Ra đời trong thời điểm gấp gáp
Chia sẻ về những ngày đầu thành lập, bác sĩ Lê Tuấn Thành, Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội, Thường trực "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" cho biết, mạng lưới ra đời trong thời điểm rất gấp gáp, xuất phát từ cuộc trò chuyện giữa anh với bác sĩ Hà Anh Đức ngày 19.7.2021, khi nhận thấy nguy cơ quá tải y tế do dịch bùng phát ở TP. Hồ Chí Minh. Đến ngày 20.7, đã bắt đầu có các bản dự thảo đầu tiên cho sự hình thành mạng lưới và ngày 23.7, sau khi đã họp bàn, mạng lưới đã chính thức mang tên "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành". Đây là giải pháp công nghệ kết nối giữa bác sĩ và người bệnh chưa từng có tiền lệ; xuất phát từ mong muốn rất đơn giản, đó là "không ai bị bỏ lại phía sau" trong đại dịch.
Không quên được cuộc gọi đầu tiên của mạng lưới do chính mình thực hiện để thử nghiệm và báo cáo, bác sĩ Lê Tuấn Thành nói, "đó là cuộc gọi kéo dài hơn 9 phút vào đúng 22 giờ 54 phút ngày 26.7.2021 của gia đình bệnh nhân Covid-19 bị huyết áp cao khó kiểm soát, khi đó, tôi đã cố gắng tìm hiểu xem người bệnh ra sao, dùng thuốc gì, rồi giải thích cho người nhà về trường hợp của bệnh nhân là tăng huyết áp khẩn cấp; thật may, đêm hôm đó, huyết áp bệnh nhân đã ổn hơn và từ lúc ấy, tôi nhận ra, mô hình này rất cần sự phối hợp của y tế địa phương".
Là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2021 vừa được vinh danh, bác sĩ Đỗ Doãn Bách - thành viên của "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" cho biết, giữa lúc "nước sôi lửa bỏng", mạng lưới được ra đời sau vỏn vẹn 10 ngày chuẩn bị vận hành. Đó là 10 ngày trời, bác sĩ Bách và nhóm thầy thuốc trẻ quên ăn, quên ngủ để tạo lập quy trình tư vấn, điều trị cho bệnh nhân, giúp họ yên tâm hơn. May mắn là khi đó, mạng lưới nhận được sự động viên, ủng hộ của Bộ Y tế cũng như sự đồng lòng, nhiệt huyết của các thầy thuốc trẻ khắp cả nước. Ý tưởng ban đầu của "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" rất khác so với hiện tại, mạng lưới chỉ dự định tạo những biểu mẫu đánh giá tình trạng bệnh để F0 hoặc người nhà bệnh nhân có thể tự đánh giá và gửi lại cho các cơ sở y tế, thế nhưng, cả đội dần nhận ra, cách làm đó rất bị động và bất tiện với đối tượng là người già, trẻ nhỏ không thạo công nghệ, nên đã chuyển hướng sang tư vấn trực tiếp.
Ngay tuần đầu tiên, mạng lưới đã huy động được hơn 2.000 y bác sĩ và chỉ sau 1 một tháng đã có 10.400 y bác sĩ đăng ký tình nguyện tham gia mạng lưới - một con số vô cùng ấn tượng. Đến thời điểm hiện nay, con số đã lên tới hơn 16.000 người. Chỉ tính riêng trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam (từ tháng 7 - 10.2021), "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" đã huy động hơn 10.000 bác sĩ, tình nguyện viên trên khắp cả nước tham gia tư vấn từ xa cho hàng nghìn F0.
Động lực từ những phản hồi tích cực
Theo Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, công việc hàng ngày của các thầy thuốc là nhận cuộc gọi từ các F0 và F1 nghi vấn qua tổng đài 1022. Bên cạnh đó, xây dựng nhiều tài liệu, video về phòng, chống dịch, hỗ trợ người bệnh chăm sóc, điều trị tại nhà; tiêu biểu là “Bộ sổ tay chăm sóc sức khỏe cho F0 điều trị tại nhà”, “Sổ tay chăm sóc trẻ em, thai phụ mắc Covid-19 tại nhà”. Bên cạnh đó, họ còn chủ động gọi điện thăm hỏi, hướng dẫn chăm sóc sức khỏe người bệnh (hướng dẫn các bài tập thở, cách dùng thuốc, chế độ dinh dưỡng để nâng cao sức khỏe…); đánh giá tình trạng bệnh nhân; sàng lọc phân nhóm các bệnh nhân thành nhóm nguy cơ theo 5 mức độ, từ đó, đưa ra khuyến cáo theo từng mức độ như tiếp tục theo dõi tại nhà, nhập viện hay chuyển cấp cứu; kết nối với Sở Y tế, 115 cùng các bệnh viện dã chiến, khu thu dung, khu cách ly để chuyển các bệnh nhân nặng tới nơi cấp cứu…
Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam TS. Hà Anh Đức cho biết, hệ thống "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" được đưa vào vận hành đã giúp công tác tiếp cận bệnh nhân từ nhẹ đến nặng đạt hiệu quả cao hơn so với các phương pháp kết nối thông thường. Rất nhiều trường hợp dù đã mắc Covid-19 nhưng chưa được tiếp cận cơ sở y tế đã được các tư vấn viên của mạng lưới liên hệ kịp thời để có phương án hỗ trợ tốt nhất. Qua hoạt động của "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành", các thầy thuốc trẻ đã nhanh chóng tiếp cận được hàng vạn F0 để tư vấn, hỗ trợ trong giai đoạn nhiều người dân hoảng loạn vì dịch bùng phát.

Bên cạnh việc hỗ trợ tư vấn điều trị từ xa, "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" cũng phối hợp trực tiếp với các thành đoàn, tỉnh đoàn, triển khai công tác cấp cứu khác như cây ATM oxy, cấp phát túi thuốc điều trị bệnh nhân F0. Những trường hợp cấp cứu, mà y tế địa phương, 115 chưa đến kịp, các bác sĩ trong đội phản ứng nhanh sẽ tham gia hỗ trợ cấp cứu người bệnh cho đến khi có lực lượng cấp cứu đến.
Bác sĩ Nguyễn Thành Quân, thành viên của "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" chia sẻ, cuộc gọi của các y bác sĩ trong mạng lưới có ý nghĩa rất lớn, bởi khi dịch bệnh căng thẳng, các số hotline, tổng đài đều trong tình trạng quá tải; không gọi được cho nhân viên y tế, người bệnh thường rất lo lắng. Do vậy, khi nhận được sự quan tâm của y bác sĩ trong mạng lưới, họ cảm thấy như tìm được phao cứu sinh. Dù là online hay chỉ chịu trách nhiệm phân tầng nhưng với mỗi thành viên mạng lưới, việc nhận được những phản hồi tích cực, biết được thông tin người bệnh tiến triển tốt, chính là món quà giúp các y bác sĩ tiếp tục đồng hành, cống hiến.
"Những cuộc gọi đã không chỉ dừng lại ở việc hỏi thăm, chăm sóc sức khỏe mà còn là sự sẻ chia tâm tư, tình cảm giữa những người xa lạ ở 2 phía đầu dây. Những câu chuyện đầy thú vị và ấm áp nhưng đậm chất đời thường ấy, đã trở thành là nguồn động lực to lớn để đội ngũ các y bác sĩ và tình nguyện viên của mạng lưới tiếp tục sứ mệnh cao cả của mình trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh" - bác sĩ Nguyễn Thành Quân nhấn mạnh.
Nhân rộng ra nhiều tỉnh, thành phố
Chỉ sau 8 tháng đi vào hoạt động, đến nay, mạng lưới đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước và đã thực hiện gần 2 triệu cuộc gọi, với tổng số hơn 4 triệu phút gọi, hỗ trợ trên 400.000 người bệnh Covid-19. Đến nay, "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" được chuyển giao cho Bộ Y tế và bàn giao cho Sở Y tế của các địa phương tiếp quản như TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Đà Nẵng, Hà Nội… góp phần kiểm soát dịch bệnh trong giai đoạn "bình thường mới", với hàng vạn ca F0 điều trị tại nhà mỗi ngày.

Nguồn: ITN
Trong đó, phải kể tới "Mạng lưới Thầy thuốc đồng hành" Hà Nội, được triển khai từ ngày 20.12.2021, bao gồm 1.500 bác sĩ và tình nguyện viên trên cả nước. Tính đến hết tháng 2.2022, thành viên Mạng lưới đã triển khai thực hiện gần 110.000 cuộc gọi thành công từ đầu số 1022, chủ động liên hệ và hỗ trợ bệnh nhân F0 điều trị tại nhà khi có danh sách của Trung tâm Y tế phường gửi lên, tổng số hơn 70.000 ca đã được sàng lọc và chăm sóc y tế.
Đại diện Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam nhấn mạnh, những dữ liệu mà hệ thống của mạng lưới đang có sẽ là cơ sở để người dân được chăm sóc hậu Covid-19 hiệu quả hơn, vì những thông tin cơ bản nhất của các F0 đều được lưu trong hệ thống. Đây sẽ là tiền đề để phát triển thành mạng lưới Thầy thuốc gia đình, góp phần nâng cao chất lượng y tế cơ sở và giải quyết hiệu quả tình trạng quá tải trong các bệnh viện Trung ương.
Với những đóng góp tích cực, hiệu quả vào thành công chung của cả nước trong kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối đa ca chuyển nặng, tử vong, "Mạng lưới Thầy thuốc trẻ đồng hành" được các cấp, ban ngành ghi nhận, đánh giá cao, được các tổ chức trao tặng Giải thưởng tình nguyện quốc gia; giải Nhất Giải thưởng sáng tạo TP. Hồ Chí Minh lần thứ 2 năm 2021; giải thưởng TechAwards 2021(VnExpress); ghi nhận tập thể truyền cảm hứng (Vietnamnet)...