Theo đó, mục đích của kế hoạch nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được giao năm 2024; nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, vai trò của chính sách BHXH, BHYT; thực hiện tốt các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT; đẩy mạnh số hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHXH, BHYT.
Đồng thời, phát triển bền vững số người tham gia BHXH, BHYT; giảm số tiền chậm đóng BHXH, BHYT; kiểm soát chặt chẽ chi phí khám, chữa bệnh BHYT; cụ thể hóa, xác định rõ nội dung công việc gắn với trách nhiệm đối với từng sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trong việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT.
Các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu: phấn đấu năm 2024, trên địa bàn thành phố Hải Phòng tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 94% dân số. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH trên lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 52%. Trong đó, tỷ lệ tham gia BHXH bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 48,2%; tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện chiếm 3,8% lực lượng lao động trong độ tuổi (nông dân và lao động khu vực phi chính thức). Tỷ lệ lao động tham gia BHTN trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 46%.
Thực hiện các giải pháp thu hồi số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN để bảo đảm quyền lợi người tham gia; Kiểm soát chi phí khám, chữa bệnh BHYT; phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHYT, BHTN; tăng tỷ lệ chi trả các chế độ BHXH (lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp BHXH một lần, tai nạn lao động, ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, trợ cấp thất nghiệp) qua tài khoản cá nhân.
Bên cạnh đó, UBND thành phố cũng đưa ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện. Đó là tuyên truyền, phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động và mỗi người dân về chính sách BHXH, BHYT. Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp phát triển nhanh, bền vững người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Thực hiện giải pháp giảm số tiền chậm đóng BHXH, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT. Cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Cùng với đó, giải quyết kịp thời các chế độ BHXH, BHTN; tăng tỷ lệ chi trả các chế độ BHXH (lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, trợ cấp BHXH một lần, tai nạn lao động, ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, trợ cấp thất nghiệp) qua tài khoản cá nhân (thẻ ATM)…
UBND thành phố đề nghị các sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể thành phố, UBND các quận, huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng kế hoạch triển khai, tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp đã đề ra; chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố về việc triển khai kế hoạch này.
Giao BHXH thành phố Hải Phòng chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, các đơn vị liên quan tham mưu UBND thành phố tổ chức tổng kết việc thực hiện kế hoạch này; trường hợp các chỉ tiêu giao cho các cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện đạt tỷ lệ thấp, tham mưu ban hành kế hoạch kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT đối với các sở, ngành và UBND các quận, huyện trong tháng 10.2024.