Phấn đấu 80% trẻ tự kỷ được tiếp cận dịch vụ y tế
Theo số liệu thống kê mới nhất từ 15 huyện, thành phố và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh quản lý 3.427 đối tượng, trong đó: nữ 1.280 người; người tâm thần có 1.483 người, động kinh 1.868 người, trẻ em tự kỷ 31 em, rối nhiễu tâm trí 45 người và có 132 trẻ em có biểu hiện tự kỷ đang theo dõi, quan sát của giáo viên tại các trường học.
Bên cạnh đó, tỉnh hiện có 1 Trung tâm Bảo trợ xã hội có chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật đặc biệt nặng dạng tâm thần, hàng năm nuôi dưỡng, chăm sóc thường xuyên trên 120 người tâm thần vô gia cư, không người nuôi dưỡng trong và ngoài tỉnh; 1 Bệnh viện Tâm thần trung bình hàng năm điều trị 100 bệnh nhân, các cơ sở đều thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người tâm thần. Ngoài ra, tại cộng đồng đang triển khai thực hiện Chương trình quốc gia chăm sóc người tâm thần tại 143/144 xã với 948 cộng tác viên ấp, khu phố làm công tác phục hồi chức năng cho người tâm thần.
Việc xác định mức độ khuyết tật đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí ở cấp xã còn gặp khó khăn trong việc xác định dạng tật và mức độ bệnh để xem xét hưởng trợ cấp. Bên cạnh đó, kinh phí giám định y khoa cao và người dân phải tự đóng nên việc thực hiện giám định y khoa còn hạn chế. Một số huyện, thành phố, gia đình chưa thật sự quan tâm đến việc chăm sóc sức khoẻ cho nhóm đối tượng này và thiếu trách nhiệm trong việc hợp tác khi đưa vào cơ sở điều trị, chăm sóc hoặc đưa về hoà nhập cộng đồng, còn kỳ thị ngại tiếp xúc với đối tượng. Đồng thời, công tác tuyên truyền, triển khai đến cộng đồng, người dân chưa được thường xuyên, sâu rộng nhất là gia đình có người mắc bệnh tâm thần.
Trước thực tế đó, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND ngày 29.4.2021 về việc thực hiện chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Theo đó, đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: Hàng năm, 90% người tâm thần, 80% trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm dạng khuyết tật phổ tự kỷ và được can thiệp sớm; khoảng 100 trẻ em tự kỷ nặng được điều trị, giáo dục, phục hồi chức năng và trợ giúp phù hợp tại các cơ sở phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội; 90% trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục; khoảng 800 người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ hướng nghiệp, lao động trị liệu tại cơ sở trợ giúp xã hội….
Còn nhiều khó khăn, thách thức
Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có ý kiến với Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh nhận trách nhiệm phối hợp và thực hiện các hoạt động thăm khám, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ ở tỉnh Kiên Giang theo Quyết định số 4485/QĐ-BYT ngày 20.9.2021.
Theo Báo cáo số 332/ĐHYD – ĐDKTYH của Trường Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh ngày 9.3.2023 về việc thực hiện Chương trình Trợ giúp xã hội và Phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng, quá trình thực hiện Chương trình còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, qua khảo sát, hiện nguồn nhân lực còn hạn chế, công việc nhiều nên công tác sàng lọc và can thiệp cho trẻ tự kỷ còn giới hạn. Bên cạnh đó, hiện nay chưa có kinh phí để thực hiện sàng lọc cộng đồng dẫn đến việc chỉ khi có khó khăn về y tế hoặc bộc lộ khuyết điểm điển hình thì các trẻ mới được đưa đi sàng lọc và can thiệp. Do đó, việc phát hiện sớm, can thiệp sớm còn chưa đạt được hiệu quả cao, trong khi đó các dịch vụ tư nhân có mức phí rất cao, gây khó khăn cho việc sàng lọc và can thiệp cho trẻ.
Ngoài ra, các chương trình đào tạo kiến thức, kỹ năng với các bên liên quan tại tỉnh Kiên Giang hầu hết chưa có chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về phục hồi chức năng như vật lý trị liệu, hoạt động trị liệu, ngôn ngữ trị liệu…Tất cả các nhân viên y tế thường được đào tạo ngắn hạn từ 3-6 tháng các khóa về phục hồi chức năng. Cùng với đó, các giáo viên cũng được trang bị kiến thức lượng giá và can thiệp cho trẻ tự kỷ nhưng thời gian ngắn và ít được cập nhật thường xuyên. Hiện nay, nguồn nhân lực được đào tạo chính từ Bệnh viện Tâm thần tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, số lượng nhân viên cơ hữu còn hạn chế nên việc tổ chức, tập huấn, sàng lọc và can thiệp còn gặp nhiều khó khăn tại các huyện, xã trong khu vực.
Để khắc phục những khó khăn nói trên, với sự chủ trì của Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, Chương trình sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nâng cao năng lực lực lượng cán bộ nòng cốt về tuyên truyền và hỗ trợ trẻ em bị tự kỷ; phổ biến kiến thức cho cha mẹ có con bị tự kỷ; hỗ trợ các giáo viên và cán bộ làm công tác chăm sóc và giáo dục, bảo vệ trẻ em tiếp cận, chuẩn hóa kiến thức về tự kỷ; giúp cộng đồng có cái nhìn đúng đắn, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em bị tự kỷ.