ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Hòa Bình):

Phát huy vai trò của đồng bào dân tộc thiểu số trong giảm nghèo

- Thứ Ba, 24/01/2023, 15:33 - Chia sẻ

Theo ĐBQH Đặng Bích Ngọc, ưu tiên phát triển toàn diện kinh tế - xã hội gắn với phát huy vai trò của đồng bào DTTS là quyết sách rất đúng đắn mà Hòa Bình xác định xuyêt suốt trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp...

Là tỉnh miền núi cửa ngõ vùng Tây Bắc, Hòa Bình là một trong số ít địa phương có người dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm tỷ lệ cao, tới 74,43% trải dài ở 145/151 xã, phường, thị trấn. 

- Thưa đại biểu, sau đại dịch Covid -19 đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số gặp khá nhiều khó khăn. Thông qua những chính sách dân tộc hiện hành, Hòa Bình đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ như thế nào để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân khu vực này?

- Hàng năm, Hòa Bình ưu tiên dành các nguồn lực từ các chương trình, dự án, chính sách tập trung xây dựng hạ tầng cơ sở thiết yếu như, giao thông, thủy lợi, điện sinh hoạt, trường học, y tế; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo nghề mở rộng việc làm thay thế lao động nông nghiệp cho con em đồng bào DTTS để có thu nhập cao hơn.

Để thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII, ngày 30.7.2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Phát huy vai trò của đồng bào DTTS là quyết sách giảm nghèo trụ cột -0
Đại biểu Quốc hội Đặng Bích Ngọc 

Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong tỉnh, chủ động đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào DTTS và miền núi so với bình quân chung của cả nước. Hòa Bình phấn đấu đến năm 2025, giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030, cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn.

- Phong trào thi đua “Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động đang để lại những dấu ấn rõ nét trong công tác an sinh xã hội. Là Phó Chủ tịch MTTQ tỉnh, đại biểu có thể chia sẻ công tác vận động, huy động các nguồn lực chăm lo cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn được thực hiện tại Hòa Bình ra sao?

- Dịp tết Nguyên đán 2022, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh đã phối hợp trao tặng trên 53 nghìn suất quà tết, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết. Để chuẩn bị Tết năm nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình đã tham mưu cho Thường trực Tỉnh ủy trích Quỹ Vì người nghèo của tỉnh và huy động các nguồn lực để chuẩn bị trên 5.000 suất quà tết cho bà con nghèo trên địa bàn tỉnh. Quỹ cũng sửa chữa và xây mới 396 nhà Đại đoàn kết trị giá 13,8 tỷ đồng cho người nghèo. Bên cạnh đó, phối hợp triển khai đầu tư, xây dựng các công trình an sinh xã hội trên địa bàn với số tiền 13 tỷ đồng.

Các chính sách an sinh xã hội đã được triển khai tương đối có hiệu quả, điều kiện sinh kế của người dân được cải thiện. Việc triển khai có hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng và Nhà nước như: Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình Xây dựng nông thôn mới trong những năm qua đã thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đáng kể ở vùng đồng bào DTTS và MN.

Ngoài ra, tỉnh đã nỗ lực trong việc thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đột xuất, bảo đảm an sinh xã hội, không để người nào bị thiếu đói không được trợ giúp. Kịp thời thực hiện các chính sách hỗ trợ của Trung ương đối với hộ dân bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ, phần lớn là ở vùng đồng bào DTTS và MN. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

-Sinh kế của đồng bào vẫn là trăn trở của Trung ương và các cấp, các ngành. Hòa Bình đã có những quyết sách nào để toàn hệ thống kiên định của nhóm mục tiêu trên, thưa đại biểu?

- Phát huy vai trò của đồng bào DTTS vẫn là quyết sách đúng đắn và trụ cột của công tác giảm nghèo bền vững, với đột phá là tạo sinh kế cho từng người dân, hộ gia đình tự thân vận động dần dần phát triển kinh tế.

Phát huy vai trò của đồng bào DTTS là quyết sách giảm nghèo trụ cột -0
Hội viên Hội Phụ nữ xã Chi Nê, huyện Lạc Thủy vay vốn nuôi bò thịt

Có thể nói, với sự tích vực chủ động, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã giúp xuất hiện ngày càng nhiều điển hình tiên tiến trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội trong vùng đồng bào DTTS. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, hiện toàn tỉnh có 586 doanh nhân, chủ hợp tác xã (HTX), hộ gia đình sản xuất, kinh doanh giỏi do người DTTS làm chủ. Điểm chung của các doanh nghiệp, HTX, mô hình sản xuất trên là đã vượt qua những khó khăn, thách thức ở vùng kinh tế khó khăn trở thành cầu nối đưa sản phẩm ra thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp và tạo việc làm cho lao động vùng DTTS... Thông qua MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, nhiều mô hình phát triển kinh tế đã được triển khai tới các hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số như mô hình nuôi bò chuyển giao; mô hình trồng bí xanh, mô hình; mô hình trồng rau hữu cơ….

Với quyết tâm mong muốn thực hiện mục tiêu đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới; nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

-Xin cảm ơn đại biểu!

Lê Tùng thực hiện
#