Món ăn tinh thần của người Nam Bộ
Là loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nam Bộ, đờn ca tài tử tuy mới ra đời cách đây hơn trăm năm nhưng đã có sức lan tỏa rất lớn. Tại khắp 21 tỉnh, thành phố phía Nam, đờn ca tài tử liên tục được tái tạo thông qua trao đổi văn hóa với các dân tộc khác nhau, thể hiện sự hòa hợp và tôn trọng lẫn nhau giữa các dân tộc. Riêng người Bạc Liêu đã có những đóng góp to lớn, góp phần tích cực trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển đờn ca tài tử.
Người ta gọi Bạc Liêu là quê hương của đờn ca tài tử vì nơi đây từng sản sinh ra nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ tiền bối, cho ra đời những bản đờn, bài ca bất hủ, gây dựng thành phong trào sáng tác thật hùng hậu từ những thập niên đầu thế kỷ XX. Cho đến nay, đờn ca tài tử vẫn là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian có sức sống khá mạnh mẽ tại tỉnh.
"Khi đờn ca tài tử được ghi danh, việc bảo tồn và phát triển có nhiều thuận lợi bởi nó được biết nhiều hơn, có sự đầu tư của Nhà nước. Nhưng khó khăn là nghệ nhân, nghệ sĩ có kinh nghiệm truyền nghề rất hiếm. Do đó, cần tạo điều kiện cơ chế để cho nghệ nhân truyền nghề. Chúng tôi đã tham mưu, thuyết phục lãnh đạo tỉnh tiếp tục đầu tư cho loại hình nghệ thuật này. Nghệ nhân, nghệ sĩ khi được vinh danh cũng phải thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình, tiếp tục truyền dạy nhằm bảo tồn và phát huy đờn ca tài tử".
Bà Nguyễn Tố Uyên, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Thông tin và Gia đình, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu
“Sau khi đờn ca tài tử được UNESCO ghi danh, nghệ nhân được giao lưu, biểu diễn nhiều hơn. Đông đảo người dân, kể cả cán bộ, công nhân viên cũng học đờn ca tài tử để giao lưu với nhau. Từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu cũng vang tiếng đàn lời ca. Không chỉ người dân Nam Bộ yêu thích đờn ca tài tử, khán giả ở nhiều tỉnh, thành phố khác cũng yêu thích nghệ thuật này của miền Nam” - nghệ nhân Ngọc Cần, người gần 30 năm theo đuổi và gắn bó với cây đàn kìm, chia sẻ. Bà hiện là nữ nhạc công đàn kìm duy nhất của Nhà hát Cao Văn Lầu, tỉnh Bạc Liêu.
Nghệ nhân Ngọc Cần cho biết, đờn ca tài tử là món ăn tinh thần của người Nam Bộ nói chung, người dân Bạc Liêu nói riêng. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, mọi người dùng lời ca tiếng nhạc để giải trí. Các dịp lễ, đám tiệc lớn nhỏ, đặc biệt trong những ngày Tết không thể thiếu đờn ca tài tử. Dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, Nhà hát Cao Văn Lầu đã tăng cường biểu diễn, đáp ứng nhu cầu của người dân, khách du lịch, góp phần quảng bá hơn nữa di sản này.
Được nuôi dưỡng trong gia đình có truyền thống theo nghệ thuật hát tuồng, cải lương và tài tử, đến nay, nghệ nhân Ngọc Cần vẫn giữ vẹn nguyên tình yêu với bộ môn đờn ca tài tử, hơn hết là với cây đàn kìm và dành hết tâm huyết để dùng ngón đàn của mình thuyết phục, phục vụ khán giả mộ điệu. Ngoài biểu diễn, việc tìm kiếm những người trẻ có năng khiếu, truyền dạy nhằm tạo thế hệ kế cận cũng là mối quan tâm của nữ nghệ nhân đàn kìm, với mong muốn “khi tôi lớn tuổi, sẽ có người nối nghiệp, đờn ca tài tử không mất đi, được giữ trường tồn qua các thế hệ”.
Truyền dạy để lưu giữ di sản
Theo Trưởng Phòng Quản lý Văn hóa, Thông tin và Gia đình, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu Nguyễn Tố Uyên, sau 10 năm Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Bạc Liêu đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển nghệ thuật này. Trong đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án, chương trình bảo tồn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử, đặc biệt chú trọng vai trò nghệ nhân. Trong các đề án cũng có các buổi diễn giới thiệu, quảng bá đờn ca tài tử.
Ở Bạc Liêu hàng năm tổ chức liên hoan đờn ca tài tử cấp tỉnh; trước đó ở cấp huyện, xã cũng tổ chức liên hoan để chọn các đội xuất sắc tham dự. Ngoài ra, Liên hoan nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ 3 tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau được các tỉnh luân phiên đăng cai. Trong các Liên hoan, biểu diễn, cùng với nghệ nhân, nghệ sĩ, Ban tổ chức mạnh dạn để người trẻ tham gia, để họ có thể học hỏi và được truyền nghề, tạo sự đồng đều giữa nghệ nhân lớn tuổi và lớp kế cận.
Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử tại Bạc Liêu có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có khoảng 150 câu lạc bộ đờn ca tài tử với hơn 2.000 thành viên, nghệ nhân, tài tử thường xuyên sinh hoạt. Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản này trong đời sống văn hóa của người dân ở đây.
“Câu lạc bộ Đờn ca tài tử hình thành nhiều tại các quận, thị xã, thành phố. Nhưng để mô hình hoạt động hiệu quả, UBND tỉnh yêu cầu khi thành lập Câu lạc bộ phải thật sự là những người yêu đờn ca tài tử, đặc biệt là nghệ nhân đàn, tài tử ca. Đây là những người chịu trách nhiệm chính, có vai trò đào tạo thế hệ trẻ góp phần bảo tồn, lưu giữ đờn ca tài tử. Ở cấp tỉnh, ít nhất 3 Câu lạc bộ hoạt động thường xuyên, cấp thị xã, huyện đều có câu lạc bộ. Mô hình câu lạc bộ cũng mở rộng về xã, phường, thị trấn, ấp khóm...” - bà Nguyễn Tố Uyên thông tin.
Bà Nguyễn Tố Uyên cho biết, định hướng của Bạc Liêu thời gian tới là đẩy mạnh truyền dạy và lưu giữ, nhắm đến thế hệ trẻ để họ tiếp cận đờn ca tài tử, đam mê yêu thích loại hình nghệ thuật này từ đó tiếp nối di sản.