Phần lớn người cao tuổi thu nhập thấp, sống phụ thuộc
Theo ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), người cao tuổi chủ yếu làm việc trong khu vực phi chính thức (81,4%) và trong ngành nông, lâm, thủy sản (90%). Chất lượng việc làm của người cao tuổi còn thấp, 58,8% lao động cao tuổi là lao động giản đơn. Thu nhập của người cao tuổi làm công hưởng lương chỉ bằng 38,5% mức lương bình quân trên thị trường.
Theo báo cáo tại Diễn đàn sinh kế và khởi nghiệp đối với người cao tuổi năm 2020, phần lớn người cao tuổi nước ta thu nhập thấp, sống phụ thuộc vào con cháu. Khoảng 70% người cao tuổi ở Việt Nam sống tại khu vực nông thôn là nông dân và làm nông nghiệp; trên 70% người cao tuổi không có tích luỹ vật chất và chỉ có chưa đầy 30% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội.
Tại Việt Nam, số người trên 65 tuổi là khoảng 11,4 triệu người, nhưng chỉ 1/3 trong số đó được hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 70% người cao tuổi Việt Nam sống tại khu vực nông thôn và làm nông nghiệp. Còn tại đô thị, đồng ruộng không còn, nhiều người cao tuổi không có lương hưu phải làm đủ nghề: xe ôm, bán hàng nước, giúp việc… để có thêm tiền sinh hoạt.
Các chuyên gia cho biết, theo Bộ luật Lao động và Luật Việc làm, người lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không giới hạn cận trên về độ tuổi, miễn là có khả năng lao động và có nhu cầu làm việc. Nhà nước đã có chủ trương, nhưng việc tổ chức thực hiện chưa thực sự được quan tâm, dẫn đến nguồn lao động người cao tuổi có kiến thức, kinh nghiệm, trách nhiệm như một "kho báu" đang bị lãng quên. Do đó, chính sách, chế độ cho người lao động cao tuổi còn thiếu, dù nhiều người vẫn còn khả năng và mong muốn làm việc, cống hiến.
Nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề cho người cao tuổi
Theo các chuyên gia, việc bảo đảm cho người cao tuổi sống tốt cũng chính là thước đo sự trưởng thành của một cộng đồng xã hội. Trong bối cảnh mặt bằng chăm sóc sức khỏe được cải thiện, tuổi thọ được nâng lên, vấn đề việc làm phù hợp cho người cao tuổi cần sớm được nhìn nhận với cách tiếp cận tích cực từ chính sách lao động và việc làm.
Ông Lê Quang Trung, nguyên Phó cục trưởng phụ trách Cục Việc làm, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đánh giá, việc làm cho người cao tuổi, đặc biệt tại các đô thị, là vấn đề cấp bách trong bối cảnh Việt Nam nằm trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh. Giải quyết việc làm cho người cao tuổi như "một mũi tên trúng nhiều đích", vừa bảo đảm an sinh xã hội, giúp người già duy trì sức khỏe cả thể lực và trí lực, vừa góp phần giảm thiểu thiếu hụt nguồn nhân lực quốc gia.
Cũng theo chuyên gia này, để làm tốt chính sách lao động với đối tượng đặc thù này, Việt Nam cần xây dựng rất nhiều nền tảng, Bởi hiện tại, chưa có động thái để chuyển đổi nhận thức xã hội; chưa có sàn giao dịch việc làm cho người cao tuổi; chưa cung cấp thông tin về nhu cầu của người cao tuổi trong quá trình làm việc.
"Việt Nam cũng chưa có gói hỗ trợ cho người cao tuổi, người sử dụng lao động nhận người cao tuổi vào làm việc; chưa tổ chức đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho người cao tuổi. Với đối tượng khởi sự doanh nghiệp, nước ta cũng chưa có chương trình đào tạo, hỗ trợ, chính sách vay vốn người cao tuổi chưa được tiếp cận" - ông Lê Quang Trung chỉ rõ.
Đồng tình với quan điểm này, PGS.TS. Cao Văn Sâm, Chủ tịch Hội đồng cố vấn, Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực, chuyên gia cao cấp về đào tạo, việc làm cho biết, một số địa phương hay hiệp hội cũng đã có những đề án đào tạo ngắn hạn, nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp, hay thậm chí khởi nghiệp cho người cao tuổi. Tuy nhiên, việc áp dụng gặp khó ở cả 3 khâu: chính sách việc làm; hướng nghiệp, đào tạo, tuyển dụng, chuyển đổi nghề nghiệp và vay vốn. Do vậy, cần nhiều giải pháp đồng bộ, tránh viễn cảnh Việt Nam có thể thiếu lao động trong 20 năm tới.
Chuyên gia Cao Văn Sâm cho rằng, điều đầu tiên là tạo ra thị trường lao động cho người cao tuổi; tăng cường công tác truyền thông, xóa bỏ rào cản tâm lý tự ti cho người cao tuổi. Thêm nữa, cần tăng cường các giải pháp hướng nghiệp, đào tạo và giải pháp về vốn; bên cạnh đó, phát huy những mô hình hay như tự thành lập quỹ phát triển sản xuất của người cao tuổi đóng góp từ các hội viên; sử dụng nguồn nhân lực đã nghỉ hưu để tiếp tục đóng góp cho nhà máy, xí nghiệp. Đặc biệt, cần trang bị cho họ thêm kỹ năng chuyển đổi số, kỹ năng hội nhập và thích ứng.