Nhiều công ty tuyển dụng số lượng lớn lao động
Đang có nhu cầu tuyển tới 1.000 lao động, Công ty TNHH Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) đưa ra nhiều chính sách ưu đãi thu hút người lao động vào làm việc. Ngay cả công nhân cũ đã nghỉ việc được khuyến khích quay lại làm và được xem xét áp dụng mức lương cùng phụ cấp thâm niên cũ.
Ông Trần Thanh An - Chủ tịch Công đoàn công ty này - cho biết, trước đại dịch, công ty có tới hơn 10.000 lao động nhưng qua nhiều năm khó khăn liên tiếp buộc phải cắt giảm xuống còn khoảng 6.000 lao động. Thời điểm này khi tuyển dụng công nhân cho đơn hàng mới, công ty đã tăng mức lương cho người lao động mới. Đồng thời, cũng điều chỉnh lương cho công nhân hiện có của công ty lên đến hơn 6.000 lao động.
Bên cạnh đó, công ty cũng đưa ra một loạt đãi ngộ cho công nhân mới. Trong đó, thưởng thu hút (600.000 đồng sau 2 tháng làm việc đầu tiên, thưởng thêm 400.000 đồng sau 4 tháng làm việc, thưởng hàng tháng 400.000 đồng cho đến khi người lao động đạt thâm niên 48 tháng). Ngoài ra, còn hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân ngoại tỉnh (500.000 đồng/tháng), phụ cấp các công đoạn đặc biệt, hoàn trả phí làm hồ sơ xin việc, hoàn trả tiền vé xe cho người lao động di chuyển từ vùng ven đến công ty dựa trên giá vé xe...
Hay như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh), trong năm 2023, doanh nghiệp thực hiện 3 đợt cắt giảm lao động với hàng nghìn công nhân. Tuy nhiên, chỉ sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn đến nay, công ty này đã tuyển dụng mới 1.600 lao động. Theo kế hoạch, công ty dự kiến tuyển mới thêm hơn 2.000 lao động trong quý II để đạt đủ số lượng tuyển mới là 4.000 công nhân.
Theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Hồ Chí Minh, lượng lao động thất nghiệp giảm là do tình hình kinh tế khởi sắc, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao để đáp ứng nhân lực phục vụ sản xuất. Đặc biệt, những ngành gặp khó khăn trong năm 2023 như dệt may, da giày, chế biến gỗ đã bước đầu vượt qua rào cản và nhiều doanh nghiệp cũng tìm được đơn hàng mới.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 5 tháng năm 2024, cả nước có 64,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 601,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 426,4 nghìn lao động, tăng 4,5% về số doanh nghiệp, tăng 5,7% về vốn đăng ký và tăng 5% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Hà Nội, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội, 5 tháng đầu năm, thành phố đã giải quyết việc làm cho 100.335 lao động. Tính riêng trong tháng 5, đã giải quyết việc làm cho 27.037 lao động. Trong đó, tạo việc làm cho 31.448 lao động từ nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền là 3.011 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 8.735 người thông qua hệ thống sàn giao dịch việc làm. Số lao động được cung ứng giới thiệu việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là 60.152 lao động.
Ước 6 tháng đầu năm, Hà Nội tạo việc làm mới cho 120.000 người, đạt 73% kế hoạch năm, tương đương cùng kỳ năm 2023.
Nỗi lo đến từ phía người lao động
Một trong những rào cản để phát triển kinh tế hiện nay là chất lượng lao động hay nói cách khác là năng suất lao động. Nhìn nhận từ góc độ cơ quan quản lý, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện sự chênh lệch về kỹ năng lao động của người lao động còn cao. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu trước sự thay đổi và phát triển không ngừng của khoa học, công nghệ.
TP. Hồ Chí Minh không thiếu lực lượng lao động nhưng có tình trạng thừa lao động không phù hợp với những ngành nghề trong định hướng phát triển, cũng như thiếu nhân lực chất lượng cao ở những ngành trọng điểm. Một số doanh nghiệp còn sử dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất cũ dẫn đến người lao động mất cơ hội tiếp cận với các công nghệ mới, không có điều kiện nâng cao chuyên môn tay nghề.
Từ phía nhà tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp lại nêu ra vấn đề khác. Theo đại diện Tổng công ty May Việt Tiến, từ đầu năm đến nay, nhà máy ở TP. Hồ Chí Minh chỉ tuyển khoảng 30 - 40 người, nghĩa là mỗi tháng chỉ khoảng hơn chục người. Việc tuyển dụng chủ yếu để bù đắp cho số nghỉ việc, trong đó có những người nghỉ để chờ lĩnh bảo hiểm xã hội một lần.
Nhiều nhà tuyển dụng cũng tỏ ra lo lắng vì việc chờ lĩnh bảo hiểm xã hội 1 lần của một bộ phận lao động khiến việc tuyển dụng ngày càng khó khăn hơn. Nếu trước đây, các nhà máy, công ty tuyển dụng hàng năm do người lao động thay đổi công việc liên tục, nhất là sau nghỉ Tết. Tuy nhiên, lúc đó họ chỉ chuyển từ công ty này sang công ty khác, còn hiện tại nhiều người nghỉ chờ nhận bảo hiểm xã hội một lần. Người lao động không làm việc hoặc chuyển qua làm thời vụ, công việc tự do hoặc các xưởng nhỏ, xưởng gia đình.
Điều đó đòi hỏi phải tăng cường các biện pháp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giải đáp thông tin để người lao động biết, hiểu và nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng chế độ về sau.