Đối thoại hòa bình Ấn Độ - Pakistan: Lạc quan thận trọng

Ngọc Nhàn 26/09/2012 08:37

Trung tuần tháng 9, Ấn Độ và Pakistan ký một hiệp định đáng chú ý nới lỏng quy định về thị thực nhập cảnh, tạo điều kiện cho công dân hai nước đi lại qua biên giới thuận lợi hơn, nhất là giới kinh doanh. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy giao lưu kinh tế đã trở thành động lực thúc đẩy cuộc đối thoại hòa bình mà hai nước khởi xướng vào năm ngoái.

Động thái này diễn ra gần một tháng sau quyết định của New Delhi cho phép đầu tư trực tiếp từ Pakistan. Chính phủ hai nước đã chấp thuận để ngân hàng nước này mở chi nhánh ở nước kia. Islamabad cam kết trao quy chế tối huệ quốc cho Ấn Độ vào cuối năm nay. Trước đó, đã có cuộc gặp giữa Thủ tướng Manmohan Singh và tổng thống Asif Ali Zardari hồi đầu năm trong chuyến thăm lần đầu tiên của người đứng đầu nhà nước Pakistan đến New Delhi trong bảy năm qua, hay cuộc đối thoại không chính thức nhiều ý nghĩa giữa các tướng lĩnh cao cấp về hưu về các biện pháp xây dựng lòng tin.

Trong lúc tình hình Afghanistan u ám, việc Pakistan và Ấn Độ giảm căng thẳng là điểm sáng hiếm hoi trên bản đồ chính trị Nam Á. Làn gió lạc quan đã làm dịu bớt sự kình địch giữa hai quốc gia từng là anh em với nhau, hứa hẹn sẽ tạo ra một mối quan hệ bình thường và hợp tác hơn trong khu vực. Một số nhà phân tích cho rằng, chính phủ hai nước đang tận dụng thời điểm thuận lợi hiện tại để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ dai dẳng ở cao nguyên băng Siachen, hay vùng Sir Creek trên biên giới giữa bang Gujarat của Ấn Độ và tỉnh Sindh của Pakistan, thậm chí là một giải pháp cho tranh chấp khu vực Kashmir.

Phải thừa nhận tiến trình phá băng giữa hai nước đã diễn ra rất nhanh và không ai hình dung nổi cách đây một năm, do tác động của nhiều nhân tố hợp lại. Thủ tướng Singh và Tổng thống Zardari xứng đáng được nhận những lời khen về nỗ lực nhạy cảm và khéo léo trong suốt năm 2011 để cải thiện quan hệ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Đáng nói hơn, thủ tướng Ấn Độ đã vượt qua trở ngại ngay trong nội bộ chính phủ.

Phía Pakistan, hầu hết các đảng chính nhận thấy lợi ích trong việc hợp tác kinh tế với Ấn Độ. Ông Zardari từng có lúc bị đảng đối lập lớn nhất, Liên đoàn Hồi giáo Pakistan (PML), cáo buộc quá mềm yếu với Ấn Độ. Hiện nay, các nhà công nghiệp ở bang Punjabi hậu thuẫn họ quay sang để ý đến thị trường láng giềng rộng lớn, do vậy PML thay đổi quan điểm. Một bài xã luận trên tờ báo tiếng Anh The News International  (Tin tức Quốc tế) lớn nhất Pakistan nhận định: “Ấn Độ là cơ hội nhiều hơn là mối đe dọa và cả hai chúng ta đều có thể giàu có hơn”, nếu hợp tác cùng nhau. Trong quân đội, Tư lệnh lục quân Pakistan, tướng Parvez Kayani đầy quyền lực và có quan điểm cứng rắn với New Delhi, mới đây đã nhắc đến sự cần thiết của việc “chung sống hòa bình” với Ấn Độ và thừa nhận “không thể chỉ chi tiêu cho quân sự mà bỏ qua phát triển”. Một báo cáo của quân đội nhận định phải ổn định biên giới để đầu tư nguồn lực xử lý các mối đe dọa an ninh trong nước.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là xu thế hòa hoãn sẽ kéo dài bao lâu? Lạc quan thường không lâu trong các vấn đề an ninh Nam Á và biên niên sử quan hệ Pakistan - Ấn Độ đầy ắp những sự kiện khiến người ta tràn trề hy vọng nhưng rồi chết yểu. Tháng 7.2004, hai nước đã cố gắng thiết lập kênh đối thoại để tiến tới một thỏa thuận tháo ngòi nổ vấn đề Kashmir, nhưng thất bại do khó khăn chính trị của cựu Tổng thống Pervez Musharraf ở trong nước và sau đó là tác động của vụ khủng bố Mumbai, tháng 11.2008.

Nhiều lý do khiến thời kỳ hòa hoãn này có thể gặp phải kết cục tương tự. Ấn Độ hiện chỉ muốn cải thiện quan hệ thương mại, trong khi Pakistan muốn nhanh chóng có tiến bộ trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Thói quen ít chịu nhượng bộ của New Delhi trong các vấn đề liên quan đến lãnh thổ có thể làm nản lòng những người ủng hộ giải pháp hòa bình tại Islamabad và củng cố nhóm chủ trương cứng rắn. Cũng cần phải nhắc đến cuộc cạnh tranh giữa hai nước tại đấu trường chiến lược Afghanistan trong bối cảnh Mỹ và NATO chuẩn bị rút quân. Gần đây Washington công khai chấm dứt chiều ý Pakistan, quay sang cổ vũ Ấn Độ tăng cường hiện diện ở Afghanistan.

Chính trường Pakistan sẽ có nhiều biến động vào năm tới, bắt đầu bằng cuộc bầu cử quốc hội được dự báo sẽ rất phức tạp và tiếp tục với hàng loạt thay đổi lãnh đạo. Nhiệm kỳ của Tổng thống Zardari sẽ kết thúc tháng chín tới. Nếu đảng Nhân dân của ông thất bại trong cuộc bầu cử quốc hội, Islamabad sẽ phải mất ít nhất sáu tháng để chỉ định người kế nhiệm. Nhiệm kỳ của tướng Kayani chấm dứt vào tháng 11. Do mối quan hệ phức tạp chính trị - quân sự, việc nhân vật có nhiều quyền lực này tiếp tục tại vị hay không còn là một ẩn số. Tương tự, chánh án Tòa án tối cao, Iftikhar Chaudhry, đối thủ của Tổng thống Zardani, sẽ rời chức vụ vào tháng 12.

Khó có thể hình dung bộ ba vốn mâu thuẫn với nhau này sẽ lặng lẽ rời vị trí và biến động nội bộ sẽ buộc các nhà lãnh đạo giảm chú ý vào quan hệ với Ấn Độ. Giai đoạn tan băng mới đạt được gần đây mở ra nhiều hy vọng, nhưng có thể nó sẽ đến giới hạn vào năm tới.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đối thoại hòa bình Ấn Độ - Pakistan: Lạc quan thận trọng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO