Hà Nội

Đồng bộ giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề

- Thứ Năm, 31/12/2020, 07:58 - Chia sẻ
Những năm qua, các làng nghề ở Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh mẽ, mang lại việc làm, thu nhập cao cho người lao động và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức đối với tình trạng ô nhiễm môi trường, trình độ sản xuất, thị trường… đòi hỏi những giải pháp kịp thời, hiệu quả nhằm bảo tồn và phát triển bền vững làng nghề.

Nỗ lực cải thiện môi trường

Thành phố Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm số lượng làng nghề lớn nhất toàn quốc, hội tụ 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Những năm qua, các làng nghề trên địa bàn đã có sự tăng trưởng cả về doanh thu, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu qua các năm, đóng góp đáng kể vào ngân sách địa phương, mang lại việc làm cho hàng triệu lao động nông thôn, đặc biệt là lao động nhàn rỗi, lao động nghèo, quá tuổi.

Mặc dù vậy, các làng nghề hiện đang phải đối mặt với không ít khó khăn, như: Thiếu mặt bằng sản xuất, công nghệ lạc hậu, trình độ sản xuất hạn chế, thị trường cạnh tranh gay gắt… đặc biệt vấn nạn ô nhiễm môi trường đang đặt ra thách thức lớn. Theo kết quả điều tra, khảo sát, lấy mẫu và phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề trên địa bàn thành phố, từ năm 2017 - 2020, có 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 95 làng nghề ô nhiễm, 58 làng nghề không ô nhiễm về nguồn nước, tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom, xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, hầu hết các làng nghề của Hà Nội hiện đều chưa có hệ thống hạ tầng đạt yêu cầu, nhất là hệ thống cấp thoát nước thải thiếu đồng bộ. Do đó, nước thải của phần lớn đều xả thẳng ra môi trường ao, hồ với độ ô nhiễm ở mức rất cao mà không qua bất cứ hệ thống xử lý nào. Không chỉ vậy, chất thải rắn của một số làng nghề chưa được phân loại mà vận chuyển trực tiếp về các bãi rác. Do giá thu gom rác thải công nghiệp nguy hại khá cao, từ 2 - 4 nghìn đồng/kg, nên vẫn còn hiện tượng người dân đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

	Làng hoa lan Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang được đề nghị công nhận làng nghề
Làng hoa lan Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội đang được đề nghị công nhận làng nghề
Ảnh: Tường Vi

Trước thực trạng đó, thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách như: Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng công trình trạm xử lý chất thải đầu mối của khu thu gom xử lý chất thải tập trung, khu tập kết chất thải rắn; xây dựng Đề án “Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định bố trí kinh phí từ ngân sách xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề truyền thống. Ðồng thời, xây dựng nhà máy xử lý nước thải làng nghề tại các huyện với công nghệ xử lý sinh học khép kín và dây chuyền thiết bị tự động hóa được nhập khẩu từ các nước châu Âu. BCĐ Chương trình số 02-CTr/TU mới đây đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải làng nghề tập trung; nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường cũ không đáp ứng yêu cầu; đưa công nghệ mới vào xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề.

Phát triển làng nghề gắn với du lịch

Với những đóng góp lớn về kinh tế từ các làng nghề, nhiều năm qua, thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm đến công tác phát triển ngành nghề nông thôn cũng như bảo tồn, phát triển làng nghề bền vững thông qua việc ban hành nhiều cơ chế, chính sách thiết thực. Trong đó, chú trọng định hướng phát triển làng nghề gắn với du lịch.

Theo kết quả thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, trên địa bàn các quận, huyện, thị của thành phố có khoảng 7.215 sản phẩm địa phương. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Du lịch làng nghề và du lịch sinh thái đang được rất nhiều du khách quan tâm. Hà Nội đã phê duyệt nhiệm vụ thực hiện dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng nghề gốm sứ Bát Tràng, làng nghề dệt lụa Vạn Phúc thành điểm du lịch đạt tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế. Từ đó, phát huy vai trò của du lịch với phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm làng nghề.

Định hướng đã rõ, tuy nhiên, các làng nghề ở Hà Nội hiện nay vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch. Đội ngũ hướng dẫn viên tại các làng nghề cũng chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, chuyên môn và ngoại ngữ. Các cơ sở sản xuất chủ yếu là các hộ gia đình nên cũng ít quan tâm tới việc tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh của nghề và làng nghề dẫn tới khả năng cạnh tranh không cao, chưa gây được ấn tượng sâu sắc đối với du khách.

Để bảo tồn, phát triển bền vững làng nghề trong những năm tới, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu UBND thành phố tập trung phát triển làng nghề gắn với phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Trong đó, chú trọng nâng cấp, chỉnh trang cơ sở hạ tầng của các làng nghề phục vụ tốt hơn cho nhu cầu du lịch của du khách. Bố trí quỹ đất phát triển nghề, làng nghề đáp ứng mặt bằng phục vụ mở rộng sản xuất, đầu tư công nghệ mới, thân thiện với môi trường, di dời các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường và bố trí mặt bằng để xây dựng các công trình xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề”.

Cũng theo ông Chí, ngoài những đề xuất đó, việc phát triển làng nghề gắn với du lịch bền vững phải “sở hữu” được đội ngũ lao động có trình độ học vấn, được đào tạo cơ bản về chuyên môn để có thể tiếp cận công nghệ mới, nhằm thay đổi tác phong làm việc theo hướng sản xuất công nghiệp, thay đổi ý thức làm việc “thời vụ” hiện nay. Bên cạnh đó, ở một số làng nghề đang có sự mai một, thất truyền do chưa có thế hệ kế cận. Do đó, các địa phương cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhân thức của người dân về ý ngĩa, giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống; thường xuyên hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng các mô hình liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp và hộ sản xuất nhằm tìm kiếm thị trường, thiết kế mẫu mã, bao bì, quảng bá thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Bởi, một khi giá trị văn hóa và giá trị kinh tế của các làng nghề được song hành, việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển làng nghề mới hiệu quả.

Đào Cảnh