Nguy cơ hiện hữu
Nghiên cứu cho thấy trẻ em có nguy cơ bị bóc lột và xâm hại tình dục qua mạng ở Việt Nam. 23% trẻ độ tuổi 12-17 sử dụng Internet tham gia khảo sát cho biết các em đã vô tình nhìn thấy hình ảnh hoặc video nhạy cảm trên mạng trong năm qua (12 tháng trước cuộc khảo sát).
Ngoài ra, 5% từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn. Đáng nói, có 8% trẻ em độ tuổi 12-17 sử dụng Internet đã từng nhận được bình luận khiếm nhã về bản thân khiến các em không thoải mái trong năm qua (12 tháng trước khảo sát). 43% không nói với ai rằng việc này đã xảy ra, chủ yếu vì trẻ cho rằng sẽ chẳng giải quyết được việc gì/chẳng làm được gì nếu các em kể lại vụ việc đó; 5% trẻ từng nhận được hình ảnh nhạy cảm không mong muốn.
Và gần 1/2 trong số này đã không kể với ai vì không biết phải kể với ai; 2% trẻ đã được yêu cầu nói chuyện về tình dục khi trẻ không muốn. Khoảng một nửa trong số này đã nhận được những yêu cầu không mong muốn về tình dục này trên mạng và hầu hết những trẻ này đã không nói với ai về điều đó. Trẻ không nói cho ai biết điều đó đã xảy ra vì trẻ không nghĩ rằng vụ việc đó đủ nghiêm trọng, hoặc nghĩ rằng trẻ có thể sẽ gặp rắc rối. Chỉ 36% trẻ tham gia khảo sát đã được dạy về vai trò quan trọng của việc giữ an toàn trên mạng, điều này nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cao nhận thức và hiểu biết về vấn đề này ở trong nước.
Sự chung tay
Liên quan đến vấn đề này, tháng 6.2021, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia đầu tiên về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho giai đoạn 2021- 2025. Mục đích của chương trình là bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực, bóc lột và xâm hại trên Internet và hỗ trợ các tương tác trực tuyến an toàn, lành mạnh. Thông qua chương trình, chính phủ cam kết xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách, thông lệ và sản phẩm để giúp trẻ em khai thác các cơ hội trên không gian số và bảo vệ các em khỏi bị tổn hại.
Rõ ràng, vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ. Tại Chương trình này, Chính phủ cũng đã giao đầu việc cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, cũng như sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế.
Từ Chương trình có thể thấy vai trò của Bộ Thông tin và Truyền thông hết sức quan trọng. Trước hết, thông qua Mạng lưới đa cơ quan và liên ngành về ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng – chủ trì việc triển khai Chương trình quốc gia về Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; lồng ghép các nỗ lực giải quyết bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em qua mạng vào các cơ cấu và chương trình nhằm đồng thời giải quyết các hình thức khác của bóc lột và xâm hại trẻ em.
Bên cạnh sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành liên quan thì người chăm sóc, giáo viên và những người làm việc với trẻ em cần hiểu đầy đủ mức độ rủi ro của việc chia sẻ nội dung nhạy cảm, cũng như cách góp phần giảm thiểu tổn hại nhằm hạn chế những hậu quả có thể xảy ra. Muốn vậy họ phải được cung cấp, cập nhật thông tin, trang bị kiến thức liên quan. Một nhân tố khác cũng rất quan trọng đó là sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trong việc ngăn chặn nội dung nhạy cảm xuất hiện trước trẻ em, triển khai cơ chế trình báo chính thức trong các nền tảng chat và mạng xã hội một cách rõ ràng, dễ tiếp cận với trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý. Hiện nay, một số tổ chức, doanh nghiệp như Viettel, FPT, VNPT, Facebook, Microsoft, TikTok... đã có những giải pháp kỹ thuật để tăng cường bảo vệ trẻ em cũng như tham gia vào mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Về phía các em khi tham gia vào không gian mạng cần được dạy kỹ năng, kinh nghiệm phòng ngừa như không đăng tải bất kỳ thông tin riêng tư, hình ảnh tự sướng hở hang hoặc những bài viết không phù hợp lên mạng xã hội. Bởi, phần lớn các em thể hiện mình có một số kiến thức về kỹ năng đảm bảo an toàn trên mạng như, biết cách báo cáo nội dung độc hại trên mạng xã hội, tuy nhiên chỉ có 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng. Mặc dù 77% người chăm sóc có sử dụng Internet hàng ngày, chỉ có 25% khuyến khích trẻ em khám phá và học tập qua Internet, và thậm chí số người gợi ý những cách sử dụng Internet an toàn hay cùng tham gia hoạt động với trẻ em trên mạng còn ít hơn.
Ngày 18.6.2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó có quy định về việc vận động người thân trong gia đình bạn bè, những người xung quanh tham gia giáo dục, bảo vệ trẻ em, trẻ em vị thành niên sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, lành mạnh.