Thông qua đại hội công đoàn các cấp, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận được 445 ý kiến của công nhân, viên chức, NLĐ, cán bộ công đoàn cả nước bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, hiến kế với Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Tại Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng hợp, lựa chọn, báo cáo một số vấn đề lớn.
Thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống
Theo đó, đối với việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến NLĐ và tổ chức Công đoàn, đoàn viên, NLĐ và tổ chức Công đoàn kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật, trong đó có pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích, trách nhiệm của NLĐ và hoạt động công đoàn. Các dự án luật cần được khảo sát kỹ lưỡng, lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động trực tiếp; các quy định bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ, người sử dụng lao động và Nhà nước, quan tâm bảo vệ đối tượng yếu thế, thúc đẩy sự cân bằng, hài hòa trong quan hệ lao động; giúp NLĐ được thụ hưởng thành quả xứng đáng với sự đóng góp của họ trong gần 40 năm đổi mới đất nước.
Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy NLĐ có việc làm bền vững, lương đủ sống và bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho NLĐ. Cần đột phá trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách về giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đổi mới quản lý nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo kỹ năng, công nghệ theo yêu cầu cách mạng 4.0 cho công nhân...
Nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng
ĐV, NLĐ và tổ chức Công đoàn kiến nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, đổi mới chế độ lương tối thiểu vùng, hướng tới lương đủ sống cho NLĐ. Huy động nguồn lực toàn xã hội thúc đẩy Đề án một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030. Quan tâm quy hoạch, xây dựng trường học, cơ sở khám chữa bệnh nơi có đông công nhân; hoàn thiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, giúp NLĐ nhận rõ lợi ích, có niềm tin gắn bó lâu dài với hệ thống bảo hiểm, bảo đảm quyền lợi an sinh xã hội cho NLĐ đang làm việc và cả khi nghỉ hưu.
Bên cạnh đó, ĐV, NLĐ và tổ chức Công đoàn cũng kiến nghị tăng cường quản lý, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với NLĐ. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội, an toàn vệ sinh lao động, nhất là các doanh nghiệp không hoặc chậm trả lương, trốn đóng bảo hiểm xã hội, để xảy ra tai nạn lao động, gây khó khăn cho hoạt động công đoàn và NLĐ. Khắc phục tình trạng bỏ qua hoặc xử nhẹ doanh nghiệp vi phạm pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích NLĐ của chính quyền một số địa phương. Đề xuất Chính phủ sớm có chủ trương trình cấp có thẩm quyền có chính sách đặc thù giải quyết, bảo đảm quyền lợi cho hơn 200 nghìn NLĐ bị nợ bảo hiểm xã hội do doanh nghiệp giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn hoặc tái cơ cấu…