Từ ngày 1.7, tăng 30% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức

- Thứ Năm, 20/06/2024, 23:38 - Chia sẻ

Chiều 20.6, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức họp báo cung cấp thông tin định kỳ và gặp mặt các phóng viên, biên tập viên nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì.

Cùng dự buổi họp báo có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long; Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị trực thuộc và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.

Tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng

Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết hiện vấn đề mong đợi nhất của xã hội hiện nay từ ngày 1.7 cải cách tiền lương như thế nào. Sáng qua 19.6, Bộ Chính trị họp đã thống nhất sẽ tăng lương cơ sở đồng đều cho tất cả cán bộ, công chức từ 1.800.000 đồng lên 2.340.000 đồng từ ngày 1.7.

Từ ngày 1.7, tăng 30% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức -0
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu tại cuộc họp báo

“Cải cách chính sách tiền lương là vấn đề hệ trọng, lớn, rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến hàng chục triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động... của khu vực công và trên 50 triệu đối tượng hưởng cơ chế, chính sách gắn với lương cơ sở. Vì vậy, khi thực hiện phải bảo đảm thận trọng, chắc chắn, kỹ lưỡng, đồng bộ, cụ thể, rõ đến đâu làm đến đó, không nóng vội. Nếu nóng vội sẽ rất nguy hiểm vì liên quan đến đời sống trong khu vực công, khu vực doanh nghiệp, các đối tượng liên quan phụ cấp, trợ cấp gắn với lương cơ sở”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, tính từ tháng 12.2023, vấn đề cải cách chính sách tiền lương đã có 21 cuộc họp để bàn và cân nhắc thận trọng. Nguyên tắc đầu tiên là bảo đảm sự hài hòa tương quan giữa các đối tượng, công bằng bình đẳng giữa các cơ quan đối tượng. Làm từng bước theo lộ trình, không nôn nóng, thận trọng, báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện.

“Khi nói đến cải cách tiền lương thì phải tăng lương. Nếu cải cách mà không tăng lương thì không ý nghĩa nữa. Do đó phải bám sát theo Nghị quyết 27 của Trung ương Khóa 12 về cải cách chính sách tiền lương theo "lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nói.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27 đã rõ, đủ điều kiện thực hiện. Còn 2/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công chưa thực hiện gồm: các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương) và cơ cấu lại, sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới.

“Đây là những nội dung có phát sinh nhiều bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện từng bước, thận trọng. Những vấn đề này phải rà soát trình cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ các quy định liên quan đến mức lương cơ sở”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho hay.

Từ ngày 1.7, tăng 30% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức -0
Toàn cảnh buổi họp báo 

Cũng theo Bộ trưởng Trà, Chính phủ đề xuất trong thời gian chưa đủ điều kiện bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương cho thực hiện giải pháp tăng lương khu vực công từ ngày 1.7 với ba nội dung.

Một là, thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ ngày 1.7 (chưa bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay). Theo tính toán của Bộ Tài chính, khi thực hiện đủ các nội dung cải cách tiền lương khu vực công theo Nghị quyết số 27, mức tăng tổng quỹ lương (không bao gồm tiền thưởng) của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang là 30%. Căn cứ cơ sở đó, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%) .

Hai là, trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện 9 loại phụ cấp mới, tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành. Đồng thời, giao Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành (đặc biệt là phụ cấp theo nghề) mà trong quá trình thực hiện có phát sinh bất hợp lý.

Ba là, thực hiện tiền lương và thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị hành chính nhà nước hiện đang được áp dụng cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát lại toàn bộ khung khổ pháp lý để trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định việc sửa đổi hoặc bãi bỏ cơ chế tài chính và thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp.

Trong thời gian chưa sửa đổi hoặc bãi bỏ, từ ngày 1.7, mức tiền lương và thu nhập tăng thêm hàng tháng tính theo mức lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng theo cơ chế đặc thù bảo đảm không vượt quá mức tiền lương và thu nhập tăng thêm được hưởng tháng 6.2024 (không bao gồm phần tiền lương và thu nhập tăng thêm do điều chỉnh hệ số tiền lương ngạch, bậc khi nâng ngạch, nâng bậc). Trường hợp tính theo nguyên tắc trên, nếu mức tiền lương và thu nhập tăng thêm từ ngày 1.7 theo cơ chế đặc thù thấp hơn mức tiền lương theo quy định chung thì thực hiện chế độ tiền lương theo quy định chung.

"Mức tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng hiện nay lên 2,34 triệu đồng/tháng (30%) là mức tăng cao nhất từ trước đến nay trong lịch sử tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, góp phần cải thiện đời sống người hưởng lương và các đối tượng hưởng chế độ phụ cấp, trợ cấp và các chính sách hỗ trợ gắn với mức lương cơ sở", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh.

Tăng 15% mức lương hưu, tăng 6% lương tối thiểu vùng

Liên quan đến khu vực doanh nghiệp, lương tối thiểu vùng, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, từ 1.7 sẽ tăng 6% so với năm 2023. Sau khi tăng, bình quân 4 vùng là 4,17 triệu đồng/tháng. Lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Hiện lương các vùng đang dao động 3,25 - 4,68 triệu đồng. Tương tự mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6%. Cụ thể, vùng 1 là 23.800 đồng/giờ; vùng 2 là 21.200 đồng/giờ; vùng 3 là 18.600 đồng/giờ và vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.

Từ ngày 1.7, tăng 30% lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức -0
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà chủ trì buổi họp báo

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất từ ngày 1.7 sẽ thực hiện chế độ tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản để thưởng đột xuất tại cơ quan đơn vị. Đây là vấn đề mới và cân đối nguồn để thực hiện ngay; tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội hiện hưởng; tăng 35,7% trợ cấp ưu đãi người có công; và tăng 38,9% trợ cấp xã hội. Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh các chỉ tiêu trên trong giai đoạn 2024 - 2026 là hơn 900.000 tỷ đồng.

Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sẽ ưu tiên nguồn lực để tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; tập trung hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 xong trong năm 2024 để các địa phương tập trung tổ chức đại hội đảng ở cơ sở vào năm 2025. Kiên trì thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của cơ quan, đơn vị và đơn vị sự nghiệp công lập của bộ, ngành, địa phương; đẩy mạnh cải cách công vụ, công chức, hoàn thiện mô hình chế độ công vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số, trong đó tập trung hoàn thành 9 cơ sở dữ liệu chuyên ngành nội vụ…

Tin và ảnh: CHÍ TUẤN
#