Nguồn sinh kế mới trên bản cao
Khi vụ lúa đông xuân đã gieo trồng xong, chờ thời điểm chăm sóc và thu hoạch, nông dân đồng bào trên vùng rẻo cao xã Thượng Hóa lại háo hức với một mùa vụ cho giống cây mới. Hộ gia đình ông Trần Xuân Liệu (bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa) chính thức tiếp nhận giống và gieo trồng những lứa cây gai xanh AP1 đầu tiên tại bản vùng cao.
Được biết, cây gai xanh giống AP1 của Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống cây trồng mới và được phép lưu hành từ năm 2018. Đây là loại cây trồng mang lại nhiều tác dụng với các bộ phận đều có thể đem đến thu nhập cho người trồng.
Bắt đầu trồng thử giống cây mới, ông Trần Xuân Liệu bày tỏ sự phấn khởi và hy vọng chờ đón thành quả kinh tế sau này: “Được sự thông tin và hỗ trợ của Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đồn Biên phòng Cà Xèng và các chuyên gia, tôi thấy giống cây này mang lại nguồn thu nhập tốt trong nhiều năm tới, chỉ cần trồng 1 năm thì thu hoạch trên 10 năm. Nên đã tiếp nhận giống, gieo trồng, kỳ vọng trong năm tới gặt hái sản phẩm và nhân giống”, ông Trần Xuân Liệu cho biết.
Xã Thượng Hóa là địa phương thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Minh Hóa, thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Cà Xèng. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của cộng đồng dân tộc Chứt, tộc người Rục và Sách. Với đặc điểm dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc, việc áp dụng những giống cây và phương thức sản xuất mới gặp không ít khó khăn, phần nhiều do trình độ canh tác còn nhiều hạn chế, cơ sở vật chất thiếu thốn.
Trong thời gian qua, các cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã tích cực chuẩn bị, phối hợp với các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan triển khai nhiều buổi tập huấn, phổ biến các kỹ thuật bảo vệ, chăm sóc cây gai xanh AP1 cho người dân. Nhờ đó, khi giống cây về đến bản làng trên rẻo cao biên giới, người dân cùng bộ đội có thể tự tin canh tác, chăm sóc và đặt kỳ vọng vào một nguồn sinh kế mới.
Bộ đội “cùng làm”, người dân cùng hưởng
Nhằm xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, lao động sản xuất, phát triển KT-XH, củng cố QP - AN, trong những năm qua, lực lượng BĐBP tỉnh Quảng Bình nói chung và Đồn Biên phòng Cà Xèng nói riêng đã tích cực trong công tác đồng hành cùng bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế. Trong đó, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được ưu tiên, nhằm “trao cần câu”, thúc đẩy bà con chủ động sản xuất lương thực, tạo nguồn sinh kế bền vững cùng với sự đồng hành của các cán bộ, chiến sỹ.
Giống cây gai xanh AP1 được các cơ quan chức năng và đơn vị lựa chọn thí điểm với kỳ vọng từng bước tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng sản xuất phù hợp. Mục tiêu của dự án là trồng 800 ha cây gai xanh tại Quảng Bình trong 5 năm. Ngoài giá trị kinh tế cao, cây gai xanh còn giúp chống xói mòn, bảo vệ môi trường. Cây gai xanh giống AP1 đã được triển khai trồng thành công tại các tỉnh có vùng khí hậu miền núi như Sơn La, Phú Thọ, Thanh Hóa, Lào Cai bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh hỗ trợ người dân trong việc chuyển giao kỹ thuật khoa học từ các chuyên gia, Đồn Biên phòng Cà Xèng cũng sẽ liên kết với các công ty cung cấp giống cây ban đầu để bao tiêu đầu ra của sản phẩm khi cây vào mùa thu hoạch, giúp bà con yên tâm canh tác. Chuỗi liên kết giá trị chặt chẽ sẽ ổn định được giá thành sản phẩm, tạo đà phát triển bền vững, mang đến việc làm thường xuyên cho người dân.
Thượng tá Nguyễn Thái Dương, Chính trị viên Đồn BiênphòngCà Xèng cho biết:“Quán triệt thực hiện đường lối chủ trương của Thường vụ, Đảng ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, thời gian qua Đồn BiênphòngCà Xèng đã tích cực chủ động trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả. Cùng với sự chung tay của cánbộ, chiến sỹ trongđơn vịvà bà con dân bản, hy vọng rằng việc phát triển cây gai xanh sẽ thành công và đạt năng suất tốt ngaytừ mùa vụ đầu tiên, mang lại thành quả kinh tế cho bà con đồng bào”.
Bên cạnh giống cây mới, trong những năm qua, BĐBP cũng đã cùng dân bản triển khai mô hình “Lúa nước Rục Làn”. Với phương châm “cùng làm”, qua thời gian dài triển khai, mô hình đã thực sự làm thay đổi nhận thức cũng như kích thích hoạt động sinh kế của bà con, giúp đồng bào dân tộc tự chủ lương thực cho từng hộ dân. Tại bản Mò O ồ ồ, vụ lúa hè thu năm 2023 vừa qua đã mang lại nhiều niềm vui phấn khởi cho bà con đồng bào người Rục và cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cà Xèng khi gặt hái năng suất 5 tấn/ha, đảm bảo lương thực đủ đầy trong thôn bản.
Chị Đinh Thị Liên (bản Mò O Ồ Ồ) cho biết: Vụ lúa nào, cũng được bộ đội Đồn Biên phòng Cà Xèng và chính quyền địa phương giúp đỡ. Bộ đội làm trước, bà con làm theo, lâu dần thành quen. Bộ đội cũng cùng xuống đồng, cho giống, cho phân bón và hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên bà con ai cũng yên tâm lao động. Nay, có thêm giống cây mới là cây gai xanh, dân bản lại phấn khởi khi có thêm cây trồng xen kẽ với các vụ lúa, tăng thêm nguồn thu nhập bền vững.
Trong thời gian tới, Đồn Biên phòng Cà Xèng tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tập huấn, hỗ trợ người dân chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng vào sản xuất để góp phần canh tác có hiệu quả, tiếp tục mở rộng diện tích ra nhiều xã biên giới khác trên toàn tỉnh. Từ đó, từng bước xây dựng cây gai xanh trở thành cây trồng mũi nhọn giúp người dân ở các xã vùng cao xóa đói, giảm nghèo, phát triển KT - XH, góp phần giữ vững an ninh, chủ quyền biên giới.