Thạnh Trị - vùng đồng bào Khmer đang khởi sắc

- Thứ Năm, 01/12/2022, 21:16 - Chia sẻ

Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) là huyện vùng nông thôn có đông đồng bào Khmer sinh sống (trên 35,8%). Những năm qua, nhờ chính sách dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, cùng tinh thần vượt khó vươn lên của đồng bào mà hiện nay đời sống ngày càng được nâng lên, diện mạo nông thôn vùng đồng bào Khmer ngày một khởi sắc.

Diện mạo phum sóc đổi thay

Có dịp về những xóm ấp có đông đồng bào Khmer sinh sống dọc theo các tuyến đường dẫn đến các xã Lâm Tân, Lâm Kiết, Thạnh Tân, Thạnh Trị, Tuân Tức…có sự đổi thay rõ nét khi được đầu tư xây cầu, đường, trường học, trạm y tế khang trang.

Người dân Lâm Kiết tích cực tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn
Đến Lâm Kiết - xã có trên 52% là người dân tộc Khmer, chúng tôi cảm nhận được khi thấy phum sóc đổi mới, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang, sản xuất không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần người dân được nâng lên. Nói về sự đổi thay của làng quê mình, ông Sơn Thương, ở ấp Kiết Lợi chia sẻ: “Khoảng 10 năm trở lại đây, bà con Khmer ở sóc này rất sung túc. Trước đây, xóm có nhiều nhà tranh vách lá, mấy đứa nhỏ đi học vất vả lội sình bùn những tháng mùa mưa, việc sản xuất của nông dân gặp nhiều khó khăn vì thường vào tháng mùa khô nước mặn xâm nhập nên trồng màu không được, sản xuất lúa cũng không an tâm. Đời sống bà con khởi sắc kể từ năm 2010 cho đến nay, vì Nhà nước đầu tư các tuyến đường giao thông, đào kênh thủy lợi rộng khắp, có cả trạm bơm điện và đặc biệt người dân được hưởng các chính sách ưu đãi cùng việc hỗ trợ cây, con giống từ các chương trình, dự án nên việc trồng trọt, chăn nuôi thuận lợi hơn”.
Điện lưới quốc gia được kéo đến tận nhà, anh Thạch Sao trồng màu rất thuận lợi

Anh Thạch Sao ở ấp Rẫy Mới, nằm ở một vùng xa xôi, heo hút thật bất ngờ và vui mừng  điện lưới quốc gia được kéo đến tận nhà mình. Điện giúp anh đưa nước tưới rẫy mà không phải gánh, tắm cho bò, heo…một cách nhẹ nhàng, thoải mái. Anh Thạnh Sao chia sẻ: “Trước kia, trồng màu trên ruộng phải xách thùng đi gánh nước tưới, giờ có điện chỉ cần bật mô tơ lên là có nước. Điện về nông thôn không chỉ giúp người nông dân giảm sức lao động, mà còn giúp giảm giá thành sản phẩm. Điều quan trọng nữa là khi có điện, bà con nông dân có cơ hội tiếp cận kiến thức khoa học kỹ thuật hiện đại, ứng dụng vào sản xuất”.

Đời sống đồng bào ngày càng khởi sắc

Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các chương trình, chính sách đã làm cho vùng đồng bào DTTS khởi sắc trên mọi mặt của đời sống. Thông qua các chương trình hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer phát triển kinh tế gia đình, vươn lên ổn định cuộc sống.

Ông Lâm Văn Phước, Trưởng ban nhân dân ấp Trung Hòa, xã Tuân Tức  cho biết: Trong những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước được triển khai đối với đồng bào Khmer, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vay vốn sản xuất, hỗ trợ đầu tư mô hình chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ để thoát nghèo bền vững. Ở đây bây giờ nhà nào cũng có điện, các con đường đất ngày nào đã được bêtông hóa, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất của người dân. Còn những hộ khó khăn được hỗ trợ vốn, con giống và tư vấn giải quyết việc làm, bây giờ cũng khá hơn trước.

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạnh Trị, ông Trương Vũ Phương: Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng khấm khá là nhờ sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự đồng tâm hiệp lực của các cấp chính quyền và nhân dân. Đến nay, Thạnh Trị cơ bản tuyến giao thông ấp liền ấp, ấp liền xã, thuận tiện trong việc đi lại và giao thương hàng hóa. Ngoài ra, điện lưới quốc gia phủ khắp các phum sóc với hơn 99,5% hộ sử dụng điện, trên 84% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh.

“Hiện nay, thu nhập đạt trên 47 triệu đồng/người, đến đầu năm 2022, hộ nghèo giảm còn 2.464 hộ (chiếm 4,24%); trong đó, hộ Khmer nghèo giảm còn 1.388 hộ (chiếm 7,3%). Giờ đây, diện mạo vùng đồng bào Khmer Thạnh Trị đang đổi thay từng ngày. Đó là kết quả và cách làm linh hoạt, sáng tạo trong việc thực hiện tốt các chính sách dân tộc và sự nỗ lực vươn lên của chính bà con Khmer trong lao động sản xuất” – ông Phương nói.

Với sự quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi của các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở hạ tầng và đời sống trong vùng đồng bào Khmer huyện Thạnh Trị đã thay đổi đáng kể. Đây là động lực, là niềm tin để đồng bào Khmer đồng sức, đồng lòng phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Phương Nghi
#