Đổi thay ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc, tỉnh Hòa Bình là địa bàn cư trú lâu đời của nhiều dân tộc; trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 74,31%. Những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, nhất là vùng sâu, vùng ĐBKK. Nhờ vậy, đã làm thay đổi cơ bản diện mạo nông thôn miền núi, góp phần nâng cao đời sống cho người dân.
Ưu tiên nguồn lực
Trước đây, Tiến Lâm từng là xóm thuộc diện khó khăn của xã Bắc Phong (huyện Cao Phong). Nhờ các chính sách hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước, kết cấu hạ tầng nông thôn của xã đã cơ bản hoàn thiện. Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn cây sai trĩu quả, ruộng ngô xanh bạt ngàn, Trưởng xóm Triệu Tiến Nghiêm vui vẻ cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của địa phương, người dân trong xóm đã cải tạo, chuyển đổi khoảng 30ha diện tích kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng cho giá trị cao để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ vậy, từ một xóm nghèo đói, lạc hậu, đến nay, thu nhập bình quân đầu người toàn xã đã đạt 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 23%.

Cũng như Tiến Lâm, các thôn, xóm vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh Hòa Bình những năm qua đã được quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Bên cạnh đó, tỉnh Hòa Bình cũng chú trọng, quan tâm đến các hộ dân vùng đồng bào DTTS bị ảnh hưởng bởi thiên tai; tập trung nguồn kinh phí xây dựng khu tái định cư, nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất cho người dân.
Tại huyện Đà Bắc - địa bàn thường xuyên phải đối mặt với thiên tai, việc bảo đảm an toàn, ổn định đời sống cho người dân là nhiệm vụ được chính quyền địa phương đặt lên hàng đâu. Trong 2 năm 2018 - 2019, huyện đã được đầu tư 11 công trình, dự án tập trung chủ yếu vào sửa chữa, nâng cấp đường nội thôn, đường xóm, làm ống dẫn nước tưới tiêu, tập trung tại các xã: Đồng Ruộng, Mường Chiềng, Đồng Chum, Suối Nánh, Tân Minh, Vầy Nưa... Các công trình khi đi vào hoạt động đã giúp cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống của người dân.
Ông Lý Quang Hoàng (xóm Lau Bai, xã Vầy Nưa, Đà Bắc) chia sẻ: “Sau trận lũ lịch sử năm 2017, con đường trục chính dẫn vào trung tâm xóm bị tê liệt hoàn toàn. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, tuyến đường đã được cải tạo, xây dựng lại, giúp giao thông đi lại thuận tiện, việc giao thương hàng hóa của người dân cũng dễ dàng hơn. "Đáng ghi nhận hơn cả là ngay khi biết Nhà nước chuẩn bị đầu tư con đường mới, nhiều hộ dân trong xóm đã chủ động hiến đất, đóng góp ngày công lao động để con đường sớm hoàn thành", ông Hoàng nói.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình Đinh Thị Thảo chia sẻ: Tỉnh luôn xác định, ưu tiên đầu tư các nguồn lực, nâng cao đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Hàng năm, bên cạnh, chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng, tỉnh còn ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề mở rộng việc làm thay thế lao động nông nghiệp cho con em người DTTS có thu nhập cao hơn. Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, Hòa Bình đã hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và khuyến khích người dân chủ động vay vốn từ Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã có 800 hộ DTTS nghèo, hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn ĐBKK được hỗ trợ với kinh phí 1,2 tỷ đồng. Tỉnh cũng triển khai đầu tư xây dựng nhiều công trình tại các điểm định canh định cư tập trung, với tổng nguồn vốn hơn 17 tỷ đồng…
Từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc
Với việc triển khai hiệu quả các nguồn lực trên, giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh Hòa Bình giảm 3,16%/năm. Trong đó, các huyện 30a và các xã thuộc chương trình 135 giảm trên 4%. Thu nhập bình quân các hộ gia đình tăng 20% trở lên, bình quân mỗi năm có 15% số hộ được hỗ trợ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo đối với con em đồng bào người DTTS được chú trọng đầu tư đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả. Tuy nhiên, do đồng bào DTTS thường ở các khu vực vùng sâu, vùng núi cao có địa hình chia cắt phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại khó khăn nên công tác giảm nghèo vẫn chưa đạt hiệu quả cao như mong đợi. Hơn nữa, công tác tuyên truyền cũng còn gặp nhiều khó khăn; việc triển khai các chủ trương, chính sách dân tộc chưa kịp thời. Trong khi đó, nguồn ngân sách cấp cho các chương trình, dự án còn chậm đã ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Khắc phục những khó khăn trên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Thị Thảo cho biết: Cụ thể hóa các chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước về công tác dân tộc, những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân tộc trong tình hình mới. Theo rà soát năm 2013, toàn tỉnh có 36 thôn, bản thuộc diện khó khăn nhất, thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 4,5 triệu đồng/người/năm, bằng 25 - 30% mức thu nhập bình quân chung của tỉnh. Trước tình hình đó, ngày 20.1.2014, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 73 phê duyệt Đề án đầu tư, hỗ trợ 36 thôn, bản ĐBKK nhất tỉnh. Trong đó, chú trọng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất để cải thiện chất lượng đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBKK.
Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đinh Thị Thảo khẳng định: Thời gian tới, Ban sẽ tích cực tham mưu UBND tỉnh huy động các nguồn lực; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bào DTTS, miền núi để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội; giảm tỷ lệ hộ nghèo nhanh, bền vững. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển toàn diện về kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt các chính sách dân tộc. "Trọng tâm là ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc, vùng sâu, xa, vùng ĐBKK; tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là đường giao thông, khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng vùng đi đôi với bảo vệ bền vững môi trường sinh thái. Qua đó, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu từng bước rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, các dân tộc”, bà Thảo cho biết thêm.