảng về tinh thần, gián đoạn học tập, nguy cơ cao bị bạo lực, xâm hại... ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện cũng như bảo đảm an sinh của trẻ...

Thực tế, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, một đại biểu Quốc hội đã từng phát biểu rằng, về những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, dường như đến thời điểm hiện tại chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến những thiệt hại về kinh tế và những tác hại trong lĩnh vực sức khỏe, thể chất. Thực tế, còn một vấn đề lớn và sâu sắc khác là những thiệt hại và tổn thất về sức khỏe, tinh thần.

Và đến nay, điều này đã hiện hữu rõ nét, nhất là với những đối tượng dễ bị tổn nhất là trẻ em. Cụ thể, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, theo báo cáo của 47 địa phương, có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch, trong đó có 133 trẻ em dưới 5 tuổi, tập trung chủ yếu tại các tỉnh phía Nam. Đương nhiên những tổn thương về tâm lý, tinh thần mà các em phải gánh chịu là khó tránh khỏi, cho dù khó nhận biết, khó tính toán cụ thể. Đó là những tác động ngầm gây ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức cũng như tổn thương về tâm sinh lý.

Để kịp thời chăm sóc, nuôi dưỡng, giảm nhẹ nỗi đau, sự mất mát của các em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Cụ thể, Bộ đề nghị các địa phương thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội đối với nhóm trẻ em này theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; chính sách hỗ trợ cho trẻ em tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Đề nghị các tỉnh, thành phố ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19 được chăm sóc thay thế bởi người thân, cá nhân, gia đình nhận chăm sóc, để trẻ được sống trong môi trường gia đình và bảo đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ. Trẻ em được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng.

Ngoài ra, Bộ cũng đã ban hành chính sách, kế hoạch về hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài đối với nhóm trẻ em này tại các tỉnh, thành phố có số lượng lớn trẻ mồ côi; chỉ đạo việc trợ giúp pháp lý cho các em theo quy định của pháp luật để bảo đảm quyền, lợi ích không bị xâm hại do các em không có sự giám hộ của cha, mẹ; phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) xây dựng nhanh các hướng dẫn về chăm sóc thay thế phù hợp với nguyên tắc và khuyến nghị của Liên Hợp Quốc. Hỗ trợ địa phương triển khai đánh giá, xây dựng kế hoạch can thiệp hỗ trợ phù hợp nhất và hiệu quả nhất với các em...

Như vậy có thể thấy, về cơ bản các chính sách hỗ trợ đã khá đầy đủ nhưng về lâu dài cần hỗ trợ các em, gia đình và nơi đại diện chăm sóc các em sinh kế để tạo dụng cuộc sống ổn định. Chính quyền địa phương cần triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn. Các thủ tục về chăm sóc thay thế, nhận đỡ đầu cho trẻ phải được tạo điều kiện thuận lợi nhất.

Cùng với những thiệt hại về kinh tế, dịch bệnh đã và đang để lại những ảnh hưởng tiêu cực về lối sống, cách sinh hoạt, tâm lý xã hội. Do đó, với những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, cần được đặt ở vị trí trung tâm của mọi nỗ lực và cần được dữ liệu đầy đủ toàn diện nhưng tác động đã và sẽ xảy ra để có giải pháp đồng bộ cả trước mắt và lâu dài.

Khương Ninh