Trước đó, trong Kế hoạch liên tịch số 24/KHLT-UBND-UBMTTQ ngày 18.1.2024 về vấn đề này, UBND thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã xác định phải tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, xong trước ngày 30.9.2024. Đây là việc quan trọng nhằm góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024).
Theo bà Bạch Liên Hương, một trong các yêu cầu quan trọng là công tác này phải bảo đảm đúng đối tượng, dân chủ, công khai, công bằng, minh bạch, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân. Trong đó, đối tượng thụ hưởng là hộ gia đình có nhà ở xuống cấp, hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở, có nhu cầu được hỗ trợ, vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở và thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo của thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2025, có tên trong Quyết định công nhận danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 của địa phương nơi cư trú và là hộ độc lập, có thời gian tách hộ tính đến tháng 12.2023 tối thiểu 3 năm; có đất ở hợp pháp, không có tranh chấp…
Tất cả quy định về mức hỗ trợ đều được thông báo công khai, minh bạch. Theo đó, mức hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở, đối với nhà xây mới, mức hỗ trợ là 100 triệu đồng/nhà, gồm ngân sách thành phố hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà, Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà (trong đó Quỹ Vì người nghèo thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng/nhà, Quỹ Vì người nghèo cấp huyện, cấp xã hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà).
Đối với nhà sửa chữa, mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/nhà, gồm 30 triệu đồng/nhà từ ngân sách thành phố hỗ trợ và 30 triệu đồng/nhà từ Quỹ Vì người nghèo (trong đó Quỹ Vì người nghèo thành phố hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà; Quỹ Vì người nghèo cấp huyện, cấp xã hỗ trợ 10 triệu đồng/nhà). Ngoài kinh phí hỗ trợ, hộ có nhu cầu vay vốn để xây dựng, sửa chữa nhà ở sẽ được hỗ trợ mức vay tối đa là 50 triệu đồng/nhà từ Ngân hàng Chính sách xã hội (nguồn vốn ngân sách thành phố ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay, lãi suất cho vay là 3%/năm, thời hạn cho vay tối đa 15 năm, trong đó 5 năm đầu hộ vay chưa phải trả nợ gốc. Thời gian trả nợ tối đa là 10 năm, bắt đầu từ năm thứ 6, mức trả nợ mỗi năm tối thiểu là 10% tổng số vốn đã vay). Đáng chú ý, hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng, sửa chữa nhà ở không phải trả lãi suất (3%/năm), mà ngân sách thành phố sẽ hỗ trợ kinh phí trả lãi vay.
Chỉ còn hơn 6 tháng là đến hạn phải hoàn thành công tác này, thành phố Hà Nội đã và đang tập trung triển khai tích cực, đồng bộ để hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra. Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương cho biết: Theo kết quả rà soát của các quận, huyện, thị xã tại thời điểm tháng 10.2023, Hà Nội có 890 hộ nghèo, hộ cận nghèo đề nghị hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Thành phố sẽ tập trung hỗ trợ hoàn thành việc xây dựng, sửa chữa nhà ở xong trước ngày 30.9.2024. Các trường hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng, không có khả năng tự cải thiện nhà ở phát sinh sau tháng 1.2024 do UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm huy động các nguồn lực của địa phương và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ.
Thành phố giao Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” các cấp để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở; vận động các quận hỗ trợ kinh phí từ quỹ “Vì người nghèo” để hỗ trợ các huyện có khó khăn; hướng dẫn thủ tục, hồ sơ thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ. Đồng thời, giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ bảo đảm đúng mục tiêu và yêu cầu. Cùng với đó là phối hợp với các tổ chức thành viên hỗ trợ nguyên vật liệu, ngày công lao động, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Cũng theo bà Bạch Liên Hương, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch; tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện tại các địa phương; tổng hợp báo cáo UBND thành phố tiến độ thực hiện. Đồng thời, phối hợp hướng dẫn các huyện, thị xã lập, phê duyệt danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo quy định.
Hiện nay, các huyện đang rà soát, thẩm định hồ sơ và ra Quyết định phê duyệt danh sách hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ. Trên cơ sở đó, các bên liên quan sẽ triển khai các đầu việc, như: Niêm yết công khai danh sách được hỗ trợ; triển khai xây, sửa, hỗ trợ kinh phí xây sửa theo tiến độ, bảo đảm hoàn thành trước ngày 30.9; Ngân hàng Chính sách xã hội hướng dẫn thủ tục vay vốn nếu hộ gia đình có nhu cầu vay.
“Do chỉ còn hơn 6 tháng để thực hiện, thời gian rất gấp nên một mặt đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách nhân văn này, nhấn mạnh trách nhiệm của các bên, mặt khác, bộ phận thường trực sẽ phải thường xuyên cập nhật thông tin, đốc thúc các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện nhiệm vụ. Thành phố sẽ thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ triển khai thực hiện”, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin.