Đọc sách: Đốn hạ

- Thứ Sáu, 15/01/2021, 06:14 - Chia sẻ

Một cặp vợ chồng văn nghệ sĩ mời bạn bè đến dự bữa tiệc tối, sau đám tang buổi chiều, một nữ nghệ sĩ tự tử. Bữa tiệc muộn vì còn chờ một diễn viên nhà hát kỳ cựu, vừa được tán tụng vừa bị khinh ghét. Nhân vật tôi, ngồi uống rượu một mình và nghĩ về cặp vợ chồng chủ nhà đáng ghét, đã tuyệt giao vài ba chục năm, nhưng tình cờ gặp lại ở đám tang chiều nay và không hiểu sao lại nhận lời đến dự. Các nhân vật trong bữa tiệc dần dần bị nhân vật chính bóc mẽ trong ý nghĩ thầm. Hai nhà văn trẻ chưa đủ độ chín. Một nữ nhà văn viết dở nhưng tưởng mình là Virginia Woolf, hợm hĩnh, quê mùa, ngu ngốc, rốt cuộc bị tay nghệ sĩ nhà hát bùng nổ và vạch mặt. Ghét chủ nhà và đám văn nghệ sĩ thành Vienna như vậy, nhưng kết cục chia tay lúc nửa đêm về sáng, nhân vật chính vẫn nói mấy lời xã giao như thân thiết, sau đó lại hối hận và khinh ghét chính mình vì đã nói như vậy.

Đúng là đốn hạ: hạ bệ hết đám nghệ sĩ thành Vienna tưởng mình là tinh hoa, hạ bệ văn hóa của nước Áo và tính cách giả dối, ảo tưởng, ngớ ngẩn của dân tộc Áo.

Toàn bộ cuốn tiểu thuyết không một lần xuống dòng, không có phân đoạn. Cứ thế dòng ý nghĩ kéo người đọc đi, như bị nhảy xuống một dòng nước xiết rồi bị cuốn đi, không sao dừng lại được. Bị cuốn đi như vậy, dễ hiểu là bị bao trùm bởi một cảm giác mù mịt hỗn độn tối tăm, không kịp nhìn thấy gì giữa dòng nước xiết, không kịp thấy hết nhớ hết những gì trôi qua. Chỉ còn lại ấn tượng: hỗn độn, mù mờ, chán chường, khinh ghét, ghê tởm.

Xứ Áo có vẻ có nhiều nhà văn không ngại phơi trần thói xấu của dân tộc mình. Bên cạnh ông Thomas Bernhard này còn có bà Jelinek, Nobel văn học 2004.

Hoàng Đăng Lãnh còn dịch một tiểu thuyết đặc sắc nữa của cùng tác giả Thomas Bernhard là Diệt vong. Mấy năm qua ông liên tiếp cho ra đời nhiều tác phẩm quan trọng dịch từ tiếng Đức: Giờ Đức văn, Thời nắng lịm, Người đến từ Mariupol

------
* Đốn hạ, Thomas Bernhard (1931 - 1989), Hoàng Đăng Lãnh dịch, Tao Đàn và NXB Hội Nhà văn 2018.

Hồ Anh Thái