Dồn sức hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt

- Thứ Ba, 13/10/2020, 02:14 - Chia sẻ
Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 4.000 tấn gạo, 10.000 thùng mỳ tôm, 2 tấn lương khô; 110 tấn giống ngô, rau các loại; các loại thuốc, hóa chất khử trùng và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn…

Thừa Thiên Huế: Chiều 12.10, lãnh đạo tỉnh đã cùng các lực lượng tiếp cận thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền) để xác minh thông tin sự cố sạt lở vùi lấp hơn 10 công nhân đang làm việc tại đây. Đến 17h45 chiều cùng ngày, lực lượng được cử vào thủy điện vẫn chưa có thông tin báo về.

Mưa lũ những ngày qua khiến nhiều nơi Thừa Thiên Huế ngập sâu

Ảnh: Võ Thạnh 

Tại cuộc họp trực tuyến về công tác ứng phó lũ lụt ngày 12.10, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ yêu cầu các cấp, các ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ; tiếp tục thực hiện các biện pháp khẩn cấp ứng phó với mưa lũ kéo dài; hỗ trợ lương thực, thực phẩm, không để một ai bị thiếu đói. Các địa phương chủ động thông tin kịp thời, bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, đặc biệt là tại các khu vực thường xuyên ngập sâu, chảy xiết khi mưa lũ. Tại các hồ chứa thủy lợi, thủy điện xung yếu, nhất là các hồ đập vừa và nhỏ đã đầy nước, có nguy cơ mất an toàn cao, cần bố trí lực lượng trực canh, có phương án chủ động sơ tán dân cư ở hạ lưu để bảo đảm an toàn khi có tình huống; rà soát bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để sẵn sàng triển khai ứng cứu khi xảy ra sự cố. Các ngành điện, nước, viễn thông cần bảo đảm kết nối, nhu cầu của người dân trong mọi tình huống.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên  Huế, tính đến 14h ngày 12.10, mưa lũ đã làm 4 người người chết, 1 người mất tích, 7 người bị thương; gần 63.000 ngôi nhà bị ngập lụt từ 0,5 - 1,8m. Hầu hết các tuyến đường tỉnh đã ngập sâu, tắc giao thông. Hệ thống đường ở các huyện, thị xã hầu hết cũng ngập úng, bị cô lập. Chính quyền địa phương các cấp cùng lực lượng chức năng đã sơ tán 11.608 hộ, với hơn 35.435 nhân khẩu từ các vùng xung yếu, thấp trũng ven sông, ven suối đến nơi trú ẩn an toàn. Ngoài hỗ trợ khẩn cấp của các địa phương, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo xuất cấp từ nguồn dự trữ lương thực phòng, chống thiên tai cấp tỉnh để cứu trợ khẩn cấp cho hộ di dời phòng tránh mưa lũ trên địa bàn các huyện, thị xã 25 nghìn thùng mì tôm.  Chiều cùng ngày, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã tiếp nhận 1.200 thùng mỳ tôm và 2 tấn gạo cứu trợ cho người dân vùng lũ Thừa Thiên Huế do Quân khu 4 trao tặng.

UBND tỉnh Thừa Thiên  Huế cũng đã thiết lập đường dây nóng 19001075 hỗ trợ ứng phó mưa lũ cho cộng đồng; đường dây nóng đã tiếp nhận và hỗ trợ điều phối cứu nạn, cứu hộ 460 trường hợp. Hơn 640.000 nghìn thuê bao được tiếp cận thông tin cảnh báo phòng, chống bão lụt.

Quảng Trị: Các hoạt động cứu trợ tiếp tục diễn ra để giúp người dân vượt qua khó khăn trước mắt. Sáng 12.10, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã đến thăm và trao 250 suất quà gồm: gạo, mì tôm, nước lọc… cho người dân xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông và xã Húc, huyện Hướng Hóa. Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng cho 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng để góp phần giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước đó, Công ty TNHH M- Thiên Phước, xã Phước Thái, huyện Long Thành, Đồng Nai phối hợp với Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Trị, Công an huyện Hải Lăng trao 365 suất quà cho người dân Trung Đơn, xã Hải Định, huyện Hải Lăng. Mỗi suất quà gồm mì ăn liền, xúc xích, nước uống, đường, bánh, sữa… tổng kinh phí 70 triệu đồng.

Hội Chữ thập đỏ huyện Cam Lộ tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí chữa bệnh thông thường sau lũ như cảm sốt, mắt đỏ, bệnh ngoài da… cho người dân vùng rốn lũ thôn Bích Giang, xã Cam Hiếu. Toàn bộ số thuốc này do Quỹ Thiện Tâm, Tập đoàn VinGroup hỗ trợ. Ngoài khám và cấp thuốc miễn phí, người dân còn được tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh trong mùa mưa lũ.

Quảng Bình: Đến ngày 12.10, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn 2.721 nhà đang bị ngập trong nước lũ. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, Ban Cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận ủng hộ khắc phục hậu quả lũ lụt với số tiền 4 tỷ đồng từ 7 đơn vị, doanh nghiệp. Từ số tiền này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh, Ban Cứu trợ tỉnh đã và đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ kịp thời đến các vùng bị thiệt hại nặng, góp phần cùng các địa phương khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp nhân dân sớm ổn định cuộc sống sinh hoạt và sản xuất.

Trong ngày 12, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh đã hỗ trợ huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn mỗi đơn vị 100 triệu đồng, đồng thời, trực tiếp thăm hỏi, chia sẻ khó khăn và trao quà cứu trợ gồm: 600 thùng mì tôm, 1.200 gói bánh cho người dân xã Quảng Minh (thị xã Ba Đồn).

Quảng Nam: Sáng 12.10, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết đã ghi nhận 4 trường hợp bị chết do mưa lũ; gần 100 nhà ở bị thiệt hại do mưa lũ, 7.339 nhà ở bị ngập; 30 điểm trường bị ngập lụt, sạt lở đất; 1243ha lúa, rau màu, cây trồng bị thiệt hại hoàn toàn. Tại một số địa phương, sau khi lũ vừa rút xuống, người dân đã nhanh chóng dọn dẹp bùn đất, khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định cuộc sống.

Nhân dịp tổ chức lễ khánh thành Nhà bia ghi danh liệt sĩ quê hương tỉnh Thanh Hóa hy sinh trong kháng chiến tại Quảng Nam, tỉnh Thanh Hóa đã trao 1 tỷ đồng ủng hộ Quảng Nam khắc phục hậu quả mưa bão.

Cũng trong ngày 12.10, Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Văn phòng Tổng Công ty Bảo hiểm AIA chi nhánh Quảng Nam, Hội Chữ thập đỏ quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) và các tấm lòng hảo tâm tổ chức trao quà cứu trợ cho người dân vùng lũ xã Bình An (Thăng Bình).

Đại diện Chi cục Phòng, chống thiên tai khu vực miền Trung và Tây Nguyên cho biết, tình trạng ngập lụt sâu, diện rộng ở vùng trũng thấp, các khu đô thị khu vực miền Trung vẫn tiếp tục diễn ra và khả năng còn kéo dài. Các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 4.000 tấn gạo, 10.000 thùng mỳ tôm, 2 tấn lương khô; 110 tấn giống ngô, rau các loại; các loại thuốc, hóa chất khử trùng và trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn…

Theo báo cáo nhanh của các địa phương trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên, đến sáng 12.10 đã tổ chức sơ tán 15.392 hộ/45.835 người, tăng 4.749 hộ/13.987 người so với báo cáo nhanh ngày 11.10. Thống kê sơ bộ, tổng số người chết do mưa lũ đến nay là 18 người, mất tích 14 người; 382 nhà bị sập đổ, hư hỏng, 109.034 nhà bị ngập 584ha lúa, 3.879ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 2.141ha thủy sản bị thiệt hại; 271 con gia súc, 150.489 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

T.Phong