Đòn bẩy cho logistics nông sản đồng bằng sông Cửu Long

- Thứ Sáu, 09/04/2021, 16:11 - Chia sẻ
Ngày 9.4, tỉnh Hậu Giang tổ chức Tọa đàm “Đòn bẩy cho logistics nông sản đồng bằng sông Cửu Long”, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu là các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, các viện, trường đại học, hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đại diện hợp tác xã nông sản, doanh nghiệp trong và ngoài nước…
Tọa đàm Đòn bẩy cho logistics nông sản đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm kinh tế, đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 65% sản lượng thủy sản và 70% sản lượng trái cây xuất khẩu cả nước. Hằng năm, nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất khẩu của ĐBSCL lên đến hàng chục triệu tấn. Tuy nhiên, nông sản khu vực này đang bị kìm hãm bởi nhiều yếu tố, trong đó có gánh nặng về chi phí logistics cao nhất, chiếm đến 30% giá thành sản phẩm, dẫn đến giảm sức cạnh tranh so với nông sản của các nước như Thái Lan, Trung Quốc…

Những hạn chế dẫn đến chi phí logistics cao là do cảng biển tại ĐBSCL còn thiếu, nhất là cảng biển nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu. Chưa kể, tình trạng một số cảng trọng điểm tại TP Hồ Chí Minh thường xuyên quá tải, dẫn tới chi phí dịch vụ, lưu kho bãi, thời gian chờ đợi đều tăng. Thêm vào đó là khu vực ĐBSCL còn thiếu các trung tâm logistics trọng điểm và các hệ thống trung tâm vệ tinh, thiếu bãi container rỗng, hệ thống kho ở các cảng, đơn vị kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm, chiếu xạ đạt chuẩn… Do đó, hàng hóa phải vận chuyển qua nhiều địa điểm và đưa lên TP Hồ Chí Minh để xuất đi các nơi, trong khi hệ thống giao thông ở ĐBSCL chưa phát triển xứng tầm với nhu cầu phát triển…

Tại buổi tọa đàm, các thương nhân đại diện cho doanh nghiệp, các Hợp tác xã nông sản và nhà nhập khẩu đã chia sẻ những trở ngại, khó khăn trong sản xuất, tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam xuất khẩu thị trường các nước.

Các diễn giả và chuyên gia phân tích, đánh giá những lợi thế, tiềm năng phát triển của lĩnh vực logistics nông sản vùng ĐBSCL. Đồng thời, chỉ ra những hạn chế, vướng mắc về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cũng như những khó khăn tồn đọng, vùng sản xuất, hạ tầng logistics… Đây là những vấn đề rất cần Chính phủ, các bộ. ngành, chính quyền địa phương, các nhà quản lý rà soát lại và đưa ra những chủ trương phù hợp, linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp và nông dân, thúc đẩy logistics nông sản vùng ĐBSCL phát triển...

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, cho rằng: Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế”; nhằm thực hiện trọn gói, khép kín tất cả các quy trình phục vụ xuất khẩu nông sản; giúp tối ưu hóa chi phí, tăng lợi thế cạnh tranh, từ đó tạo đầu ra bền vững cho nông dân.

Hiện nay, việc tập trung tăng cường liên kết vùng, tạo điều kiện cho thông thương hàng hóa nông sản là vấn đề cấp bách, để giúp kinh tế vùng ĐBSCL phát triển nhanh hơn bằng lợi thế vốn có. Trong đó, cần sớm có các phương án, chính sách và mô hình hiệu quả, kết nối chuỗi cung ứng toàn diện cho nông sản Việt Nam từ sản xuất - thu hoạch cho đến thông quan - xuất khẩu, hướng tới tối ưu hóa chi phí logistics, tăng lợi thế cạnh tranh cho nông sản vùng ĐBSCL, tạo đầu ra bền vững cho nông dân. “Để đạt đến kỳ vọng này, cần lắm sự chung tay của tất cả các Bộ, ngành, địa phương; trong đó, phải đặc biệt quan tâm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, tạo cú hích cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics phát triển, đặc biệt là logistics nông sản” - Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, mong muốn.

Theo chinhphu.vn