Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa có thông báo tình hình TNLĐ năm 2022. Theo đó, trong năm qua cả nước xảy ra 7.718 vụ TNLĐ tăng 1.214 vụ so với năm 2021 làm 7.923 người bị nạn (tăng 1.265 người so với năm 2021).
Số vụ TNLĐ chết người là 720 vụ (giảm 29 vụ). Số người chết vì TNLĐ là 754 người, giảm 32 người. Số người bị thương nặng là 1.747 người, tăng 162 người.
Đáng chú ý, trong danh sách TNLĐ ở các tỉnh, TP thì TP. Hồ Chí Minh là địa bàn dẫn đầu nhiều chỉ số trong các thống kê về TNLĐ. Cụ thể, năm 2022, trên địa bàn thành phố xảy ra 803 vụ TNLĐ với 832 người bị nạn, chỉ thấp hơn Đồng Nai (1.655 vụ, 1671 người bị nạn). Tuy nhiên, số vụ TNLĐ chết người trên địa bàn thành phố lại cao nhất cả nước (83 vụ) và số người chết vì TNLĐ cũng dẫn đầu (86 người).
Số liệu thống kế của năm 2022 cho thấy, trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, lĩnh vực, ngành xảy ra TNLĐ làm chết người chủ yếu tập trung vào xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ. Nguyên nhân, hầu hết các doanh nghiệp thi công không có cơ cấu tổ chức chặt chẽ hoặc không có năng lực thi công công trình, thầu chính giao khoán cho thầu phụ hoặc cai thầu để thi công các công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, thuê mướn người lao động tự do không có hợp đồng lao động, không được trang bị kiến thức ATVSLĐ cũng như các trang bị, phương tiện bảo hộ lao động.
Bên cạnh đó, người sử dụng lao động thường không xây dựng và ban hành quy trình trong quá trình vận hành máy móc thiết bị và quy trình biện pháp làm việc an toàn, chưa huấn luyện hoặc huấn luyện chưa đầy đủ về ATVSLĐ cho người lao động, thiếu kiểm tra, giám sát về ATVSLĐ, không cung cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và năng lực nhà thầu còn hạn chế.
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, thời gian qua Sở Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh thực hiện công tác kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là những lĩnh vực nhạy cảm dễ xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ như những công trình xây dựng hay lĩnh vực cơ khí, kho bãi,...
Bên cạnh đó, Sở đã có chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với các địa phương tổ chức, triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt pháp luật về ANVSLĐ, BNN đến người lao động và người sử dụng lao động.
TP. Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục tăng cường tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh các ngành nghề tiềm ẩn gây ra sự cố kỹ thuật, mất an toàn, vệ sinh lao động; tiềm ẩn xảy ra tai nạn lao động nghiệm trọng, đặc biệt là các công trình đang thi công xây dựng. Kiên quyết đình chỉ thi công nếu không đảm bảo an toàn cho người lao động, xử lý các hành vi, vi phạm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trường hợp vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật
Đặc biệt, với nhóm ngành xây dựng, ông Trương Công Nam, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết, Sở Xây dựng quản lý các công trình cao tầng. Với mức độ xây dựng quy mô lớn, Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng đã ban hành nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn để làm sao quá trình thi công xây dựng đảm bảo an toàn. Vấn đề là các đơn vị, từ chủ đầu tư cho đến các nhà thầu có thực hiện đúng hay không.
Đại diện Sở Xây dựng nhận định, các hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố có thể nói là lớn nhất cả nước. Lực lượng thanh tra trực thuộc Sở đã phối hợp với UBND các quận, huyện và thành phố Thủ Đức kiểm tra, kiểm soát rất nghiêm ngặt, từ khi công trình khởi công cho đến khi nghiệm thu bàn giao, đưa vào sử dụng.
“Trong quá trình thi công xây dựng, các nhà thầu, chủ đầu tư không chấp hành các quy định về an toàn lao động thì lực lượng thanh tra xây dựng của chúng tôi cũng như là UBND các quận, huyện cương quyết xử lý nghiêm. Chỉ có vậy mới hạn chế được tình trạng vi phạm”, ông Nam nhấn mạnh.