Thời sự Quốc hội

Đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch

Trọng Hiếu 10/05/2025 18:08

Tại phiên thảo luận Tổ 12 (Đoàn TP. Đà Nẵng, Ninh Bình, Hưng Yên, Gia Lai), chiều 10.5, các đại biểu tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Với quy trình 8 bước như dự thảo Luật Quy hoạch, để hoàn thành được quy hoạch, các địa phương phải mất vài năm. Do đó, đề xuất rút ngắn quy trình, vì quy hoạch là khung, không cần quá chi tiết. Đây là ý kiến của ĐBQH nêu ra tại phiên họp Tổ 12 (Đoàn TP. Đà Nẵng, Ninh Bình, Hưng Yên, Gia Lai), chiều 10.5.

Tăng cường vai trò của Chính phủ trong hướng dẫn thực hiện

Liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, đại biểu Nguyễn Văn Quảng (TP. Đà Nẵng) cho rằng, quy trình lập quy hoạch tỉnh tại Khoản 4 Điều 16 rườm rà. Với quy trình 8 bước như dự thảo Luật, để hoàn thành được quy hoạch, các địa phương phải mất vài năm. Do đó, đề xuất rút ngắn quy trình, vì quy hoạch là khung, không cần quá chi tiết.

to01.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Quảng (TP. Đà Nẵng) điều hành phiên thảo luận

Đề cập đến thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh, theo đại biểu, hiện nay, thẩm quyền này đã được giao cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết. Song, vấn đề liên quan đến việc ban hành kế hoạch thực hiện quy hoạch cấp tỉnh lại chưa rõ thẩm quyền cụ thể giao cho ai. Vì vậy, cần làm rõ nội dung này.

Cũng theo đại biểu, Điểm a, Khoản 9 Điều 2 về yêu cầu lấy ý kiến các địa phương liền kề khi điều chỉnh quy hoạch là không cần thiết, nếu điều chỉnh không ảnh hưởng đến địa phương đó. Do đó, đề xuất chỉ lấy ý kiến các địa phương liền kề khi điều chỉnh quy hoạch có tác động đến vùng liên kết và ảnh hưởng đến các địa phương khác.

to2.jpg
Đại biểu Nguyễn Văn Quảng (TP. Đà Nẵng) tham gia ý kiến

Ngoài ra, trong Dự thảo Luật tại điều khoản thi hành có nhiều nội dung mang tính hướng dẫn nhiều hơn quy định có tính chất khung. Do đó, đề nghị các quy định về trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch cấp tỉnh nên do Chính phủ hướng dẫn chi tiết thay vì quy định trong luật, luật chỉ quy định các nguyên tắc, trình tự chung.

Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm công bố định kỳ

Quan tâm đến Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng) cho ý kiến tập trung vào nội dung phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ - một kênh huy động vốn quan trọng cho khu vực tư nhân, nếu được thiết kế cẩn trọng và chuẩn mực.

Theo đại biểu, Dự thảo Luật hiện còn đặt giới hạn tài chính quá cứng, đặc biệt với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo - nhóm chủ lực đang chiếm phần lớn khu vực kinh tế tư nhân.

to03.jpg
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (TP. Đà Nẵng) góp ý vào sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

Hiện nay, quy định về tỷ lệ nợ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu tuy nhằm kiểm soát rủi ro, song nếu không linh hoạt theo năng lực công bố thông tin, xếp hạng tín nhiệm hay tài sản bảo đảm, vô hình chung sẽ loại bỏ nhiều doanh nghiệp tiềm năng khỏi khả năng tiếp cận vốn trung, dài hạn. Trong khi đó, các quốc gia có thị trường vốn phát triển như: Hoa Kỳ, Singapore, Hàn Quốc không đặt “rào cản cứng”, mà thiết lập cơ chế đánh giá rủi ro linh hoạt, dựa trên độ minh bạch, xếp hạng tín nhiệm và năng lực tài chính. Đây chính là cách để vừa mở cửa thị trường, vừa kiểm soát được rủi ro hiệu quả.

3w2a8569.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận

Do đó, để thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 68-NQ/TW - coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường hiện đại, đại biểu kiến nghị bổ sung điểm c2 vào sau điểm c1 Khoản 3 Điều 128 Luật hiện hành (Điểm a khoản 18 Điều 1 dự thảo Luật) như sau:

Trường hợp tổ chức phát hành có nợ phải trả (bao gồm giá trị trái phiếu dự kiến phát hành) vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo quy định tại điểm c1 nêu trên, vẫn được phép phát hành trái phiếu riêng lẻ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau: có tài sản bảo đảm tương ứng với nghĩa vụ nợ; có xếp hạng tín nhiệm độc lập bởi tổ chức được công nhận; có báo cáo tài chính của 2 năm liên tiếp gần nhất được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần, kèm theo bản công bố thông tin minh bạch theo quy định của Bộ Tài chính.

Đề cập đến vấn đề minh bạch thông tin và bảo vệ nhà đầu tư trong hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đại biểu Nguyễn Duy Minh nêu thực trạng, có tình trạng phát hành xong là mất dấu – doanh nghiệp không công bố tiến độ sử dụng vốn, không báo cáo tình hình trả nợ và không cập nhật thay đổi liên quan đến nhà đầu tư. Điều này không chỉ làm xói mòn niềm tin thị trường, mà còn tiềm ẩn rủi ro lan truyền nếu xảy ra khủng hoảng thanh khoản.

to05.jpg
Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) phát biểu ý kiến

Bởi vậy, đại biểu đề nghị bổ sung Khoản 4 vào Điều 128 Luật hiện hành (tại khoản 18 Điều 1 dự thảo Luật), với nội dung như sau: Doanh nghiệp phát hành trái phiếu có trách nhiệm công bố định kỳ, tối thiểu theo quý. Trong đó, có thông tin về tiến độ sử dụng vốn huy động từ phát hành trái phiếu; tình hình thực hiện nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi; tình trạng của tài sản bảo đảm (nếu có); danh sách nhà đầu tư hoặc nhóm nhà đầu tư sở hữu từ 5% tổng giá trị trái phiếu trở lên và các thay đổi liên quan (nếu có).

Các báo cáo định kỳ nêu trên phải được tổ chức kiểm toán độc lập xác nhận đối với trường hợp doanh nghiệp chưa niêm yết hoặc chưa có xếp hạng tín nhiệm. Đại biểu tin rằng quy định này không làm gia tăng chi phí tuân thủ bất hợp lý, mà ngược lại, sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường và mở rộng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp có năng lực minh bạch, quản trị tốt.

Chính sách của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm cần rõ ràng

Cho ý kiến vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) đề nghị, tại khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi khoản 3, khoản 5 và khoản 6 Điều 5 quy định về chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu cách tiếp cận để bảo đảm thể hiện đúng bản chất nội hàm là “chính sách của Nhà nước”.

to07.jpg
Đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) góp ý vào việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Một số chính sách đưa ra còn mang tính chung chung, như: khuyến khích phát triển những ngành nghề tiêu thụ ít năng lượng, tài nguyên, tạo ra giá trị gia tăng cao. Tăng cường chính sách kiểm soát với những ngành, lĩnh vực có cường độ sử dụng năng lượng cao, tiêu thụ nhiều tài nguyên thiên nhiên… và chưa gắn với các quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi cụ thể ở các điều, khoản khác trong Luật.

Bên cạnh các chính sách tại Điều này, một số chính sách khác của Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cũng được quy định rải rác ở các điều khoản khác, chưa tập trung quy định tại một điều. Do vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, có quy định phù hợp, rõ ràng hơn.

Đề cập đến biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong cơ sở sản xuất, cung cấp năng lượng, đại biểu đề nghị cân nhắc quy định liên quan đến trách nhiệm áp dụng biện pháp công nghệ vào quản lý của cơ sở sản xuất, cung cấp “năng lượng là xăng, dầu khí, than để bảo đảm tính rõ ràng, phù hợp, khả thi.

to08.jpg
Đại biểu Rơ Châm H'Phik (Gia Lai) đóng góp ý kiến tại phiên thảo luận

Liên quan đến quy định ưu đãi đối với hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, đại biểu cho rằng: việc thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có cơ sở trong bối cảnh thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, các quy định của Quỹ còn mang tính chung chung, đề nghị làm rõ vị trí, vai trò, ý nghĩa, mục đích, nguồn vốn của Quỹ, rà soát với các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, bảo đảm sự cần thiết và hiệu quả hoạt động của Quỹ. Đồng thời, cân nhắc xét trong mối tương quan với việc hình thành và vận hành 6 Quỹ được đề xuất tại dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo

Đối với quy định về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, mở rộng, nâng cấp, cải tạo, chuyển đổi sang các công nghệ tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, đề nghị nghiên cứu có quy định rõ ràng nếu không sẽ khó khả thi và đạt hiệu quả khi triển khai thực hiện. Trong đó, nghiên cứu cần có cơ chế hỗ trợ tín dụng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có khả năng tiếp cận công nghệ mới dễ dàng, nhanh chóng hơn.

Ngoài ra, đề nghị Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung và làm rõ hơn các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với từng đối tượng, tránh quy định mang tính chất chung chung, định tính, bảo đảm có tác động thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thực chất, có hiệu quả.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đơn giản hóa quy trình lập quy hoạch
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO