Cần trang bị cho học sinh kỹ năng phòng tránh và ứng phó
Theo thống kê năm 2023, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra 9 vụ bạo lực học đường với 29 học sinh vi phạm; trong đó, có 3 vụ đánh nhau hội đồng. Từ góc độ xã hội, nhiều ý kiến tại hội nghị đánh giá, cường độ lao động ngày càng cao, áp lực công việc ngày càng lớn khiến cho nhiều bậc cha mẹ ít quan tâm đến con cái. Bên cạnh đó, sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin còn nhiều mặt trái, gây nên những hiệu ứng không tốt đối với xã hội, nhất là thanh, thiếu niên.
Đại diện Công an tỉnh Lào Cai cho biết: những bộ phim, clip giải trí, trò chơi điện tử, truyện tranh có nội dung không lành mạnh, mang tính bạo lực là một trong những yếu tố ảnh hưởng xấu đến tính cách một bộ phận thanh, thiếu niên. Những nội dung này, một cách tự nhiên đi vào tâm trí học sinh. Nếu như thiếu sự quan tâm, hướng dẫn của người lớn, các em dễ bị dao động, thiếu phương hướng, thậm chí a dua, bắt chước dẫn tới những hành vi bạo lực.
Từ góc độ giáo dục, các ý kiến cho rằng, sự quá tải kiến thức dẫn đến việc giáo dục tại một số cơ sở giáo dục hiện nay chủ yếu chú trọng vào truyền dạy kiến thức mà chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục đạo đức cho học sinh. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu khoa học và thực tế cho thấy hành vi bạo lực ở học sinh xuất phát từ sự thay đổi tâm, sinh lý của các em ở giai đoạn này. Đặc biệt, ở lứa tuổi dậy thì, sự phát triển tâm lý, nhu cầu tự thể hiện mình được phát triển. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường còn đơn điệu.
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, thời gian qua, phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” tuy đã có tác động làm chuyển biến tích cực môi trường giáo dục nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu. Việc tổ chức giáo dục những kỹ năng sống cho học sinh chưa được thực hiện một cách hệ thống, hiệu quả thấp khiến học sinh còn thiếu những kỹ năng cơ bản để phòng tránh và ứng phó có hiệu quả các hành vi bạo lực học đường.
Nhiều đại biểu, chuyên gia tâm lý cho rằng, tác động từ gia đình được xem là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Một số gia đình thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý hoặc nuông chiều con cái quá mức. Có những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, bố mẹ ly hôn, vi phạm pháp luật, cư xử thô bạo… dẫn đến học sinh có nhiều nguy cơ phát triển hành vi bạo lực và chống đối xã hội. Các đại biểu đánh giá, gia đình, người thân có vai trò rất lớn trong việc định hướng đầy đủ những chuẩn mực xã hội cho con cái cũng như là tấm gương sáng để con cái noi theo.
Tạo dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn
Để phòng, chống bạo lực học đường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh, cần có giải pháp căn cơ, triệt để. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, kiến thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật đối với các bậc phụ huynh, người giám hộ và đặc biệt là các em học sinh, sinh viên là việc làm hết sức quan trọng và cần thiết.
Nhiều đại biểu cho rằng, nhà trường, thầy, cô giáo phải đề ra giải pháp xây dựng môi trường học đường lành mạnh, an toàn, tạo sân chơi bổ ích, tạo động lực thúc đẩy các em tích cực học tập, hoàn thiện mình. Bên cạnh truyền dạy kiến thức, phải quan tâm trang bị cho các học sinh, sinh viên phát triển toàn diện giá trị sống; tích cực phối hợp với lực lượng Công an tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật, từng bước hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật cho các em.
Cùng với đó, các thầy, cô giáo, nhất là giáo viên chủ nhiệm cần quan tâm gần gũi và trao đổi để hiểu được tâm tư, tình cảm của học sinh, đặc biệt là các em học sinh cá biệt. Từ đó, tìm ra nguyên nhân và có biện pháp khuyên giải phù hợp, tạo không khí đoàn kết, thương yêu. Đồng thời tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường trong quản lý giáo dục học sinh. Trong đó chú trọng, thông tin hai chiều về tình hình học tập, rèn luyện, các dấu hiệu bất thường để phối hợp triển khai các biện pháp giáo dục học sinh.
Giải quyết tình trạng bạo lực học đường là nhiệm vụ của không chỉ riêng ngành giáo dục mà cần có sự quan tâm, tham gia của gia đình, sự phối hợp, vào cuộc của các cấp chính quyền, các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và của toàn xã hội.
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan; đặc biệt, là ngành giáo dục và người đứng đầu các cơ sở giáo dục phải có kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống ma túy, thuốc lá, bạo lực học đường và đuối nước đối với học sinh, sinh viên. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục, đào tạo và gắn với trách nhiệm người đứng đầu các cấp trong quá trình tổ chức thực hiện; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông và bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở giáo dục.