Đơn vị nào quản lý mật mã dân sự ?

Tự Cường - Văn Thăng 13/06/2015 18:02

(ĐBNDO) - Việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, sử dụng mật mã dân sự như thế nào? Đơn vị nào thực hiện kiểm tra, đánh giá và giám sát mật mã dân sự? - là vấn đề được đại biểu quan tâm, cho ý kiến tại phiên thảo luận tại tổ về dự án Luật An toàn thông tin chiều 13.6.

Tán thành với việc sửa đổi tên gọi của dự thảo Luật thành Luật An toàn thông tin mạng, ĐBQH Đào Trọng Thi cho rằng tên gọi này phản ánh đúng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật. Tập trung góp ý vào quy định về mật mã dân sự, đại biểu cho rằng việc phân biệt mật mã dân sự không phải theo nghĩa phân biệt với quân sự mà thực chất là phân biệt giữa Nhà nước và ngoài Nhà nước. Bởi vì, hiện tại tất cả những vấn đề về bảo vệ thông tin bí mật quốc gia đều là trách nhiệm của Ban cơ yếu Chính phủ. Ban Cơ yếu Chính phủ gồm những bộ phận cơ yếu rất quan trọng như Ban Cơ yếu của Đảng, cơ yếu của ngoại giao, cơ yếu của quân sự, cơ yếu của công an và cơ yếu của một số cơ quan nhà nước. Ban Cơ yếu Chính phủ hiện nay chịu trách nhiệm về bảo vệ, bảo mật thông tin của Nhà nước. Những thông tin dân sự là thông tin của doanh nghiệp, những thông tin của khu vực ngoài nhà nước, hoặc không được quy định thành thông tin của nhà nước (có thể của cơ quan Nhà nước nhưng không nằm trong phạm vi thông tin bí mật của Nhà nước). Những thông tin dân sự không thuộc trách nhiệm quản lý của Ban Cơ yếu Chính phủ, bình thường chúng ta có thể giao cho các doanh nghiệp, thậm chí cả doanh nghiệp tư nhân kinh doanh có điều kiện. Hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp ngoài nhà nước làm dịch vụ bảo mật thông tin.
 
Từ những phân tích này, đại biểu Đào Trọng Thi cho rằng, cần xác định khái niệm về mật mã dân sự chính xác hơn, để phân biệt rõ loại bí mật nào thì do đơn vị nào quản lý? Đồng thời quy định chính xác hơn chức năng nhiệm vụ của Ban Cơ yếu Chính phủ. Đại biểu đề nghị, có thể định danh là mã ngoài Nhà nước, ở khu vực ngoài Nhà nước để phân biệt với mật mà của các cơ quan Nhà nước. Hoặc có thể nghiên cứu đưa ra tên gọi chính xác hơn. Xét về nghĩa của từ ngữ thì chữ dân sự được dùng để phân biệt với chữ quân sự. Nhưng khái niệm này lại không đúng vì có rất nhiều thông tin khác vẫn nằm trong diện do Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý.
 
Về chức năng quản lý nhà nước, ĐBQH Nguyễn Văn Hưng  đề nghị tách chức năng quản lý nhà nước về mật mã dân sự của Ban Cơ yếu Chính phủ ra khỏi Bộ Quốc phòng. Đại biểu lập luận, theo quy định của Luật Cơ yếu và Nghị định 09 năm 2014 thì Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan mật mã quốc gia, đặt dưới dự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chứ không phải Bộ Quốc phòng như trong dự thảo Luật. Ban Cơ yếu Chính phủ quản lý chuyên ngành về cơ yếu, đồng thời thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã, bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật của nhà nước. Vì vậy, đại biểu cho rằng việc tách chức năng quản lý nhà nước về mật mã dân sự ra khỏi phần quy định trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là phù hợp.
 
Cũng theo đại biểu Nguyễn Văn Hưng, dự thảo Luật còn một số quy định chưa rõ ràng về trách nhiệm quản lý nhà nước về mật mã dân sự. Ví dụ, quy định về cấp phép tiêu thụ sản sản phẩm mật mã dân sự là chưa phù hợp mà cần quy định về cấp phép kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự. Dự thảo Luật cũng chưa có quy định cụ thể về kinh doanh dịch vụ mật mã dân sự. Ngoài ra, khoản 4, điều 34 dự thảo Luật quy định: xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự phải được Cơ quan mật mã quốc gia phê chuẩn là chưa rõ ràng. Đại biểu cũng chỉ ra rằng, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể cơ quan nào chịu trách nhiệm kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm mật mã dân sự.
 
Từ những phân tích trên, đại biểu Nguyễn Văn Hưng đề nghị nên bổ sung quy định giao cho Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý, cấp phép kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự; cấp phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự; kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm mật mã dân sự vào trong dự thảo Luật. Thực tế, mật mã bảo vệ thông tin bí mật của nhà nước và mật mã bảo vệ thông tin bí mật ngoài nhà nước có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Do vậy, chỉ có một cơ quan có thẩm quyền thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia quản lý thì mới bảo đảm tính an toàn, bảo mật trong hoạt động của Đảng, Nhà nước và xã hội. Đồng thời, việc quản lý thống nhất mật mã dân sự nhằm ngăn chặn những hoạt động lợi dụng mật mã để làm phương hại đến lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Hơn nữa, hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đang thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về mật mã dân sự, có đội ngũ nhân lực, có tiềm lực về KHCN, có kinh nghiệm trong công tác bảo mật thông tin, được tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương. 

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đơn vị nào quản lý mật mã dân sự ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO