Phát biểu tại tọa đàm, ông Ân Đặng, chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông, cho biết, quảng cáo không chỉ phản ánh sản phẩm để người tiêu dùng mua mà còn phản ánh những tình huống hằng ngày mà người tiêu dùng sử dụng chúng.
Điều này có nghĩa là những nhà làm quảng cáo sẽ khai thác Insight (sự thật ngầm hiểu) từ phía khách hàng của mình để biết khách hàng thực sự mong muốn gì đối với sản phẩm, dịch vụ của họ.
Phụ nữ trong các thông điệp quảng cáo thường gắn chặt với vai trò bếp núc, chăm con, giặt giũ. Hầu như không thấy có quảng cáo nào sử dụng một vai nam đi thay tã cho trẻ con hoặc rửa chén, lau nhà. Những hình ảnh định kiến ấy vô tình hay hữu ý tác động vào quan niệm, suy nghĩ, nhận thức của cộng đồng, đi ngược lại với nỗ lực xây dựng xã hội nam nữ bình đẳng.
Ngày nay AI là công cụ không thể thiếu trong ngành truyền thông, tự động hóa quảng cáo, phân tích dữ liệu và tương tác khách hàng,...
Tuy nhiên, số liệu thống kê cho thấy chỉ 32% nữ giới đóng góp dữ liệu cho AI, dẫn đến dữ liệu đầu vào cho AI có sự thiên kiến theo suy nghĩ của nam giới nhiều hơn nên vấn đề định kiến giới vẫn xảy ra khi ứng dụng AI.
Chia sẻ về vấn đề này, theo TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng, để ứng dụng AI vào truyền thông, quảng cáo hiệu quả về mặt kinh doanh, đồng thời góp phần xóa bỏ định kiến giới thì cần nâng cao kiến thức về bình đẳng giới cho người cung cấp dữ liệu cho AI hoặc tạo ra một công cụ, công nghệ nào đó có thể lọc được các dữ liệu mang tính định kiến giới ra khỏi AI để các sản phẩm mà AI tạo ra không mang nội dung định kiến giới.
Tại tọa đàm, các chuyên gia đã chia sẻ một số sáng kiến điển hình đã có trong sử dụng AI để tạo ra các sản phẩm nhạy cảm giới và đáp ứng giới; Tính ứng dụng trên thực tế, các thách thức gặp phải…
Tọa đàm là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ thông qua Tổ chức Oxfam Vietnam, được RED triển khai trong 4 năm từ tháng 4.2020 đến tháng 3.2024 tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam thông qua tăng cường sự tham gia của thanh niên trong việc thay đổi các định kiến giới.