Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và tình hình kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết, tại 63 tỉnh, thành phố, đã có trên 1,07 triệu lượt NCT được chúc thọ và tặng quà Tết với tổng trị giá trên 600 tỷ đồng.
Có khoảng 770.500 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 404 tỷ đồng, gần 1,85 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ với tổng kinh phí trên 1.091 tỷ đồng, gần 1,64 triệu lượt đối tượng bảo trợ xã hội được hỗ trợ với tổng kinh phí gần 754,4 tỷ đồng.
Về công tác trợ giúp đột xuất, tính đến 6.2, có 18 tỉnh: Sóc Trăng, Cao Bằng, Bình Định, Gia Lai, Nghệ An, Bạc Liêu, Đắk Nông, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Bình Phước, Hà Giang, Kon Tum, Bắc Kạn, Quảng Ngãi, Kiên Giang, An Giang, Lạng Sơn và Tây Ninh đề nghị Trung ương hỗ trợ 13.690,245 tấn gạo cứu đói cho 136.765 lượt hộ với 849.127 nhân khẩu.
Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5 Quyết định hỗ trợ 12.736,905 tấn gạo cho 136.765 lượt hộ với 849.127 nhân khẩu. Đồng thời, các địa phương cũng bố trí ngân sách và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ gần 5.000 tấn gạo cho các hộ nghèo, cận nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn. Như vậy, trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và giáp hạt năm 2024, Trung ương và địa phương đã hỗ trợ khoảng 17.736 tấn gạo cho người dân trong cả nước.
Trong tháng 2, cả nước thực hiện trợ cấp xã hội cho 3,387 triệu người (khoảng 3,38% dân số). Trong đó, có 1,394 triệu NCT, 1,667 triệu NKT, 16.000 trẻ em đang hưởng chế độ đối với trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng; 150.000 trẻ em hưởng chế độ đối với trẻ em dưới 3 tuổi, 80.000 người đang hưởng chế độ người đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi, 80.000 đối tượng khác. Đồng thời, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho 389.000 hộ gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội.
Ngoài ra, đã có 14 tỉnh, thành phố nâng mức trợ giúp cao hơn mức quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, trong đó Hải Phòng quy định mức 500.000 đồng là mức cao nhất. Bên cạnh đó, đã có 32 tỉnh, thành phố quy định thêm các đối tượng thuộc diện trợ cấp, trợ giúp chưa được quy định. Tổng ngân sách chi cho thực hiện các chế độ chính sách trợ giúp xã hội khoảng 2.250 tỷ đồng/tháng. Cùng với đó, 100% địa phương đã chi trả đầy đủ chế độ, chính sách trợ giúp xã hội của tháng 1 và 2 đến 100% đối tượng chính sách xong trước Tết Nguyên đán; 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chi trả qua tổ chức dịch vụ chi trả.
Theo báo cáo của các địa phương, tổng số đối tượng đã có tài khoản là 640.245 người (18,9%/tổng số đối tượng); 309.912 đối tượng đã nhận trợ cấp qua tài khoản (9,1%/tổng số đối tượng). Tổng số kinh phí chi trả qua tài khoản trong tháng 1 và 2 là 1.133,6 tỷ đồng.