Chương trình được tổ chức vào ngày cuối tuần tại Hoàng thành Thăng Long, thu hút gần 200 đại biểu gồm các sinh viên, giảng viên đến từ 13 trường đại học thuộc nhiều lĩnh vực trên địa bàn Hà Nội cùng các lãnh đạo UNESCO, đại diện các Bộ Ngoại giao, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tập đoàn SOVICO...
Với trọng tâm ưu tiên hướng đến thanh niên, sự kiện đã tạo một diễn đàn cởi mở để những người đang trực tiếp triển khai các chương trình phát triển trong ba lĩnh vực của UNESCO là: Giáo dục, Khoa học và Văn hóa. Tại đây, các đại biểu và khách mời đã chia sẻ và đối thoại với thế hệ trẻ về các ưu tiên và khuôn khổ của UNESCO cho phát triển toàn diện tại Việt Nam cho đến nay; sự tham gia của thanh niên trong các chương trình mới, ưu tiên mới.
Những chia sẻ, câu hỏi từ sinh viên cho thấy các bạn quan tâm sâu sắc đến các vấn đề xã hội, kinh tế, giáo dục, môi trường và vai trò của UNESCO trong quá trình hỗ trợ Việt Nam. Chính các sinh viên đã thể hiện vai trò mình là công dân toàn cầu, sẵn sàng cùng UNESCO đóng góp tích cực vào việc tìm kiếm giải pháp cho các thách thức, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho Việt Nam và thế giới.
Ông Firmin Edouard Matoko, Trợ lý Tổng Giám đốc phụ trách Đối ngoại và các vấn đề Châu Phi chia sẻ: “Quả thực, cả Việt Nam và UNESCO đều thừa nhận vai trò thiết yếu của thanh niên trong việc đương đầu với những thách thức cấp bách nhất của thế giới và Việt Nam. Trong 25 năm qua, UNESCO đã thực hiện nhiều dự án có ý nghĩa với thanh niên Việt Nam trong tất cả các lĩnh vực chuyên môn của mình: Thanh niên thúc đẩy đổi mới và sáng tạo, đảm bảo phụ nữ và trẻ em các dân tộc thiểu số được tiếp cận giáo dục, hoặc khuyến khích các ý tưởng sáng tạo của người trẻ trong chống biến đổi khí hậu và đương đầu với những thách thức môi trường.”
Tại buổi đối thoại, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có một phần tương tác rất thú vị và tràn đầy cảm hứng với các bạn sinh viên. Thứ trưởng Hà Kim Ngọc khuyến khích các bạn thanh niên hãy nuôi dưỡng ước mơ, niềm tin và quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực, hướng tới một tương lai đóng góp cho sự phát triển bền vững của đất nước và xa hơn nữa đó là trở thành những nhà lãnh đạo của tổ chức UNESCO.
Cũng nhân dịp này, Ban Tổ chức đã tổ chức Lễ trao tặng tài trợ nhỏ cho các dự án văn hóa từ Chương trình thí điểm: Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) của Tập đoàn SOVICO do Văn phòng UNESCO tại Hà Nội hỗ trợ xây dựng chiến lược và tư vấn kỹ thuật. Ba phần tài trợ trị giá 5.000 USD; 10.000 USD và 20.000 USD đã được trao cho ba dự án xuất sắc gồm: Sáng kiến hướng tới mục tiêu biến vùng làng nghề làm gạch và ngói thủ công “Vương quốc đỏ Măng Thít” có nguy cơ bị xóa sổ thành một di sản đương đại, một thành phố xanh và sáng tạo, tích hợp với chiến lược phát triển bền vững của tỉnh Vĩnh Long và của đất nước do nhóm chuyên gia đa ngành đề xuất. Dự án “Việt Nam Phiêu Lưu Ký - miền Tây Nam Bộ” - đây là một dự án sách tranh độc đáo, nhằm khám phá và giới thiệu đến độc giả những giá trị văn hóa, phong tục tập quán và vẻ đẹp thiên nhiên của miền Tây Nam Bộ Việt Nam do nhóm Du Bút Books đề xuất. Dự án nghiên cứu với mục tiêu khảo sát, nghiên cứu sâu nhằm chọn lọc những giá trị cốt lõi, tinh hoa và đặc trưng nhất của các sản phẩm từ nghề điêu khắc gỗ dân gian dân tộc Jrai tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai do anh Nông Bằng Nguyên, Viện Dân tộc học đề xuất.