Giỏi lý thuyết, thạo kỹ năng
Theo phân tích của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đội ngũ nhà giáo GDNN vẫn chưa đạt mục tiêu chuẩn hóa về trình độ kỹ năng nghề. Cụ thể, tỷ lệ nhà giáo dạy tích hợp thấp (khoảng 50%), một bộ phận nhà giáo dạy lý thuyết hạn chế về kỹ năng nghề, nhà giáo dạy thực hành hạn chế kiến thức chuyên môn. Đây là một thách thức lớn của đội ngũ nhà giáo trong việc đáp ứng yêu cầu đổi mới GDNN khi mà yêu cầu có ít nhất là 70% nhà giáo GDNN dạy được thực hành (dạy tích hợp).
Bên cạnh đó, kỹ năng phát triển chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu đào tạo, cập nhật công nghệ mới của đội ngũ nhà giáo GDNN còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu của cơ sở GDNN trong bối cảnh tự chủ về chương trình đào tạo, đáp ứng chuẩn đầu ra, nhất là đối với nhà giáo trong các cơ sở GDNN thuộc địa phương và tư thục.
Chính vì những tồn tại trên, Đề án này đã đưa ra mục tiêu để phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, nhằm nâng cao chất lượng GDNN thông qua việc đề xuất các nội dung về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, về chế độ đãi ngộ, tôn vinh và về tăng cường năng lực cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo.
Trong giai đoạn 2024 - 2030, Đề án nêu mục tiêu, sẽ có 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ; 70% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ thạc sĩ trở lên. Đồng thời, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho 30% nhà giáo; bồi dưỡng cho 65% nhà giáo đạt chuẩn để giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.
Phấn đấu thu hút 50.000 nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề tham gia vào giảng dạy các cấp trình độ của GDNN và 1.000 nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đang làm việc ở trong nước hoặc nước ngoài đến làm việc và tham gia công tác quản trị, nghiên cứu khoa học tại cơ sở GDNN.
Ở giai đoạn 2030 - 2035, 100% nhà giáo giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm, mũi nhọn có trình độ thạc sĩ trở lên; bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho 50% nhà giáo; bồi dưỡng cho 80% nhà giáo đạt chuẩn để giảng dạy các ngành, nghề trọng điểm tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20. Bên cạnh đó, thu hút được 70.000 nghệ nhân, chuyên gia, người lao động giỏi, người dạy nghề tham gia GDNN; thu hút được 2.000 nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia đang làm việc trong nước hoặc nước ngoài đến làm việc và tham gia công tác quản trị, nghiên cứu khoa học tại cơ sở GDNN.
Để không còn tình trạng bỏ dạy đi làm
"Bỏ dạy đi làm" là thực tế đã diễn ra ở nhiều trường khi giáo viên có tay nghề cao nhưng thu nhập từ việc giảng dạy không đủ để áp ứng nhu cầu cuộc sống và thấp hơn lương kỹ sư cùng ngành khá nhiều. Nguyên nhân là do chế độ đãi ngộ chưa tương xứng, chưa thu hút được nhân tài, người có kỹ năng quản lý và kinh nghiệm vào làm việc.
Bên cạnh đó, cũng chưa thu hút đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao (nghệ nhân, chuyên gia, người đào tạo là người của doanh nghiệp...) tham gia đào tạo các cấp trình độ GDNN; chính sách động viên, khen thưởng, vinh danh đối với cán bộ quản lý GDNN giỏi cũng chưa có. Nếu so sánh nhà giáo GDNN với những người cùng trình độ đào tạo làm việc trong lĩnh vực sản xuất hoặc trong các lĩnh vực khác thì mức lương thu nhập của nhà giáo GDNN thấp hơn rất nhiều. Nhiều nhà giáo GDNN có trình độ tay nghề giỏi lại muốn chuyển ra doanh nghiệp làm việc.
Cũng theo các chuyên gia, một trong những điều ảnh hưởng trực tiếp tới thu nhập của giáo viên chính là việc tuyển sinh của nhà trường. Điển hình như khu vực miền Trung, 5 năm trở lại đây, nhiều trường cao đẳng, trung cấp ở TP. Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đứng trước nguy cơ đóng cửa vì không tuyển sinh được, giáo viên đối mặt với thất nghiệp.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng Lê Văn Minh cho biết, Đà Nẵng hiện có 61 cơ sở GDNN, trong đó có 17 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp, 12 trung tâm GDNN và 26 cơ sở hoạt động GDNN. Tuy nhiên, một số trường trung cấp, cao đẳng đã ngưng hoạt động hoặc trong tình trạng "chết lâm sàng" vì không tuyển sinh được.
Theo TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, mặc dù mạng lưới cơ sở GDNN đã phát triển nhưng chưa phân bố hợp lý giữa các vùng miền, chủ yếu tập trung ở khu vực đô thị. Tổng cục GDNN đã và đang quyết liệt quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống cơ sở GDNN cả nước theo Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 20.2.2023 của Chính phủ và Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4.5.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo hướng đồng bộ, hiện đại; hợp lý về ngành, nghề đào tạo, vùng miền; khắc phục chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và đào tạo ngành, nghề.