Hơn 74 tỷ đồng từ nguồn vốn khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp
Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Đồng Nai (Trung tâm) cho biết, giai đoạn 2012 - 2023, tỉnh Đồng Nai đã triển khai thực hiện 153 đề án, nhiệm vụ khuyến công, với tổng kinh phí khuyến công hỗ trợ trên 74 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia là 3 tỷ đồng, kinh phí khuyến công địa phương năm 2023 hơn 71 tỷ đồng.
Qua hơn 10 năm triển khai, hoạt động khuyến công Đồng Nai tập trung hỗ trợ, đào tạo nghề, nâng cao tay nghề cho 4.383 lao động làm việc tại các cơ sở công nghiệp nông thôn; đào tạo, tập huấn khởi sự doanh nghiệp và các chuyên đề quản lý khác cho 3.991 học viên là chủ, cán bộ quản lý cơ sở công nghiệp nông thôn, các đối tượng theo chương trình phối hợp giữa Sở Công Thương với các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp.
Đã tổ chức 42 hội thảo giới thiệu khoa học kỹ thuật công nghệ mới có thể áp dụng trong sản xuất công nghiệp nông thôn với 2.049 lượt đại biểu tham dự; tổ chức 15 đoàn đi học tập kinh nghiệm quản lý nhà nước về khuyến công, các mô hình sản xuất công nghiệp nông thôn hiệu quả, tìm kiếm đối tác liên kết, hợp tác trong sản xuất công nghiệp nông thôn.
Hỗ trợ 2 cơ sở công nghiệp nông thôn xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, 63 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng thiết bị công nghệ tiên tiến; hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn chi phí thuê 58 gian hàng tại các hội chợ, triển lãm; tổ chức 25 gian hàng công thương Đồng Nai tại các hội chợ triển lãm ngoài tỉnh; 233 sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn cấp tỉnh; 26 sản phẩm đạt cấp khu vực, 17 sản phẩm đạt cấp quốc gia; 3 cơ sở được hỗ trợ tư vấn marketing – quản lý sản xuất tài chính – kế toán, ứng dụng công nghệ.
Đã thành lập và duy trì mạng lưới cộng tác viên khuyến công với 20 cộng tác viên giai đoạn I (2020 - 2021) là 65 cộng tác viên giai đoạn 2 (2022 - 2025).
Tập trung vào các hoạt động khuyến công đặc thù
Bên cạnh những kết quả từ nội dung hỗ trợ hoạt động khuyến công theo quy định, Đồng Nai cũng đã thực hiện thêm nội dung hoạt động khuyến công đặc thù như tổ chức Cuộc thi sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ tỉnh Đồng Nai.
Giai đoạn 2012 - 2019, cuộc thi được tổ chức hàng năm (8 lần tổ chức), thu hút sự tham gia của 392 lượt doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nghệ nhân, giáo viên, sinh viên và những người yêu thích thủ công mỹ nghệ trong tỉnh và các tỉnh lân cận Đồng Nai, tạo ra trên 1.300 mẫu sản phẩm mới. Hoạt động này giúp nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ đa dạng hóa mẫu mã, đáp ứng yêu cầu thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm. Thành tích của các cá nhân tham gia cuộc thi là điểm cộng trong tiêu chí xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân”, “Thợ giỏi” của tỉnh.
Trước khi Chính phủ ban hành Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25.12.2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ, tỉnh Đồng Nai đã triển khai xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân”, “Thợ giỏi”, “Người có công đưa nghề về địa phương” định kỳ hàng năm bắt đầu từ năm 2008.
Giai đoạn 2012 - 2023, tỉnh đã tổ chức 12 đợt xét tặng danh hiệu Nghệ nhân, thợ giỏi, người có công đưa nghề về địa phương. Qua đó có 21 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân, 745 cá nhân được phong tặng danh hiệu Thợ giỏi và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu người có công đưa nghề về địa phương tỉnh Đồng Nai; 2 cá nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú.
Qua đánh giá, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cho thấy, các đề án, nhiệm vụ được triển khai phù hợp với nhu cầu thực tiễn, góp phần tạo sự liên kết, khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển công nghiệp nông thôn theo hướng có trọng tâm, trọng điểm.
Để thực hiện tốt kế hoạch khuyến công tỉnh Đồng Nai trong năm 2024 và những nhiệm vụ khuyến công những năm tới đạt hiệu quả, Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy phạm pháp luật về khuyến công. Đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến để đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa chi phí để nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Phối hợp chặt chẽ với địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện đề án, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và đạt hiệu quả; kinh phí hỗ trợ sử dụng đúng mục tiêu, yêu cầu của đề án cũng như các quy định khác về hoạt động khuyến công.
Tiếp tục rà soát, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ban hành mới, bổ sung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực khuyến công áp dụng trong phạm vi tỉnh Đồng Nai. Triển khai các cơ chế chính sách về khuyến công và các chính sách khác theo hướng hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, hỗ trợ các ngành nghề, sản phẩm tiêu biểu, chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Ngoài ra, sẽ tăng cường phối hợp lồng ghép nội dung hoạt động khuyến công vào chương trình công tác của các cơ quan, đơn vị liên quan; phối hợp với các tổ chức, cá nhân có năng lực trong triển khai thực hiện hoạt động khuyến công...