Ngày đầu tiên Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong thanh âm thường nhật của đời sống nhưng có phần trầm lắng hơn mọi ngày, các đoàn thể, đơn vị và nhân dân Quảng Bình thầm lặng xếp hàng để dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lễ Kỳ siêu tưởng niệm Tổng Bí thư, tri ân người con ưu tú của dân tộc, người dành trọn đời mình cho nước, cho dân. Đúng 8 giờ, các tăng ni, phật tử nghiêm trang, kính cẩn hành lễ, tụng kinh, bằng cả tấm lòng và nỗi niềm tiếc thương sâu sắc.
Song song với đó, các cơ quan, đoàn thể, các hội cựu chiến binh, thanh thiếu niên… xếp hàng kính cẩn dâng hương tưởng niệm. Cuốn sổ tang để người dân tưởng nhớ Tổng Bí thư chỉ qua ít ngày đã dày những dòng viết nhớ thương, tiễn biệt nhà lãnh đạo đáng kính của Đất nước.
Hội cựu chiến binh các địa phương, Đoàn thanh niên các trường học, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng thành kính dâng nén nhang tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt ở vị trí trang trọng tại Chùa Đại Giác trong không khí trang nghiêm, ấm cúng.
Sinh thời, khi làm việc tại Quảng Bình, Tổng Bí thư đã trực tiếp về địa phương, cơ sở, vùng sâu vùng xa để gặp gỡ, trò chuyện cùng cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, người dành sự quan tâm đối với đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hải Châu, năm 2010, bà con đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng như người thân của mình, chân tình giống người một nhà, trả lời những câu hỏi Chủ tịch Quốc hội nêu ra không chút ngại ngần. Đáp lại, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng căn dặn đồng bào giữ vững, tăng cường sự đoàn kết. “Chỉ có đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ nhau mới chiến thắng được đói nghèo”.
Những câu chuyện gần gũi, giản dị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khắc ghi trong tâm thức của nhân dân Quảng Bình, được truyền dạy cho các thế hệ trẻ, để tiếp tục học tập và phấn đấu vì sự phát triển của Đất nước.