Đối thoại trực tuyến với Tổng biên tập “Người đại biểu nhân dân” trên Vietnamnet: PHẢI MANG ĐƯỢC KHÁT VỌNG CỦA NHÂN DÂN ĐẾN VỚI BẠN ĐỌC

- Thứ Ba, 21/08/2007, 00:00 - Chia sẻ
LTS: Làm báo Quốc hội dù khó đến đâu cũng phải mang được khát vọng của nhân dân đến với bạn đọc- Có lẽ quán xuyến toàn bộ cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc Vietnamnet của Tổng biên tập Báo NĐBND ngày 16.8 vừa qua là như thế- Sau cuộc đối thoại, nhiều cử tri là bạn đọc còn muốn biết nhiều hơn nữa. Điều đó khó có thể thực hiện được. Nhưng, điều nhiều người muốn nội dung cuộc giao lưu được in lại trên Báo NĐBND thì có thể làm với mục đích cung cấp một văn bản viết thể hiện chính kiến của tập thể những người làm báo dân cử tới bạn đọc, để chúng ta cùng suy tư, cùng trăn trở và cùng hành động về một Tổ quốc Việt Nam phồn vinh. NĐBND

        Lời dẫn: Chỉ cần nghe chuyện lần đầu tiên cũng có thể đoán được Tổng biên tập báo “Người đại biểu nhân dân” (có cơ quan chủ quản là Văn phòng Quốc hội), ông Hồ Anh Tài, là người quê xứ Nghệ dù anh nói đặc sệt giọng Bắc...
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài nói rằng mình đã tin điều gì là đúng thì quyết “đi” tới cùng kể cả đăng tải những bài báo chỉ trích luôn “ai đó” trong cơ quan chủ quản. Mọi nhận xét của ông về người khác đều rõ ràng, có chính kiến, dù người đối diện là ai... Tờ báo do Hồ Anh Tài làm tổng biên tập có cá tính và không ngại phản biện.
      Tờ Người đại biểu nhân dân mà ông làm Tổng biên tập cũng gần như là tờ báo Trung ương duy nhất không có đại diện hay thường trú ở các tỉnh, mà chỉ sử dụng nguồn cộng tác viên tại chỗ là thành viên Hội đồng Nhân dân và thành viên Đoàn ĐBQH của địa phương.
      Những tâm tư của Tổng biên tập Hồ Anh Tài về sứ mạng của người làm báo và vị trí của tổng biên tập trong tờ báo thời đổi mới? Nhất là đối với một tờ báo của cơ quan dân cử?
      Ông đã làm gì để các cộng sự đồng hành với mình trên hành trình từng bước khẳng định vị trí của tờ báo Người ĐBND? Làm sao để một tờ báo chỉ nghe tên thôi đã thấy khô khan, có được lượng phát hành kha khá nhưng vẫn giữ đúng tôn chỉ, mục đích?
      Làm thế nào để giữ được “khẩu khí” phản biện - một trong những chức năng quan trọng của báo chí - mà không thấy mỏi mệt, chùng chân trên chặng đường dài (ông đã làm tổng biên tập 9 năm)?
      Bạn đọc đối thoại với Tổng biên tập Hồ Anh Tài vào lúc 15 giờ ngày 16.8.2007 với chủ đề: “Làm báo Quốc hội – khó đến đâu?”.

*    *
*


      NỘI DUNG CUỘC GIAO LƯU:

      Ngan Le - Nữ 25 tuổi - Hoàng Mai, Hà Nội:
      - Thưa ông! Được biết ông là Tổng biên tập của Báo "Người đại biểu nhân dân", những bài báo của ông đã phản ánh đúng tình hình thực tế đời sống đất nước cũng như ý kiến của nhân dân cả nước. Vậy xin ông cho biết theo ông làm thế nào để tất cả những sự việc mà báo chí đã phản ảnh được giải quyết hợp tình hợp lý trong thực tế và triệt để trên phương diện của nguời làm báo, bởi như vậy tiếng nói của người đại biểu cho nhân dân mới có giá trị và cải thiện đời sống nhân dân cả nước?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Lâu nay, những điều được phản ánh đúng chưa chắc đã được giải quyết hiệu quả nhất. Cái làm được là phản ánh được những vướng mắc và giải quyết ở mức cao nhất. Nếu vướng mắc ở đâu, báo Người đại biểu nhân dân phải tác động để giải quyết nhanh, hiệu quả nhất. Người dân có thể trông chờ vào những phản ánh của Người đại biểu nhân dân.
      Mai Thị Huệ - Nữ 45 tuổi - Bình Dương:
      - Tờ báo của ông có vẻ như ít khi có những bài cho người đọc “nói lại”? Như vậy có phải là độc đoán và không công bằng đối với người đọc và những đối tượng được phản ánh không?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Bạn đọc có thể thấy “nói lại” là điều quán xuyến trang báo của chúng tôi. Khi có ý kiến phản hồi độc giả, chúng tôi sẵn sàng đăng tải, dù có ý kiến sẽ ảnh hưởng đến người này người khác. Chúng ta cần đặt câu hỏi chúng ta phối hợp với nhau như thế nào. Báo Người đại biểu nhân dân không thể đăng những ý kiến nếu như những ý kiến đấy không đến được với báo Người đại biểu nhân dân. Bạn đọc phải gửi đúng địa chỉ và nêu đúng vấn đề.
      Bùi Thị Phương - Nữ - Long An:
      - Thưa ông, theo ông quyền lực của một tờ báo thuộc về ai?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Trước hết, quyền lực của tờ báo thuộc về nhân dân. Nếu tờ báo không nói được tiếng nói của nhân dân, chúng ta phải xem lại mục tiêu của tờ báo ấy là gì. Điều rất quan trọng của tờ báo là tiếng nói của nhân dân, thể hiện khát vọng của nhân dân. Nhân dân muốn đổi mới, nhân dân muốn làm chủ, thì tờ báo phải mang được khát vọng ấy đến với người đọc. 
      Mây trắng Sa Pa - Nam 25 tuổi - Lào Cai:
      - Để làm được báo Quốc hội, theo ông, phóng viên cần trang bị những yếu tố gì?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Điều này rất đơn giản. Người phóng viên trước hết phải am hiểu cơ quan dân cử là gì. Tâm tư nguyện vọng của nhân dân cần gì ở một cơ quan dân cử. Người đại biểu Quốc hội, HĐND suy nghĩ gì và họ đang hành động như thế nào. Cái cao hơn tất cả là phải có nhiệt huyết. Lâu nay chúng tôi vẫn hay nhắc đến việc những người làm ở cơ quan dân cử phải có nhiệt huyết. Và những người làm báo ở cơ quan dân cử càng cần có nhiệt huyết. Có một thực tế là cơ quan dân cử thật nghèo. Nếu người ta chỉ trông chờ vào hưởng thụ thì người ta khó làm việc thành công ở cơ quan dân cử. Những người làm báo ở cơ quan dân cử cũng vậy. Nếu chỉ trông chờ vào đãi ngộ, người ta khó thành công ở một tờ báo ở cơ quan dân cử. 
      Đỗ Hoàng Minh - Nam 25 tuổi - Hà Nam:
      - Ông có phải là người độc đoán không? Ở toà báo, ông có nói rằng: "Tôi là tổng biên tập, quyền quyết định cao nhất thuộc về tôi”? Ông nghĩ thế nào về một BTV hoặc phóng viên lúc nào cũng nhất nhất coi những điều ông nói đều đúng?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Có lẽ quyền quyết định cao nhất thuộc TBT là điều luật pháp đã quy định. Nghĩ như vậy, tôi cho là không độc đoán. Đó là tôi ý thức được trách nhiệm của mình. 
      Ở Toà soạn tôi khuyến khích mọi người tranh luận. Và nếu người ta xem điều người ta nói là đúng, có lý lẽ để bảo vệ điều đó, tôi sẵn sàng theo họ. Chúng ta phải tập cho mọi người tranh luận, tranh cãi về một vấn đề nào đó. Nếu người ta tranh luận, có lý lẽ thì dù anh là ai, anh vẫn phải tôn trọng ý kiến đúng. Tôi khuyến khích những việc như vậy.
      Nguyễn Thị Hằng - Nữ 29 tuổi - Kim Giang, Hà Nội:
      - Theo ông, làm báo Quốc hội khó nhất là cái gì?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Tôi luôn tự đặt câu hỏi như vậy. Tôi luôn nhớ đến câu thơ của Phạm Tiến Duật: "Thế đấy giữa chiến trường nghe tiếng bom rất nhỏ". Giữa trung tâm của sự việc, người ta sẽ không thấy mức độ gì khó khăn lắm. Nếu bạn đặt mình ở vị trí của tôi, bạn sẽ thấy đó là nhiệm vụ của mình và phải gắng hết sức mình để thực hiện nhiệm vụ đó.
      Trần Anh Tuấn - Nam 29 tuổi - 39B, Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội:
      - Với tư cách là TBT của 1 tờ báo đại diện cho quyền lực của nhân dân, vậy có khi nào ông phải chịu sức ép của các ĐB QH khi họ bị tố cáo, khiếu nại mà trong khi đó họ đang là những người đại diện cho tiếng nói của người dân ở địa phương? Chẳng hạn như chính 1 CTV của báo ông mà viết đơn thư phản ánh về chính vị lãnh đạo của mình đang làm ĐBQH thì sao? Ông có vì sự nể nang vị ĐBQH đó mà không đăng bài viết đó hay không?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Tôi nhớ cách đây khoảng một năm, có một vị đại biểu QH có một ý kiến sai. Báo Người đại biểu nhân dân lên tiếng. Vị ĐB đó rất tức giận và hỏi: "Tác giả của bài báo đó là ai mà hỗn như thế". Bài báo ấy nằm trong chuyên mục "Từ ý kiến cử tri". Chúng tôi đã có một bài báo của nữ phóng viên Hồng Anh nhan đề: "Cử tri là ai?". Bài báo muốn nói: cử tri chính là người đã bỏ phiếu bầu ra đại biểu. Đại biểu phải có trách nhiệm nói tiếng nói của cử tri, nêu tâm tư và nguyện vọng chính đáng của cử tri. ĐBQH hay ĐB HĐND không được quên điều ấy - "Chính đời đẻ ra thơ nhưng thơ lại hòng quên" - Tôi nghĩ rằng, sau bài báo đó, sự việc đã tốt đẹp hơn. 
      Bùi Minh Phương - Nữ 34 tuổi - Bắc Giang:
      - Khi nhận một chỉ trích không đúng từ cấp trên hoặc một phía nào đó – ông thường ứng xử thế nào để mình vẫn là mình mà không bị mất lòng?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Cũng lại có một câu chuyện. Tôi có gọi điện thoại cho cấp trên của tôi, người phụ trách trực tiếp tờ báo, tôi nói: - Người ta nói xấu tờ báo, người ta chỉ trích tờ báo không đúng với tinh thần của nó, anh là người phụ trách báo, tại sao anh không bảo vệ nó? Anh phải xem lại chính anh. Người phụ trách tôi vừa là cấp trên, vừa là một người bạn. Anh khuyên tôi không nên nóng nảy. Nhưng quả thực, anh ấy đã cùng tôi giải quyết sự việc không hợp lý ấy.
      Hứa Văn Bình - Nam 32 tuổi - Phú Thọ:
      - Một tờ báo của cơ quan quyền lực là Quốc hội liệu có sinh ra những phóng viên, biên tập viên lợi dụng quyền hạn để “tống” tiền không? Ở những địa phương xa toà soạn, ông làm thế nào để kiểm soát phóng viên?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Kiểm soát phóng viên là một việc khó. Trước hết, dùng người phải biết tin người. Tin vào sự lương thiện của con người. Cuộc sống cũng có những phức tạp của nó. Và không ai ngây thơ để nói rằng sẽ không có việc này việc kia xảy ra. 
      Chúng ta có hai cơ chế để kiểm soát: một là lòng tin, hai là nhân dân cùng các cơ quan chức năng ở địa phương. Cũng đã từng xảy ra những trường hợp các CTV của tôi từ địa phương gọi điện về, nói rằng đã có người này người kia mang danh Người đại biểu nhân dân đến cơ sở. Thông thường, CTV của chúng tôi ở địa phương kiểm tra ngay và thông tin đầy đủ cho toà soạn. Cho đến hôm nay, tôi tự hào chưa có một sơ suất gì xảy ra.
      Nguyễn Văn Nam - Nam 35 tuổi – TPHCM:
      - Tính gàn vậy, làm sao ông có thể “trụ” được cả 9 năm làm Tổng biên tập? Có lúc nào ông đứng trước dự báo có thể bị mất chức không?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Cái gì thuộc về quy luật thì phải chấp nhận nó. Nếu cuộc sống không cần tôi nữa, thì việc tôi ra đi khỏi chức vụ đó là điều đương nhiên. Còn việc khó chịu của người này hay người khác cũng phải coi là việc bình thường. Chỉ khi nào anh thấy rằng vì việc chung mà anh lên tiếng, mà hậu quả anh phải gánh chịu thì lúc đó anh phải vui vẻ như đã "cày xong một thửa ruộng". Phải chấp nhận nó để tồn tại. Tôi xin tiết lộ thêm một chút, tôi bước vào năm thứ 9 của chức vụ TBT. Trong 9 năm ấy, có tới 4 năm là quyền TBT. Có ai "quyền" lâu như tôi không? Đủ thấy sự khó chịu lớn đến nhường nào.
      Bùi Minh Phương - Nữ 34 tuổi - Bắc Giang:
      - Ông thường làm gì khi đứng trước những áp lực mà mình không chịu nổi – ví dụ như phải làm việc cùng một nhân viên nào đó không biết làm báo nhưng không thể sa thải?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Đấy cũng là một lỗi của cơ chế buộc chúng ta phải vượt qua. Chúng ta đồng thời phải đặt vấn đề chuyển anh ta đi nơi khác cho phù hợp với khả năng của anh ta, và trong lúc đó, anh ta phải đứng sang một bên cho người ta làm việc. Cơ chế là như thế. Có những lúc chúng ta buộc phải bó tay. Nhưng chúng ta lại phải tìm đường đi bằng cách chọn giải pháp tốt nhất. Giải pháp tốt nhất là để anh ta đứng sang một bên cho mọi người làm việc. Thông thường, áp lực này chỉ đè nặng lên vai người đứng đầu toà soạn, khi mà lương vẫn phải trả, người vẫn còn ở đấy, mà không có người làm việc. Tâm lý thường là thất vọng. Nhưng nếu người ta ngã xuống, ai sẽ là người làm việc? Vậy nên, ta phải chấp nhận nó. Tôi cho rằng, đây là lỗi lớn nhất về mặt tổ chức trong cơ chế. Cần phải thay đổi nó. Và giao quyền cho người đứng đầu cơ quan quyết định công tác tổ chức.
      Lê Quỳnh Nga - Nữ 28 tuổi - Đà Nẵng:
      - Ông nghĩ gì về chức năng phản biện của báo chí? Nhưng dù sao một tờ báo sinh ra thì phải là nơi thể hiện quan điểm của cơ quan chủ quản chứ? Vậy chức năng phản biện này có áp dụng cho cả cơ quan chủ quản không?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Nghị quyết của Đảng, Pháp luật của Nhà nước không quy định "vùng cấm". Vậy tại sao chúng ta phải lảng tránh.
      Tôi sinh ra trong một gia đình mà ở đó, con cái có thể phê bình những thiếu sót của cha mẹ. Và không vì thế mà gia đình tôi bớt hạnh phúc, lành mạnh.
      Cơ quan chủ quản cũng giống như một cơ thể sống của con người, có những ưu điểm, những điều rất tốt, nhưng cũng có những khuyết điểm. Phê phán, chỉ ra cái sai nhằm hoàn thiện, làm cho nó tốt hơn lên. "Người nhà cũng phải tắm gội" - Tiêu đề một bài báo mới đây trên NĐBND đã thể hiện rõ quan điểm đó. Tất nhiên, sẽ không dễ chịu và hài lòng khi phải nghe những lời phê phán, ngay cả khi đó là những phê phán mang tính xây dựng.
      Khen ngợi là thuộc tính của báo chí nhưng phê phán cũng là một thuộc tính khác của báo chí.
      Tran Phương - Nam 40 tuổi - C9 Nghia Tân, Hà Nội:
      - Tờ báo của ông có được bao cấp không? Sản phẩm đầu ra tiêu thụ như thế nào? Ấn hành như báo Nhân dân, cấp không như tạp chí Cộng sản, hay cũng phải bán như các tờ báo khác? Theo ông làm việc ở tờ Người đại biểu nhân dân, tờ Nhân dân, tờ Thanh Niên, thì tờ nào khó hơn? Và tờ nào có thu nhập cao hơn?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Người đại biểu nhân dân từ khi còn là tờ Tạp chí Người đại biểu nhân dân đã không được bao cấp. Tờ báo được bán qua bưu điện do độc giả đặt mua. Các ĐBQH, ĐB HĐND đều phải mua báo. Điều đáng tiếc lớn nhất là tờ báo chưa được bán rộng rãi trên đường phố, tại các sạp báo. Lỗi đó một phần lớn do tôi. Tôi chưa xã hội hoá được tờ báo. Có lẽ, đã đến lúc phải làm như vậy. Đương nhiên, nó không thể dễ dãi, không thể rơi vào vòng luẩn quẩn "chim, hoa, cá, gái", nó không thể giật gân về các vụ án ly kỳ hay hiếp dâm... Nó phải mang đến cho người đọc sự khám phá lành mạnh, niềm vui về cơ quan dân cử, khát vọng của người dân và mong ước của người lãnh đạo đất nước. Tờ báo chưa thể thành công nếu xã hội chưa coi pháp luật là tối thượng. Chỉ khi nào sống, làm việc theo pháp luật được coi là tối thượng, mà không phải là những nhận xét, không phải là những lá thư tay... chi phối cuộc sống.
      Gaida - Nhà văn Xô viết - có tác phẩm "Bí mật quân sự", các toà soạn chưa bao giờ công khai thu nhập. Vì thế, khó có khả năng so sánh. Đó là bí mật của mỗi toà soạn. Và tôi không có ý định tìm hiểu. Đương nhiên, mỗi toà soạn có cái khó riêng của nó. Làm việc ở báo Người đại biểu nhân dân cũng thật khó. 
      Nguyễn Văn Nam - Nam 35 tuổi - TP.HCM:
      - Những cộng sự của ông là ai vậy? Do cấp trên “ấn” xuống hay là ông được quyền tuyển? Có lúc nào ông có quyền từ chối không? Toà soạn của ông có nhiều người giỏi không? Và ông có trả thù lao cho họ xứng đáng không?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Tôi ngạc nhiên vì cho đến bây giờ, Hội LHPNVN chưa khen ngợi toà soạn tôi. Những người giỏi nhất của toà soạn tôi là phụ nữ. Số đông cán bộ phóng viên ở toà soạn tôi cũng là phụ nữ. Họ có sức làm việc phi thường mà đàn ông phải nể trọng. Tôi không bao giờ từ chối những người như họ. Bạn có thể từ chối những cái tên Hồng Anh, Thu Nga, Thanh Tâm, Hồng Loan... hay không? Về thu nhập, vẫn là "bí mật quân sự" nhưng tôi có thể nói, thu nhập của họ cao hơn thu nhập của chính tôi. Bởi vì họ cống hiến nhiều hơn tôi. 
      Còn việc từ chối, không dễ nếu cấp trên đưa xuống. Nhưng bạn có bao giờ tiếp nhận "hàng phế phẩm" không? Tôi cũng vậy, không bao giờ! Còn những gì tồn tại trước khi tôi làm TBT, đó là do lịch sử để lại. 
      Mai Văn Lương - Nam 40 tuổi - Nam Định:
      - Mặc dù là một tờ báo non trẻ về tuổi đời, nhưng một vài năm trở lại đây, báo NĐBND đã trưởng thành hết sức nhanh chóng. Xin hỏi Tổng biên tập là, thời gian tới, Báo NĐBND có lao vào những điểm nóng, điều tra các việc làm sai trái của các cấp chính quyền hay không? Vì tôi thấy là Báo chưa đi vào những sự, vụ cụ thể mà chủ yếu ở tầm vĩ mô thôi. ĐB dân cử chúng tôi cũng rất cần những bài điều tra, phóng sự về những vụ, việc sai phạm này nhìn ở góc độ của cơ quan dân cử. Xin cám ơn Tổng biên tập!
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Vĩ mô có điểm nóng của vĩ mô. Vi mô có điểm nóng của vi mô. Chúng ta không nên coi vấn đề nào lớn hơn. Đi vào một vụ việc cụ thể để giải quyết dứt điểm nó, đem lại lợi ích cho một người dân cụ thể cũng tốt như việc phải làm thay đổi một chính sách, một quyết đáp mang lại lợi ích cho nhiều người dân. Báo Người đại biểu nhân dân ý thức được cả những điểm nóng vi mô và vĩ mô.
      Chống tiêu cực là để làm cho xã hội lành mạnh hơn. Nhưng xây dựng xã hội tốt đẹp thì không chỉ có chống tiêu cực mà phải xây dựng những chính sách, pháp luật để củng cố xã hội đó. Có thể, bạn chưa thấy nhiều những vụ việc cụ thể trên báo NĐBND, nhưng với góc nhìn của tôi, liều lượng dành cho nó đã đủ để cảnh báo về tác hại của nó, làm cho những người hoạch định chính sách hiểu rõ sự việc. 
      hnmtct - Nam 28 tuổi - Hà Nội:
      - Đội ngũ cộng tác viên địa phương chỉ là thành viên Hội đồng Nhân dân và thành viên đoàn ĐBQH của địa phương thì liệu thông tin có phải lúc nào cũng chân thực không?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Tôi phải nói rõ hơn, CTV của tôi là các chuyên viên, cán bộ đang công tác tại HĐND các tỉnh, huyện hoặc các chuyên viên của đoàn ĐBQH địa phương. Họ không phải là quan chức. Vì thế bạn có thể yên tâm phần nào.
      Nhưng nếu họ là quan chức, thì cũng không phải vì thế mà chúng ta thiếu đi sự chân thực. Tôi đã từng đối thoại với sinh viên báo chí Nebraska - Hoa Kỳ. Các sinh viên hỏi tôi: Khi nào những người làm báo được tự do nhất? Tôi trả lời: Khi mà họ phản ánh sự kiện một cách trung thực nhất, bản chất nhất và không định kiến. Trong trường hợp ấy, những người làm báo VN là những người hoàn toàn tự do. Dù CTV của anh là ai, nếu đảm bảo được 3 tiêu chuẩn như trên, thì chúng ta buộc lòng phải tin tưởng họ. 
      Nguyễn Hồng Nga - Nữ 30 tuổi - Hà Nội:
      - Thưa Tổng biên tập Hồ Anh Tài, vừa rồi báo NĐBND có đăng bài "Phút cuối cùng của thủ trưởng", có người nói rằng, người ta đã lợi dụng diễn đàn này vì những lý do trả thù cá nhân?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Tôi ngạc nhiên vì đã hơn 20 năm Đổi mới mà người ta còn trích dẫn một cách què quặt, suy diễn vô lối và quy chụp chính trị một cách vô lối. Tôi đã từng nói với một đồng nghiệp: Nếu cứ trích dẫn cắt xén, thì Mark cũng sai.
      Dẫn ra một ví dụ để thấy: người ta trích ra câu nói: "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân", và người ta cho rằng tôn giáo độc hại. Trong tổng thể của câu nói đó, Mark chỉ ra rằng, trong đêm trường trung cổ, con người bị đày đọa, thì tôn giáo có tác dụng làm giảm nỗi đau và nâng đỡ họ. Bạn có thấy ý kiến khác nhau không?
      Chỉ ra phút cuối cùng của người làm cán bộ cách mạng trước khi rời nhiệm sở còn đặt bút ký đề bạt những người "cùng cánh", những người là đồng hương của mình, còn ký vào các dự án... thì đó không phải là lợi dụng diễn đàn để trả thù cá nhân mà là chỉ ra một hiện tượng đang phổ biến tràn lan trong các cơ quan nhà nước. Điều này thực sự có hại cho công cuộc Đổi mới. Và hơn ai hết, những người làm tổ chức cán bộ phải cảm nhận được tác hại của nó. 
      Nguyễn Hồng Nga - Nữ 30 tuổi - Hà Nội:
      - Thưa ông, là tờ báo của QH mà sao lâu nay NĐBND đưa tin QH chẳng mấy sắc sảo, thua xa các báo khác?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Có thể đây là lỗi của chính tôi. Tuy nhiên, chúng ta cũng thấy rằng, mỗi người có một góc nhìn, một quan niệm khác nhau. Tôi ít khi đi vào những vụ việc cụ thể, mà thường đi vào những vấn đề lớn, liên quan đến hoạch định chính sách. Và bạn cũng cần phải thấy, đối tượng của tờ báo là ĐBQH, ĐB HĐND, và trong chừng mực nào đó, nó bao gồm cả bạn. Tôi không thể chiều theo sở thích của quá nhiều các đối tượng khác nhau. Tuy nhiên, tôi không bao giờ muốn mất bạn. Như vậy, tôi thấy nhiệm vụ trước mắt là cần có những bài báo về QH sắc sảo hơn. 
      Nguyễn Văn Chương - Nam 43 tuổi - Đà Nẵng:
      - Tôi nghe tên báo "Người đại biểu nhân dân" có vẻ hơi khô, nhưng dường như cũng có tham vọng hoài bão lớn. Đề nghị Tổng biên tập cho biết: Tôn chỉ mục đích của "Người đại biểu nhân dân" là gì?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Theo tôi, không có một tôn chỉ nào đứng ngoài việc làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Hoài bão của NĐBND cũng không thể khác với hoài bão của nhân dân. Và đương nhiên, nó là hoài bão của ĐBQH và ĐB HĐND. 
      Bản thân tôi cũng có lúc nghĩ rằng tên báo hơi khô khan, nhưng khi bắt tay vào làm việc thì chưa bao giờ chúng tôi đi hết được trách nhiệm với những dòng chữ khô khan đó. Vậy thì phải nhìn nhận thấy, ở đây, có một cái gì đó cao xa hơn những con chữ khô khan kia. 
      Hoàng Mai Hương - Nữ 34 tuổi - Hải Phòng:
      - Theo ông, sự thay đổi lớn nhất trong xu thế truyền thông vài ba năm trở lại đây là gì?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Cạnh tranh. Đối thoại. Hợp tác. Nhanh. Hiện đại. Đa phương tiện. 
      Đồng Quang Quân - Nam 25 tuổi - Nam Định:
      - Thưa ông! Ông có khi nào thấy nản khi mà những cố gắng của ông chưa thực sự được nhìn nhận đúng mực?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Tôi xuất thân là một người lính. Người lính không được phép lùi bước khi mình tin về những điều đang làm là đúng. 
      Có thể ở một góc độ nào đó, người chỉ huy chưa thực sự đánh giá đúng về phẩm chất của người lính, thì hãy tin rằng, nhân dân đang đứng đằng sau người lính đó. 
      Ngô Bá Dũng - Nam 51 tuổi - Phòng GD-ĐT quận Hải Châu:
      - Một tờ báo mà cộng tác viên hầu hết là đại biểu Quốc hội và ít phóng viên chuyên nghiệp, không có cơ quan thường trú. Có phải là ưu điểm?
      Tổng biên tập Hồ Anh Tài: Tôi xin cải chính. CTV của Báo NĐBND không phải hầu hết là ĐBQH và không hề ít phóng viên chuyên nghiệp, chỉ không có cơ quan thường trú ở các địa phương. Tôi không đặt vấn đề là ưu điểm. Văn hào Lỗ Tấn nói: "Trên mặt đất vốn không có đường đi, đường đi do con người dẫm đạp mà thành". NĐBND đang làm như thế.
      Thời gian có hạn. Tôi không thể trả lời hết tất cả các câu hỏi của độc giả VietNamNet gửi về. Tôi muốn chia tay các bạn với tình cảm trìu mến nhất. Xin cảm ơn VietNamNet đã dành cho tôi cơ hội gặp các bạn.

Tuần Việt Nam thực hiện