Tiếp tục Phiên họp thứ 37, chiều nay, 12.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV; tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 8.
Quốc hội sẽ xem xét 26 nội dung thuộc công tác lập pháp
Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Tám, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 26,5 ngày (đã bao gồm thời gian 1,25 ngày để Quốc hội tiến hành: Phiên khai mạc, Phiên bế mạc, đọc Tờ trình/Báo cáo, biểu quyết thông qua các nội dung...). Quốc hội sẽ họp tập trung tại Nhà Quốc hội, khai mạc vào ngày 21.10.2024 và dự kiến bế mạc vào sáng ngày 3.12.2024. Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt, cụ thể: Đợt 1 là 17 ngày, từ ngày 21.10 đến hết ngày 12.11.2024. Đợt 2 là 9,5 ngày, từ ngày 20.11 đến ngày 3.12.2024.
Dự kiến tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội sẽ xem xét 26 nội dung thuộc công tác lập pháp; 9 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác; đồng thời, có 12 nhóm nội dung được các cơ quan gửi báo cáo để đại biểu Quốc hội tự nghiên cứu.
Về dự kiến nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, căn cứ nghị quyết của Quốc hội, các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và đề nghị của Chính phủ, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị bổ sung 4 nội dung sau đây vào chương trình Kỳ họp thứ Tám: Xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam (theo trình tự, thủ tục rút gọn); Xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (theo quy trình tại 1 kỳ họp); Cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu. Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam (để thực hiện quy định tại khoản 3.3 Điều 3 của Nghị quyết số 103/2023/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 );
Về những nội dung khác Chính phủ, các cơ quan đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực kế hoạch đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực tài chính; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).
Đến nay, Chính phủ đã có Tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 3 dự án luật (trong số 6 nội dung đề nghị trên đây).
Tại Tờ trình số 173/TTr-VKSTC ngày 5.9.2024, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự.
Đến nay, các cơ quan của Quốc hội mới nhận được Tờ trình về đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đối với 4 nội dung, các cơ quan của Quốc hội đang tiến hành xem xét, thẩm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa xem xét, cho ý kiến; còn 2 nội dung liên quan đến việc quyết định các vấn đề quan trọng đã quá thời hạn gửi tài liệu theo quy định; có nội dung đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu và đề nghị tiếp tục hoàn thiện.
Do đó, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị trước mắt chưa bổ sung vào chương trình kỳ họp; đề nghị Chính phủ, các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu, gửi các cơ quan của Quốc hội thẩm tra, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định; trường hợp bảo đảm đủ điều kiện hoặc được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì mới bố trí vào chương trình kỳ họp.
Tổng Thư ký Quốc hội cũng đề nghị lưu ý đối với dự án luật, dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật sau khi được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thì chậm nhất là ngày 21.9.2024 phải gửi hồ sơ đến cơ quan của Quốc hội để thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội; chậm nhất là 1.10.2024 phải gửi hồ sơ đến các đại biểu Quốc hội trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét đồng ý bổ sung vào chương trình kỳ họp.
Chuẩn bị tài liệu cần rất kỹ, rất sớm
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Kỳ họp thứ Tám sẽ có nhiều nội dung, thời gian tiến hành dự kiến sẽ kéo dài; do đó, đề nghị Tổng thư ký Quốc hội phối hợp với Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhằm điều chỉnh chương trình cho hợp lý.
“Tôi sốt ruột nhất hiện nay là nhiều nội dung mà Chính phủ chưa trình, rất khó cho việc thẩm định, đơn cử là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng liên quan đến lĩnh vực kế hoạch đầu tư”.
Nêu vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ cần bàn lại để cân nhắc phương án dự thảo Luật có thể sửa một số điều, thay vì sửa toàn diện như mong muốn của cơ quan chủ trì soạn thảo nhằm bảo đảm việc xem xét thông qua dự án Luật diễn ra nhanh gọn hơn.
Ví dụ, đối với nhóm nội dung sửa đổi về tài chính ngân sách, về Luật Đầu tư, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần xác định thấy vướng cái gì hiện tại sửa ngay tại kỳ họp này để có thể thực hiện được, còn nếu sửa toàn diện thì cần phải đánh giá tác động kỹ lưỡng các vấn đề trước khi sửa.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần phải thúc bách quyết liệt để bảo đảm chất lượng và tính khả thi của các dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, tăng tính thuyết phục để các dự án Luật trình được Quốc hội chấp thuận thông qua.
Về dự kiến thời gian Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Quốc hội dành một ngày là đủ, với lý do nếu dành hai ngày để Quốc hội thảo luận thì nội dung sẽ bị trùng nhiều.
Cùng với việc giảm một ngày thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội đề xuất tăng thời gian thảo luận tại tổ lên một ngày, đồng thời nhấn mạnh các buổi thảo luận tại tổ có nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội để tổng hợp. Bên cạnh đó, trong dự kiến chương trình kỳ họp, cần bố trí một buổi làm công tác nhân sự.
Đối với những nội dung bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trong đó có dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án hình sự, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cần khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định, chậm nhất là ngày 21.9.2024 gửi đến các cơ quan của Quốc hội để thẩm tra.
“Năm nay Trung ương họp sớm so với dự kiến là hơn 20 ngày, do đó các báo cáo về kinh tế xã hội, báo cáo về tài chính ngân sách và một số nội dung liên quan khác thì Chính phủ có đủ điều kiện hoàn thiện để gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban thẩm tra sớm. Chính phủ cần chủ động làm rất kỹ, rất sớm trong chuẩn bị hồ sơ, tài liệu", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan hữu quan đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất để chuẩn bị cho kỳ họp; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu với chất lượng tốt, bảo đảm tiến độ để gửi đến đại biểu Quốc hội; đề nghị Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao chuẩn bị kỹ các nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp.
Đối với 4 nội dung Chính phủ đề nghị đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 mà chưa đưa vào chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực Ủy ban Tư pháp và Thường trực các Ủy ban Kinh tế, Tài chính và Ngân sách khẩn trương thẩm tra, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, trường hợp đủ điều kiện bổ sung vào Chương trình thì sẽ báo cáo với Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ và các bộ, ngành hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu trình Quốc hội, đảm bảo chất lượng và gửi đến Quốc hội trước ngày 21.9; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hồ sơ, bảo đảm chất lượng.
Tổng Thư ký Quốc hội phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện chương trình, lịch trình Kỳ họp và xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi gửi đến đại biểu Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau kỳ họp bảo đảm thông tin đầy đủ, nhanh chóng, kịp thời, trong đó lưu ý thông tin sâu, cụ thể để đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân hiểu rõ, đồng thuận với những cái nội dung mà Quốc hội đã xem xét, quyết định.