Đổi thay qua từng trang sách

- Thứ Sáu, 01/10/2021, 06:33 - Chia sẻ
Là giáo viên dạy văn Trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội, cô Bùi Hiền hằng ngày chứng kiến nhiều cô cậu học trò ngại ngần trong giao tiếp, vụng về khi lần giở những trang sách… Vì vậy, cô Hiền mong muốn “được làm điều gì đó để đổi thay”. Và mong ước đó đã thành hiện thực khi thư viện, tủ sách có mặt ở hầu hết lớp học.

Từ tủ sách lớp học...

Tủ sách lớp 8A7 Trường THCS Nghĩa Tân do cô Bùi Hiền bắt đầu xây dựng khi lứa học sinh cô chủ nhiệm bước vào lớp 6. Để xây dựng tủ sách, cô Hiền tự tìm hiểu mô hình tủ sách, thư viện của các trường, trao đổi với bạn bè yêu sách, các chuyên gia về thư viện để được tư vấn, học hỏi. Sau một thời gian nghiên cứu, cô Hiền kêu gọi các tổ chức, đồng nghiệp, phụ huynh, bạn bè, cựu học sinh ủng hộ, quyên góp.

Để tủ sách lớp học phát huy hiệu quả, cô Hiền tổ chức các giờ học, thi tìm và giới thiệu sách hay, gồm sách giấy, sách nói, các kênh đọc sách... Trong các tiết sinh hoạt lớp, cô truyền cảm hứng cho học trò bằng những buổi giới thiệu nhân vật tiêu biểu của Việt Nam và thế giới cùng có niềm đam mê đọc sách.

“Tôi thực sự ngạc nhiên vì sự thay đổi của một cậu học trò sau khi được tiếp cận sách thường xuyên. Khoảng thời gian học giãn cách, do vẫn giữ thói quen đọc sách, con đã biết thêm nhiều cuốn sách hay. Vui hơn nữa, con đã bỏ được tật nói lắp, tự tin quay clip dự thi Cuốn sách tôi yêu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Đây là động lực tiếp thêm sức mạnh cho tôi trong các hoạt động về sách thời gian tới”, cô Hiền nói.

Không chỉ vận động xây dựng tủ sách lớp học, mang cơ hội đọc sách cho học sinh trong trường, cô Hiền còn kêu gọi ủng hộ, xây dựng tủ sách thư viện một số trường khu vực nông thôn, miền núi gồm 2 ngôi trường tại Nho Quan, Ninh Bình, là Trường THCS Sơn Thành, Trường THCS Phú Lộc, và Trường  Tiểu học và THCS Sơn Bình, Tam Đường, Lai Châu; lên kế hoạch vận động tủ sách cho các trường tại Ba Vì (Hà Nội) và Hà Giang...

Cô Hiền chia sẻ, bản thân là người yêu sách, đọc sách, nghĩ đến sách thường nhật và cố gắng để ngày càng nhiều học sinh được đọc sách. Sau các giờ lên lớp, cô lại miệt mài, chăm chút cho tủ sách lớp học và thư viện trường. Không ngại trao đổi kinh nghiệm, cô góp ý hướng dẫn cách đọc sách, lựa chọn sách, từ đó tìm hướng phát triển tủ sách lớp học và thư viện trường.

Thư viện Tô Hoài tại Trường THCS Nghĩa Tân, Hà Nội

... đến Thư viện Tô Hoài

Thư viện Trường THCS Nghĩa Tân và tủ sách lớp học của cô Hiền cùng các giáo viên chủ nhiệm tâm huyết khác phát triển hơn khi được gia đình nhà văn Tô Hoài và NXB Kim Đồng hỗ trợ từ năm 2018. Với ý nghĩa khuyến khích hoạt động đọc sách nhằm nâng cao chất lượng dạy và học trong nhà trường, Thư viện Tô Hoài ra đời với phòng đọc hơn 400m2 dành cho học sinh và hơn 300m2 cho giáo viên. Sách của nhà văn Tô Hoài và các loại sách phục vụ hoạt động giáo dục được chia làm hai gian thiết kế khoa học, đẹp mắt.

Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân Nguyễn Mỹ Hảo cho biết, sau khi xây dựng Thư viện Tô Hoài, trường đã phát động phong trào đọc sách với khẩu hiệu “Sách kiến tạo tương lai”. Vào những học kỳ trước, trường sắp xếp 1 tiết thư viện/tuần cho học sinh lớp 6. Các khối lớp khác được tạo điều kiện đọc sách tại thư viện vào giờ nghỉ và mượn sách mang về.

Từ khi bắt đầu học online, hàng tuần thư viện đều giới thiệu sách mới thông qua website, Facebook nhà trường. Các cuộc thi “Review cuốn sách em yêu thích” được tổ chức thường xuyên nhằm tạo cơ hội cho học sinh bình luận, phân tích những tác phẩm hay, nội dung ý nghĩa. Qua đó, hướng các em tiếp cận tri thức hiệu quả, rèn luyện kỹ năng tự học theo xu hướng giáo dục phát triển năng lực học sinh.

Hàng năm, Trường THCS Nghĩa Tân đầu tư kinh phí bổ sung nguồn sách cho Thư viện Tô Hoài để duy trì và phát triển phong trào đọc sách. Đầu năm, các tổ chuyên môn đăng ký sách, tài liệu tham khảo theo đặc thù môn học. Phụ trách thư viện có kế hoạch bổ sung sách, truyện phù hợp lứa tuổi; đa dạng hoạt động đọc, viết, vẽ, kể chuyện theo sách… Trên trang web của trường, mục “Hoạt động thư viện” được phụ trách thư viện và giáo viên các lớp thường xuyên đăng nội dung giới thiệu sách, kế hoạch triển khai đẩy mạnh văn hóa đọc trong học kỳ và năm học.

Theo cô Nguyễn Minh Trang, phụ trách thư viện Trường THCS Nghĩa Tân, năm học 2021 - 2022, cùng với thư viện trường, hơn một nửa trong số 59 lớp đều xây dựng tủ sách. Mỗi tủ sách có trung bình 30 - 60 cuốn, đa dạng về thể loại, từ sách tham khảo tới sách khoa học, lịch sử, kỹ năng sống, văn học, ngoại ngữ... Tùy theo từng khối và lớp học bố trí các loại sách sao cho học sinh dễ tiếp cận loại sách mình cần và yêu thích. Ở các lớp đều phân công tổ quản lý, sổ ghi chép về mã số sách, sổ đăng ký mượn sách, nội quy tủ sách…

Nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà đánh giá cao mô hình phát triển văn hóa đọc tại Trường THCS Nghĩa Tân. Bà cho rằng, thành công lớn nhất của mô hình này là kết hợp hài hòa giữa chỉ đạo của Ban giám hiệu nhà trường về vai trò của việc đọc với đổi mới giáo dục và sự chung tay của cộng đồng, sự đồng lòng của giáo viên, học sinh, sự ủng hộ từ phụ huynh. “Trường có đội ngũ giáo viên, nhân viên thư viện tâm huyết với công việc; sáng tạo những hình thức sinh hoạt khác nhau giúp cuốn hút học sinh vào việc đọc, chia sẻ giá trị của sách. Nếu mô hình này được nhân rộng, tôi tin văn hóa đọc trong các nhà trường sẽ ngày càng lan tỏa và phát triển bền vững”.

Hương Sen