Liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước
Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 13 vụ đuối nước, khiến 17 trẻ em tử vong. Các nạn nhân chủ yếu là trẻ em, học sinh, do thời tiết nắng nóng đã rủ nhau đi tắm biển, sông, suối.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Quảng Bình Hồ Tân Cảnh, các địa phương có tỷ lệ đuối nước cao như thị xã Ba Đồn, huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, trong 4 tháng đầu năm, đã có nhiều trẻ em tử vong liên quan đến đuối nước.
Đơn cử, tại địa bàn huyện Tuyên Hóa trong thời gian trên đã diễn ra 4 vụ đuối nước, khiến 5 học sinh, trẻ em tử vong. Tại huyện Minh Hóa, ngày 1.5, nhóm 5 em học sinh Trường THCS và THPT Trung Hóa cùng rủ nhau đi tắm suối vào giữa trưa, trong đó 3 em bị đuối nước, được người dân ứng cứu nhưng đã không may tử vong.
Gần đây nhất, vào ngày 18.5, tại thị xã Ba Đồn, một nhóm 6 học sinh Trường THCS Quảng Thọ cũng cùng nhau đi tắm biển, nhưng sóng to, gió lớn đã khiến cả 6 em đuối nước, 5 học sinh được cứu nhưng 1 em không qua khỏi.
Liên tiếp nhiều vụ việc đuối nước gây mất mát về người diễn ra trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo đối với công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh tại địa phương. Một mặt, việc thiếu các sân chơi cho trẻ em khi vào mùa nóng, trong thời gian nghỉ hè của học sinh, sẽ khiến lựa chọn “giải nhiệt” của con trẻ bị hạn chế dẫn đến việc các em sẽ lựa chọn vui chơi tại sông, suối, ao, hồ hay biển,… nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm. Mặt khác, việc thiếu trang bị kiến thức, kỹ năng cũng như sự giám sát từ gia đình, các đơn vị sát sườn với học sinh cũng gián tiếp dẫn đến các sự việc thương tâm.
Tuy nhiên, trong điều kiện các địa phương còn nhiều hạn chế về nguồn lực để có thể mang đến các công trình vui chơi phù hợp mùa hè cho trẻ, bên cạnh đó, các gia đình chưa có điều kiện để sâu sát con trẻ, việc trang bị cho các em kỹ năng phòng, chống đuối nước là giải pháp cần thiết để chủ động giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa thiệt hại về người mỗi khi vào mùa nghỉ hè.
Trang bị kỹ năng cho trẻ em
Nhằm hạn chế, phòng tránh tình trạng đuối nước ở trẻ em, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo rủi ro đuối nước.
Tại huyện Minh Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa Đinh Tiến Dũng cho biết, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Phòng Giáo dục và Đào tạo, và các xã liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn việc đuối nước xảy ra.
Theo đó, địa phương đã chủ động liên hệ các đơn vị để hỗ trợ xây dựng 10 bể bơi trong các trường tiểu học và THCS, sẵn sàng cơ sở để trang bị kỹ năng bơi lội, kỹ năng xử lý tình huống, từ đó giảm thiểu tình trạng đuối nước.
Tại huyện Tuyên Hóa, các đơn vị chức năng và chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức các lớp dạy bơi cho học sinh trên địa bàn. Đặc biệt, nhà trường được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với gia đình để quản lý học sinh trong dịp hè, tuyệt đối không để các em tự ý đi tắm trên sông, suối, khu vực có nước sâu nhưng không có người lớn đi cùng.
Cũng trên địa bàn huyện, điểm dạy bơi tại Trường Tiểu học Bắc Sơn, xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa được duy trì trong suốt 6 mùa hè qua, hỗ trợ đông đảo trẻ em, trong đó có cả học sinh nghèo, cận nghèo ở nhiều xã lân cận đến học bơi miễn phí.
Từ đầu mùa hè, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Bình đã tổ chức các hoạt động truyền thông về bơi an toàn và phòng, chống tai nạn đuối nước trong tất cả các cơ sở giáo dục và trên phương tiện thông tin; xây dựng chuyên mục về triển khai công tác dạy bơi an toàn và phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh; đào tạo, bồi dưỡng về dạy bơi an toàn và phòng, chống tai nạn đuối nước, kỹ năng sơ cứu, cấp cứu cho giáo viên và cán bộ trong nhà trường.
Cùng với đó, các trường học có bể bơi trên toàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác dạy bơi trong hoạt động giáo dục chính khóa và các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, phòng tránh tai nạn thương tích; xây dựng kế hoạch giáo dục để đảm bảo cơ hội cho 100% học sinh của trường được học chính khóa và các hoạt động giáo dục dưới nước, phòng, chống đuối nước và an toàn trong môi trường nước.
Đối với các trường học chưa có bể bơi, nhà trường phối hợp với các đơn vị có bể bơi đảm bảo quy chuẩn an toàn trên địa bàn để xây dựng kế hoạch tổ chức dạy bơi cho học sinh.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường hoạt động phòng, chống đuối nước cho trẻ em; thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống (đặc biệt là kỹ năng phòng tránh tai nạn, thương tích, đuối nước) cho học sinh trong giai đoạn vào hè.
Dù xảy ra mỗi năm nhưng tai nạn đuối nước ở trẻ em tại tỉnh Quảng Bình nói riêng và cả nước nói chung chưa bao giờ là vấn đề “cũ” với những mất mát thương tâm của nạn nhân và gia đình. Do vậy, bên cạnh những biện pháp phòng tránh từ điều kiện khách quan, công tác trang bị kỹ năng, kiến thức để trẻ em, học sinh, chủ động ý thức bảo vệ mình đóng vai trò quan trọng hơn cả, nhằm giảm thiểu những vụ việc thương tâm trong kỳ nghỉ hè sắp đến.