Nhiều thành tích trong đào tạo nghề
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên, bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương cho biết, những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn luôn được cả hệ thống chính trị trong tỉnh quan tâm sâu sắc và đạt nhiều kết quả tích cực. Nhờ vậy, đã góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao chất lượng lao động nông thôn. Đặc biệt, công tác đào tạo nghề đã chú trọng gắn với thế mạnh địa phương, với quy hoạch phát triển sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Đào tạo nghề đang chuyển sang đào tạo theo yêu cầu, nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu của người lao động, gắn đào tạo với tư vấn, định hướng nghề nghiệp…
“Công tác đào tạo nghề đã góp phần quan trọng trong việc phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác xã thông qua các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra nhiều công ăn việc làm, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và đóng góp tích cực vào sự thành công trong xây dựng nông thôn mới” - bà Nguyễn Thị Quỳnh Hương nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, kinh tế - xã hội tại khắp các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã và đang khởi sắc từng ngày với cơ cấu kinh tế đa dạng, nhiều thành phần, chuyển biến không ngừng… Dưới góc nhìn này để thấy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại Thái Nguyên đã đạt được hiệu quả rõ rệt. Thị trường lao động tại nông thôn ngày một sôi động, trải khắp trên nhiều lĩnh vực, tạo ra lượng của cải lớn, giúp thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội địa phương theo hướng tích cực.
Điển hình của công tác đào tạo nghề có thể kể tới huyện Đồng Hỷ. Số liệu từ UBND huyện cho biết, giai đoạn 2021-2023, Đồng Hỷ đã mở được 17 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn, với trên 530 người tham gia. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện đến hết năm 2022 đạt 60%, trong đó lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 28%. Bên cạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, huyện còn quan tâm hỗ trợ hàng nghìn hộ nghèo, cận nghèo... vay vốn tín dụng ưu đãi và định hướng chăn nuôi, trồng trọt để phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện xuống còn 2,35%.
Ghi nhận thêm tại một địa phương khác trong tỉnh là huyện Định Hóa, bình quân mỗi năm, huyện có gần 3.000 người được đào tạo nghề và tìm kiếm được việc làm với mức thu nhập từ 5 đến hơn 10 triệu đồng/người/tháng. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện đã giải quyết việc làm cho khoảng 1.200 lao động, hoàn thành 60% chỉ tiêu kế hoạch năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn hiện đạt gần 60%. Riêng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn mở 3 lớp dạy nghề cho gần 100 lao động nông thôn.
Tiếp tục đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp
Dù gặt hái được nhiều thành công trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động nông thôn, nhưng vẫn còn đó những thách thức khách quan còn tồn tại, cần được các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên chung sức khắc phục. Đó là vấn đề về nhu cầu đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở nông thôn hiện rất lớn, song chưa đáp ứng được toàn bộ. Sự di cư của lao động nông thôn ra thành thị ồ ạt gây thiếu hụt lao động ở nông thôn và gia tăng sức ép việc làm lên khu vực thành thị. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn còn thấp. Chất lượng lao động từng bước được cải thiện, nhưng còn hạn chế, làm cho thu nhập của người lao động không thể tăng nhanh…
Đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn không phải chỉ hướng đến giải quyết lao động dôi dư trong nông nghiệp, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội, mà đây là quá trình tạo ra nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn hiện đại, sản xuất lớn, khoa học công nghệ cao và hội nhập quốc tế. Điều đó cần đến cách nhìn nhận nhằm thay đổi tư duy trong đào tạo nghề và các giải pháp tích cực, đồng bộ từ chính sách, địa phương, doanh nghiệp và cả sự nỗ lực của bản thân người lao động.
Để đẩy mạnh những cách làm hay, làm mới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức Chương trình giao lưu sáng kiến truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững, thu hút sự tham gia của 7 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trong huyện. Chương trình được tổ chức nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số và miền núi nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, có việc làm ổn định, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong gia đình và ngoài xã hội…
Từ thực tiễn cho thấy, tư duy và hành động trong công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho người lao động nói chung, lao động nông thôn, miền núi nói riêng tại Thái Nguyên đã có chuyển biến rõ rệt. Từ nhận thức đúng đắn, đến hành động thực tiễn trong công tác đào tạo nghề của cả hệ thống chính trị trong tỉnh, đã góp phần tuyên truyền hiệu quả chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, phát triển kỹ năng nghề, tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực.