Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển

Đơn giản, hữu dụng, giá trị

- Thứ Bảy, 08/08/2020, 06:09 - Chia sẻ
Trên cơ sở chỉ ra những hạn chế trong tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số, miền núi theo trình độ phát triển, các chuyên gia về dân tộc và miền núi cho rằng, dự thảo tiêu chí mới cần bảo đảm các điều kiện như có độ tin cậy, tính đơn giản, hữu dụng, phù hợp với điều kiện thực tiễn của khu vực vùng dân tộc và miền núi, hướng tới tầm nhìn phát triển trong tương lai.

Chưa thực sự minh bạch, chính xác

Phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển được triển khai từ năm 1996. Đến nay, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, chúng ta đã 4 lần tổ chức thực hiện tương ứng với Kế hoạch phát triển KT - XH của từng giai đoạn: 1996 - 2005, 2006 - 2010, 2011 - 2015 và 2016 - 2020. Trên cơ sở phân định này, Chính phủ đã triển khai các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng; hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số…

Ảnh minh họa. Nguồn: ITN

Tuy nhiên, việc phân định dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển đã bộc lộ nhiều bất cập. Đó là, tạo tâm lý trông chờ ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Các chuyên gia về dân tộc, miền núi cho biết, trong 3 khu vực được phân định thì các địa bàn thuộc khu vực III (khu vực có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn) được thụ hưởng chính sách đặc thù nhất cũng như được ưu tiên bố trí nguồn lực để phát triển. Song cũng vì ưu ái này, một số địa phương vẫn tồn tại tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, không muốn thoát khỏi diện hộ nghèo, xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn để vẫn được tiếp tục thụ hưởng chính sách. Đặc biệt, trong bối cảnh áp dụng công khai những tiêu chí xác định, phân loại dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, kết hợp với việc xác định chỉ tiêu còn chưa nhất quán, khoa học, một số tiêu chí, cách bình xét hộ nghèo, cận nghèo, đánh giá thu nhập, tài sản... chưa thực sự chính xác, minh bạch, chủ yếu xuất phát từ chính địa phương cấp cơ sở với độ tin cậy chưa cao.

Đơn cử, sau khi danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I giai đoạn 2016 - 2020 được ban hành (theo Quyết định 582/QĐ-TTg ngày 28.4.2017), một số địa phương đã cho rằng việc không được xếp vào nhóm III là không hợp lý. Các địa phương nêu nguyên nhân do tỷ lệ hộ nghèo trong xã còn rất cao, còn nhiều khó khăn, nhưng do thiếu tiêu chí hộ cận nghèo không đủ để thuộc diện thôn, bản đặc biệt khó khăn, hoặc số thôn, bản xã đặc biệt khó khăn không đủ tỷ lệ để xã thuộc khu vực III. Những thực tế trên đã dẫn đến việc ngày 22.1.2019, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 103/QĐ-TTg về việc phê duyệt bổ sung, điều chỉnh và đổi tên danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, theo đó điều chỉnh 22 xã trên cả nước từ xã khu vực II sang xã khu vực III, và điều chỉnh 2 xã từ khu vực II sang khu vực I.

Ảnh: Minh Thu

Lãng phí về nhân lực, vật lực

Mặt khác, có ý kiến chỉ ra sự chồng chéo, thiếu nhất quán trong việc phân định. Quá trình thực hiện phân định có liên quan đến nhiều bộ, ngành. Ví dụ, phân định xã khu vực III: thôn bản đặc biệt khó khăn do Ủy ban Dân tộc hướng dẫn; xác định tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, xã nghèo, xã bãi ngang ven biển do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn; xã biên giới, xã an toàn khu do Bộ Quốc phòng hướng dẫn; xã đạt chuẩn quốc gia về y tế do Bộ Y tế quy định; xã đạt chuẩn quốc gia về giáo dục các cấp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định... Mỗi hướng dẫn, quy định đều có bộ tiêu chí phân định riêng và có những điểm chưa thống nhất, khó thực hiện đối với địa phương, cơ sở. Từ đó, gây lãng phí về nhân lực, vật lực trong quá trình thực hiện, giám sát đạt hiệu quả của các bộ chỉ tiêu.

Ngoài ra, khi các bộ, ngành, địa phương thực hiện áp dụng kết quả phân định của các bộ tiêu chí khác nhau để thực hiện một số chính sách (phụ cấp, trợ cấp, ưu tiên, thu hút vào vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn) đã nảy sinh bất cập, trùng lặp về địa bàn, đối tượng thụ hưởng.

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, nhóm chuyên gia về dân tộc thiểu số và miền núi đề nghị nguyên tắc sử dụng để xây dựng khung chỉ tiêu nội dung vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển phải phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng, các chiến lược, chính sách, các mục tiêu phát triển dân tộc, các chương trình phát triển KT - XH, bảo vệ môi trường và khai thác sử dụng hợp lý tài nguyên của Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương trong vùng dân tộc và miền núi.

Các chuyên gia nhấn mạnh, dựa vào bộ chỉ số và tiêu chí để đánh giá chính xác bản chất các hợp phần, hiện trạng mức độ phát triển của từng vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các chỉ số và chỉ tiêu phải bảo đảm các điều kiện, cụ thể như: Định lượng bằng đo đạc, phỏng vấn và các số liệu thống kê, có mức độ gắn kết về thời gian; có giá trị - chỉ số này đo lường được kết quả dự kiến; có độ tin cậy - chỉ số này nhất quán trong việc đo lường suốt thời gian quan trắc và xây dựng cơ sở dữ liệu; có tính nhạy cảm - khi kết quả thay đổi thì chỉ số nhạy cảm với những thay đổi đó; có tính đơn giản - việc thu thập dữ liệu và phân tích thông tin dễ dàng; có tính hữu dụng - các thông tin thu thập hữu dụng cho việc ra quyết định và học tập rút kinh nghiệm.

Dự thảo Quyết định về tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đã được Ủy ban Dân tộc xây dựng và lấy ý kiến các cơ quan có liên quan, các chuyên gia và địa phương. Nhìn nhận rõ những tồn tại, hạn chế nêu trên, sẽ là cơ sở để phát huy ưu điểm, khắc phục các nhược điểm của các quyết định, chính sách trong việc phân định vùng dân tộc và miền núi theo trình độ phát triển trước đây, đề xuất các chỉ tiêu phù hợp với điều kiện thực tiễn của khu vực vùng dân tộc và miền núi, hướng tới tầm nhìn phát triển trong tương lai.

Anh Thảo