Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, các cấp ủy đảng, các ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương từ tỉnh đến cơ sở căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, chỉ đạo của tỉnh và tình hình thực tế triển khai thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW bằng các chương trình hành động, kế hoạch, đề án, dự án, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác BHYT.
Theo đó, Tỉnh ủy ban hành 13 văn bản; HĐND tỉnh ban hành 5 nghị quyết, UBND tỉnh ban hành 128 văn bản chỉ đạo, điều hành công tác BHYT. Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tổ chức 30 cuộc kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách BHYT của các sở, ban, ngành, đơn vị.
Sở Y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương thực hiện 4.693 cuộc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật BHYT tại các đơn vị sử lao động, các cơ sở khám, chữa bệnh, đại lý thu, đại diện chi trả và nội bộ cơ quan BHXH; đồng thời, tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh theo định kỳ.
Tỉnh ủy lãnh đạo HĐND ban hành 5 nghị quyết nhằm hỗ trợ người dân và các đối tượng được ưu tiên tham gia BHYT. Hình thức thông tin, tuyên truyền BHYT được tiến hành khá đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Hình thức tuyên truyền đem lại hiệu quả thiết thực là tuyên truyền miệng tại các hội nghị báo cáo viên cấp tỉnh, cấp huyện, hội nghị tuyên vận cơ sở.
Về việc triển khai chính sách BHYT hộ gia đình, số người dân tham gia BHYT hộ gia đình ngày càng tăng. Năm 2009 là 17.362 người đến hết năm 2023 là 75.045 người, từng bước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 358 cơ sở khám, chữa bệnh. Trong đó, có 172 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT, gồm 160 cơ sở y tế công lập, 12 cơ sở y tế tư nhân. Chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng được cải thiện; thủ tục khám chữa bệnh ngày một hoàn thiện theo hướng đơn giản, tạo thuận lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh.
Số người tham gia BHYT tăng dần, tỷ lệ bao phủ BHYT giai đoạn 2020 - 2024 đạt 96,1% (tăng thêm 2,3% so với năm giai đoạn 2009 - 2014). Kinh phí chi trả cho người có thẻ BHYT từ nguồn quỹ BHYT tăng dần hàng năm; chi phí khám, chữa bệnh BHYT giai đoạn 2020 - 2024 tăng gấp 1,97 lần so với chi phí khám, chữa bệnh BHYT giai đoạn 2009 - 2014.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ quá trình thực hiện Chỉ thị 38-CT/TW vẫn tồn tại một số hạn chế như tình trạng nợ, chậm đóng BHXH, BHYT của một số doanh nghiệp sử dụng lao động vẫn diễn ra gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Năng lực tuyên truyền, hiểu biết về chế độ, chính sách BHYT của các tổ chức dịch vụ thu và đội ngũ cộng tác viên còn hạn chế nên chưa thể vận động, thu hút được tối đa người tham gia BHXH và BHYT.
Trước thực trạng trên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Dương Đức Huy đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền; các ban, sở, ngành trong thời gian tới triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng trong tuyên truyền, quán triệt, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách BHYT; nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT, bảo đảm quyền lợi, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT.
Song song với đó, giáo dục nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ thầy thuốc, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh và người nhà bệnh nhân; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; chuyển đổi số trong quản lý, thực hiện, thanh toán, quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT.
Cũng tại hội nghị đã công bố Quyết định tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phối hợp chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ năm 2021 đến năm 2022; Quyết định tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổng kết 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW.